Sự kiện hot
12 năm trước

Thời trang cao cấp Việt và cuộc chiến giành lại “sân chơi nội địa”

Dantin - Sau vụ một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang cao cấp hiệu Gucci và Milano ở TP.HCM và Hà Nội nhập lậu và trốn thuế bị cơ quan chức năng xử lý, niềm tin vào hàng ngoại của người tiêu dùng nội địa đã bị giảm sút khá nhiều.

Dantin - Sau vụ một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm thời trang cao cấp hiệu Gucci và Milano ở TP.HCM và Hà Nội nhập lậu và trốn thuế bị cơ quan chức năng xử lý, niềm tin vào hàng ngoại của người tiêu dùng nội địa đã bị giảm sút khá nhiều. Nhiều người đã kỳ vọng đây cũng là cơ hội để thương hiệu thời trang Việt vươn lên…

Chịu “lép vế”?

Khi nói đến hàng Việt Nam, nhiều người tiêu dùng trong nước vẫn thường nghĩ ngay đến hàng giá rẻ và chất lượng. Một thực tế cho thấy trong suốt một thời gian dài, hàng hóa Việt đã trở nên thưa vắng trên thị trường nội địa do thiếu năng lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập cả về chất lượng, kiểu dáng lẫn giá thành sản phẩm. Chính vì thế mà cũng đã có một thời gian dài người tiêu dùng trong nước đã chọn hàng có xuất xứ ngoại nhập mà không chọn hàng Việt Nam. Lí do mà người tiêu dùng đưa ra thật đơn giản, hàng ngoại nhập có nhiều ưu thế như chất lượng tốt hơn, kiểu dáng đẹp hơn, giá cả cũng phải chăng.

Khi trao đổi về vấn đề này, chị Trần Hoài Thu– chủ một shop thời trang chuyên bán quần áo, giày dép, túi xách trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Thường thì shop mình chỉ bán quần áo, giày dép thời trang của các hãng thời trang nổi tiếng nước ngoài như Chanel, Pierre Cardin, D&G,… Sản phẩm của các hãng này được người tiêu dùng ưa chuộng và bán chạy hơn. Thực ra với mức thu nhập ngày một ổn định và đời sống được nâng cao như hiện nay thì người tiêu dùng chú ý đến giá cả một phần, nhưng quan trọng nhất vẫn phải là chất lượng và kiểu dáng phải thật hấp dẫn, hợp thời trang của sản phẩm. Thường thì các tiêu chuẩn trên hàng nội địa không đáp ứng được.”

Có thể nhận thấy rằng hàng Việt Nam thiếu sức cạnh tranh không chỉ ở các mặt hàng cao cấp dành cho tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập cao và được sản xuất dựa trên công nghệ hiện đại của các hãng sản xuất đến từ Mỹ, Nhật, EU,… mà ngay cả những mặt hàng dành cho người có thu nhập trung bình hoặc thấp thì hàng Việt cũng gặp phải một đối thủ cạnh tranh đáng sợ khác ngay chính “sân chơi” của mình đó là Trung Quốc. Hàng hóa của Trung Quốc tràn sang cạnh tranh với hàng Việt và chiếm lĩnh thị trường nội địa bởi sự đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và nhất là giá lại rất rẻ, đánh trúng tâm lí số đông người tiêu dùng. Đứng trước sự cạnh tranh đó, hàng Việt đã tỏ ra yếu thế bởi những hạn chế của mình.

Liệu có trỗi dậy?

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn đi đầu trong việc đầu tư để sản xuất và xây dựng thương hiệu hàng cao cấp của mình hướng vào nhu cầu của người có thu nhập cao. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã ý thức được việc “lột xác” để tự làm mới sản phẩm của mình và quay trở lại “sân chơi” nội địa sau một thời gian dài để hàng ngoại nhập chiếm lĩnh. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, nó như báo trước một sự “trỗi dậy” của hàng Việt sau một giấc ngủ đông dài.

Có thể kể ra đây một số thương hiệu hàng cao cấp như: Jemma (là thương hiệu thời trang cao cấp của công ty TNHH một thành viên Thời trang Cao được tách ra và thành lập bởi Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận); TT-up, San Sciaro, Manhattan (đây là ba nhãn hàng thời trang cao cấp của Tổng Công ty May Việt Tiến); Gosto (thương hiệu hàng thời trang cao cấp của Công ty Kinh doanh và Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, tức Biti’s),…

Nhìn chung các sản phẩm thuộc dòng thời trang cao cấp được các doanh nghiệp tung ra thị trường lần này đều được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, từ chất lượng đến kiểu dáng thời trang cho đến giá cả có phần “mềm” hơn so với các sản phẩm ngoại nhập của các hãng thời trang cao cấp nổi tiếng nước ngoài. Các doanh nghiệp đều ý thức được việc cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường nội địa phải bắt đầu từ sự củng cố, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng bằng việc nâng cao chất lượng, thay đổi kiểu dáng cho hợp thời trang và hạ giá thành sản phẩm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chú ý đến yếu tố chất lượng và mẫu mã, thẩm mĩ thời trang của sản phẩm hơn trước. Ví dụ với các sản phẩm của thương hiệu Gosto, dấu ấn để lại trong các sản phẩm là trình độ tay nghề thủ công của người thợ khéo léo đảm bảo đến từng chi tiết nhỏ. Giày dép Gosto có giá từ 400.000 đồng – 2,3 triệu đồng/đôi; túi xách, bóp Gosto giá từ 900.000 đồng – 4 triệu đồng/chiếc. Tương tự, với, giá các sản phẩm cao cấp của các doanh nghiệp trong nước khác cũng dao động ở mức: Hàng nhãn hiệu Jemma 1-3 triệu đồng/sản phẩm; thời trang TT-up 900.000 đồng – 3 triệu đồng/sản phẩm...

Việc các doanh nghiệp quay trở lại thị trường trong nước vốn trước đây không mấy mặn mà còn được coi là một hướng đi đúng đắn. Quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): Sự “trỗi dậy” của hàng hóa mang thương hiệu Việt và nhất là việc các doanh nghiệp trong nước đã ý thức được tầm quan trọng quay trở về với thị trường nội địa là một dấu hiệu đáng mừng.

Có thể nói là trong suốt một thời gian dài, thị trường nội địa đã bị bỏ bẵng cho hàng hóa của nước ngoài chiếm lĩnh, trong khi đó hàng Việt Nam hoặc không đủ sức cạnh tranh nên bị mất thị phần, một số khác thì hi vọng tìm “nguồn sống” bằng cách len lỏi tìm kiếm các thị trường khác, bỏ mặc “sân sau”.

Trong thời đại hội nhập kinh tế, việc mở rộng cạnh tranh, quảng bá hàng hóa ra thị trường thế giới của các doanh nghiệp nước ta là rất cần thiết, song các doanh nghiệp cũng cần phải tính đến việc củng cố vững chắc “hậu phương” của mình. Sự ổn định của thị trường trong nước cũng là một trong những nhân tố góp phần ổn định và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Hoàng Sơn

Từ khóa: