Căn cứ vào các tài liệu mà Công ty Sudico cung cấp cũng như các quy định hiện hành, quan điểm của giới nghiên cứu tư pháp cho rằng, không có căn cứ để buộc tạm dừng thực hiện dự án Nam An Khánh.
Căn cứ vào các tài liệu mà Công ty Sudico cung cấp cũng như các quy định hiện hành, quan điểm của giới nghiên cứu tư pháp cho rằng, không có căn cứ để buộc tạm dừng thực hiện dự án Nam An Khánh.
PGS. TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Tư vấn Pháp luật và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tư Pháp vừa có văn bản số 94/PCDN-TTTV, ngày 4/11/2011 về vấn đề ý kiến tư vấn pháp lý cho Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).
Theo đó, quan điểm khẳng định, việc đề nghị tạm dừng dự án Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) của Thanh tra Chính phủ ngày 17/10/2011 là không có căn cứ.
Lý do cơ bản là trong hệ thống pháp luật hiện hành không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về biện pháp chế tài - một dự án đầu tư xây dựng nếu có sai sót trong việc chuyển nhượng dự án thì bị đình chỉ thực hiện.
Mặt khác, việc buộc phải dừng thực hiện một dự án đầu tư xây dựng là một chế tài nghiêm khắc mà nhà nước chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Trong khi các tài liệu Công ty Sudico cung cấp cho thấy, các sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án nêu trên là "chưa đến mức phải áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc này".
Đang có nhiều quan điểm khác nhau về số phận dự án Nam An Khánh (ảnh Ng.Nga)
Thứ hai, các sai sót, vi phạm pháp luật trong quá trình chuyển nhượng cũng như thực hiện dự án Nam An Khánh không chỉ có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp mà còn xuất phát từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan trong việc quản lý nhà nước đối với dự án.
Ngoài ra còn phải xét đến khía cạnh dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Nam An Khánh là công trình có quy mô lớn. Do đó, việc tạm đình chỉ thực hiện dự án sẽ gây ta nhiêu hậu quả nghiêm trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, đồng thời có khả năng gây mất ổn định kinh tế xã hội tại địa phương.
Cũng soi xét từ góc độ pháp lý, văn bản còn đề cập đến tính hợp pháp, hợp lệ của các vấn đề khác liên quan đến tranh chấp, mâu thuẫn nội bộ giữa các lãnh đạo cao cấp của Sudico thời gian quan, như cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 24/9/2010 và việc biểu quyết và ra các quyết định bãi nhiệm đối với Tổng giám đốc Vi Việt Dũng; việc thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 3/10/2011.
Cũng cần nói thêm rằng, các ý kiến đó chỉ mang tính chất tư vấn, tham khảo dựa trên tài liệu và đề nghị được cho ý kiến pháp lý đối với các vấn đề trên của Sudico trong tư cách là thành viên của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, mà chưa phải là ý kiến chính thức của Bộ Tư pháp.
Trước đó, ngày 24/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tư pháp, Tài chính và UBND TP. Hà Nội có ý kiến bằng văn bản gửi về đơn vị này trước ngày 4/11 để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định số phận của dự án Nam An Khánh. Tuy nhiên cho đến nay, một số cơ quan chủ quản vẫn chưa vội đưa ra quan điểm của mình.
Trao đổi với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet ngày 7/11, nguồn tin từ một Bộ cho biết, đây là vấn đề của địa phương (Hà Nội - PV), do đó chủ yếu là địa phương phải có ý kiến, còn bộ này hiện vẫn chưa có văn bản nào.
Dự án Nam An Khánh bị cho là đã vi phạm quy định của pháp luật về chuyển nhượng dự án, Luật đất đai và trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, do đó ngày 17/10/2011, Thanh tra Chính phủ có văn bản đề xuất tạm dừng triển khai dự án này. Đề xuất ngay lập tức gây rúng động và lo lắng cho các bên liên quan, nhất là các nhà đầu tư khi ước tính đã có tổng số hàng nghìn tỷ đồng được họ bỏ ra mua đất tại đây vài năm nay.
Nguyễn Nga
Theo VEF