Những câu chuyện buồn
Một ngày, miền biên viễn tỉnh Gia Lai sũng ướt với những cơn mưa nặng hạt giữa mùa mưa Tây Nguyên. Tại làng Goòng, xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, tranh thủ lúc ngớt mưa, trời nắng ráo, đám con trai, con gái trong làng vui vầy trong ngôi nhà rông. Dưới bóng mát của gốc cây giữa làng, một nhóm người phụ nữ Ja Rai tụm năm, tụm ba quanh chiếc chiếu cũ. Người say rượu nằm lăn quay, người mải mê với lũ trẻ nghịch ngợm. Cạnh đó, một bà lão gần 70 tuổi say sưa với khung dệt. "Mình năm nay hơn 60 mùa rẫy rồi, mình mua sợi ở chợ về để dệt tấm khăn để địu trẻ. Tấm này dệt khoảng 3 ngày là xong", vừa nói, bà Rơ Mah H'len vừa đưa những đường tay nhịp nhàng trên khung dệt.
Những người phụ nữ xung quanh có vẻ không bận tâm lắm đến bà Rơ Mah H'len. Thấy họ không chú ý lắm với khung dệt, tôi hỏi: Mấy chị có biết dệt thổ cẩm thế này không?
“Không đâu, chỉ mấy người già trong làng mới dệt thôi, mình không biết” - một người phụ nữ Ja Rai chừng 30 tuổi đáp.
Một chị đang địu con trên lưng tiếp lời: Giờ không ai học dệt thổ cẩm nữa đâu, thanh niên trong làng giờ đâu có thích học như ngày trước!
Cảm thấy bất ngờ, nhưng khi dạo một vòng quanh ngôi làng nơi biên giới này lại khiến chúng tôi vỡ ra nhiều điều. Hóa ra, hình ảnh của già Rơ Mah H'len bên khung dệt là hình ảnh duy nhất còn sót lại về nghề dệt thổ cẩm mà chúng tôi được gặp tại làng Goòng. Trên những dây phơi quần áo của mỗi căn nhà sàn, hình ảnh những tấm vải dệt bằng thổ cẩm quen thuộc đã được thay thế bằng những bộ quần áo vải thường. Trên những con đường làng, người già, người trẻ tuyệt nhiên không ai mặc những bộ quần áo thổ cẩm nữa. Già làng Siu Thel, người làng Goòng nói đầy chua chát: "Giờ không ai mặc vải thổ cẩm nữa đâu. Ai mà mặc thì người ta cười chê, người ta bảo là mặc gì mà như con khỉ. Giờ ai cũng mặc đồ như người Kinh hết rồi. Giờ người Ja Rai chỉ thường dùng thổ cẩm để địu con thôi"! Nói rồi, già làng trầm ngâm đưa ánh mắt xa xăm.
Trong ngôi nhà nằm khuất sau những hàng cà phê ở làng Phung 1, xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, chị Rơ Lan Pel, nghệ nhân dệt thổ cẩm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm xã Biển Hồ đang trầm ngâm sắp xếp lại khung cửi và những cuộn chỉ đủ sắc màu. Đã quá đầu giờ chiều nhưng “xưởng dệt” của chị thật vắng vẻ, im lìm. Trên vách tường và kệ tủ, nơi dùng để trưng bày sản phẩm chỉ có 1 chiếc túi xách và tấm khăn choàng nằm lẻ loi. Như đọc được suy nghĩ trong mắt chúng tôi, chị cười ngượng nghịu: “Nhiều tháng nay không có ai đặt hàng nên mình ít ngồi vào khung cửi lắm. Thỉnh thoảng mình dệt cái túi xách, tấm khăn choàng cho đỡ nhớ nghề thôi”.
Như những cô gái Ja Rai khác, lên 10 tuổi, chị Rơ Lan Pel đã tự mình dệt được những chiếc túi xách, bộ váy áo cho mình và cho gia đình. Theo thời gian, những sản phẩm chị làm ra ngày càng nhiều và thêm phần sắc sảo. Rơ Lan Pel đã mang ra chợ và ký gửi cho những cửa hàng lưu niệm bán giúp để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Trong nhiều năm trời, dệt thổ cẩm là niềm đam mê và là phương thức kiếm tiền của chị và gia đình. Vì coi đây là nghề chính nên chỉ trong vòng 4 ngày là Rơ Lan Pel có thể dệt xong một bộ váy áo, mỗi sản phẩm như vậy có giá bán từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng chị kiếm được từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng chị làm ra cũng bán được. Hàng hóa ký gửi ở chợ và các cửa hàng lưu niệm thỉnh thoảng mới có khách hỏi mua. Còn lại chị dệt thổ cẩm theo đơn đặt hàng của những người dân các làng đồng bào dân tộc thiểu số khác đến mua về mặc trong những ngày lễ hội, mà lượng khách này thì không nhiều. Vì thế, chị phải nuôi thêm con heo, con gà, trồng thêm vài sào cà phê để trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi ước mơ đến một ngày nào đó có thể sống được với nghề của cha ông.
Nhiều thách thức cho thổ cẩm
Ở khu vực Bắc Tây Nguyên, so với nhiều địa phương khác, xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, là nơi mà nghề dệt thổ cẩm đang rất được xem trọng. Nhờ có người nhận bao tiêu sản phẩm với giá thành tương đối, mặt hàng này tạm thời có đầu ra. Như vậy cũng đủ để người dân Glar có hứng thú giữ nghề, giữ làng nghề có quy mô nhất ở Gia Lai.
Công bằng mà nói, chính quyền ở đây đã có nhiều hoạt động khuyến khích, thúc đẩy việc phát triển nghề dệt thổ cẩm ở xã Glar. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến đầu tư, Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm ngay tại địa phương, thu hút hơn 50 học viên theo học. Giảng viên là những nghệ nhân tâm huyết trong xã. Những lớp học như vậy tuy chưa giúp gì nhiều cho làng nghề, nhưng thể hiện sự quan tâm của ngành chức năng cũng như là niềm vui, là sự khuyến khích những người yêu nghề.
Còn ở tỉnh Kon Tum, nhờ có lợi thế về phát triển du lịch văn hóa, nghề dệt thổ cẩm của các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP Kon Tum đã có nhiều cơ hội bước ra thị trường. Nhận thấy tiềm năng, giá trị kinh tế đó, năm 2005, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, nhà dệt thổ cẩm có diện tích khoảng 60m2, trị giá gần 70 triệu đồng được xây dựng bên cạnh nhà rông của làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, TP Kon Tum, với mục đích duy trì nghề dệt thổ cẩm và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ Ba Na, đồng thời quảng bá sản phẩm đến với khách du lịch.
Để duy trì nghề dệt thổ cẩm, Trường Dạy nghề Kon Tum tổ chức mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm ngay tại nhà rông cho hơn 30 phụ nữ trong làng Plei Tơ Nghia vào năm 2005. Ngoài sự giúp đỡ về học tập, các chị em học viên còn được hỗ trợ máy khâu, máy vắt sổ... Điều đáng buồn là, đến nay, tất cả những học viên này không ai còn trụ lại với nghề bởi lý do rất đơn giản: Gặp khó khăn về vốn và không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Không những Plei Tơ Nghia mà nhiều làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn TP Kon Tum như: Kon Klor, Kon Tum K'Pâng (phường Thắng Lợi), Kon H'ra Chót (phường Thống Nhất)... hoàn toàn bị động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, chưa chủ động được đầu ra.
Nhìn sang vùng Nam Tây Nguyên, hiện nay, tại một số buôn làng ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk vẫn còn nhiều nghệ nhân có tâm huyết, quyết giữ gìn những bí quyết của nghề dệt thổ cẩm, mặc dù có không ít khó khăn. Họ đang nỗ lực truyền dạy, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình để nó không bị mai một theo thời gian.
Điển hình là Mí Dung ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông, một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm có nhiều đóng góp cho sự gìn giữ và truyền bá nét văn hóa đặc sắc này. Để sản phẩm có chỗ đứng trong thị trường, ngoài những sản phẩm cổ truyền, Mí Dung còn có nhiều sáng tạo, cách tân từ thổ cẩm như: váy, túi xách, hàng lưu niệm... phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng nhưng không vì thế mà làm mất đi nét đẹp truyền thống của nghệ thuật tạo hình Tây Nguyên.
Với ý thức bảo tồn và lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, Mí Dung đã tự nguyện giảng dạy và truyền nghề cho con cháu và những học viên đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của buôn Nui, buôn Buôr và buôn Trum ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Thậm chí, bà còn đứng ra tiêu thụ giúp các sản phẩm do học viên làm ra.
Theo tiến trình của hội nhập, mặc dù có nhiều tâm huyết nhưng nhiều nghệ nhân thổ cẩm, người dệt thổ cẩm và những làng nghề đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trong đó, thách thức lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm. Hầu hết những hộ gia đình theo đuổi nghề này đều không có nhiều vốn, chủ yếu theo đơn đặt hàng nên khi hàng bị tồn đọng là không có vốn xoay vòng. Trong khi các công đoạn sản xuất hoàn toàn thủ công, nên năng suất lao động không cao, giá trị ngày công thấp. Chính vì vậy, nghề dệt thổ cẩm đã không hấp dẫn được lớp trẻ và ngay cả những người lớn tuổi biết nghề cũng chẳng thiết tha lắm với khung cửi.
Một thực tế nữa, ngày nay đồng bào dân tộc thiểu số chỉ mặc trang phục truyền thống vào dịp lễ, hội nên sản phẩm làm ra có ít người mua. Để dệt một chiếc chăn, bộ áo váy... phải mất gần cả tháng trời, chưa kể các chi phí nguyên vật liệu. Nếu gặp may, sản phẩm đó chỉ bán được từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/chiếc nên không ít người đã bỏ nghề. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số khi được hỏi đều cho biết: "Học nghề dệt thổ cẩm rất khó. Như tụi em mới học nghề, dệt xong một tấm thổ cẩm phải mất gần 1 tháng, nhưng bán chỉ khoảng 450.000 đồng. Sau khi trừ mọi chi phí (như tiền mua chỉ gần 200.000 đồng), người dệt chỉ còn lại 250.000 đồng. Tính ra, 1 tháng thu nhập 250.000 đồng là dưới mức nghèo rồi, làm sao duy trì nghề này được. Em học nghề này để cho biết mà thôi"!
Dù là nghề có từ ngàn đời, nhưng hiện nay ở nhiều nơi của khu vực Tây Nguyên, nghề dệt thổ cẩm truyền thống chỉ còn phổ biến trong lớp người cao tuổi và đang có dấu hiệu mai một. Chính vì thế, đây không chỉ là câu chuyện thuộc về vai trò của phụ nữ, của những người có tâm huyết mà hơn hết cần mà phải có sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành hữu quan, để nghề dệt thổ cẩm vừa được lưu giữ, vừa giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống. Chỉ có vậy mới tìm được đầu ra cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho những nghệ nhân dệt thổ cẩm, để họ "giữ hồn" nghề dệt thổ cẩm Tây Nguyên!
Ông Phan Minh Túc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm có tay nghề cao nghiên cứu, đào tạo nâng cao tay nghề cho những người thợ để đa dạng hóa sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, Phòng Xúc tiến Thương mại, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cũng đã mang những sản phẩm thổ cẩm trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài nước nhằm tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, cái khó là trên thực tế việc phát triển ngành nghề truyền thống này vẫn còn ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp lớn nào trong tỉnh nhận bao tiêu sản phẩm, do đó đầu ra sản phẩm thổ cẩm chưa ổn định, chủ yếu người thợ phải tự mình tìm kiếm đầu ra.
|
Trung Đức
theo Thanh tra