Việc quản lý an toàn thực phẩm đang bị buông lỏng, trong khi có đến 95% người mua không phân biệt được thế nào là rau an toàn.
Kết quả điều tra do Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện năm 2013 cho thấy công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các loại rau tại các chợ đầu mối đang bị buông lỏng, mới nặng về tuyên truyền, chưa có biện pháp bắt buộc người cung ứng rau phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm bán ra.
Người tiêu dùng lựa chọn rau an toàn. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Hiện mới có 2 trong tổng số 5 Ban quản lý chợ, là chợ Đồng Xa và chợ Đền Lừ, cho biết có biện pháp quản lý an toàn thực với các sản phẩm tại chợ. Nhưng các biện pháp này cũng chỉ mang tính tuyên truyền là chính.
Ngày 29/10, Hội thảo “Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau từ các hộ sản xuất nhỏ đến các đầu mối phân phối" đã được tổ chức tại Hà Nội để bàn về ấn đề này.
Rau an toàn, biết tìm đâu?
Theo ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn nghiên cứu chiến lược chính sách Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, trong khi công tác kiểm soát lỏng lẻo thì nhận thức và năng lực đảm bảo an toàn thực phẩm của cả người bán và người mua rau ở các chợ còn thấp; người bán buôn chưa có động lực và sức ép về kinh doanh rau an toàn nên rau an toàn chưa có chỗ đứng.
Qua kết quả cuộc điều tra về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Hà Nội 2013 cho thấy những thực trạng đáng lo ngại về công tác quản lý an toàn thực phẩm với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Thủ đô.
"Công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung và đối với sản phẩm rau nói riêng chưa được thực hiện một cách sát sao tại chợ đầu mối Hà Nội. Nhiều đợt kiểm tra chỉ mang tính phong trào," ông Trần Công Thắng cho hay.
Thực tế cho thấy quản lý an toàn thực phẩm chưa được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý chợ bán buôn, do đó công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau còn rất hạn chế.
Theo ước tính của đại diện Ban quản lý chợ Long Biên, chợ Hôm Đức Viên và chợ Đồng Xa, tỷ lệ rau an toàn cung ứng tại các chợ này chỉ dưới 10%. Trong khi Ban quản lý chợ rau Vân Nội không xác định được tỷ lệ rau an toàn do chợ hiện đang trong tình trạng họp nhờ chợ Vân Trì. Đối với chợ Đền Lừ (chợ đầu mối Phía Nam), Ban quản lý chợ cũng không xác định được lượng rau an toàn thực tế được cung ứng do không có hoạt động khai báo của người bán hàng và không có phân khu riêng cho nguồn rau an toàn.
Sáng kiến PGS
Thực tế hiện nay, thị trường nói chung vẫn tràn lan các loại thực phẩm, đa dạng cả về chủng loại và mức độ chất lượng khiến cả người tiêu dùng, lẫn người bán đều không khỏi hoang mang.
Kiểm tra, đóng gói các sản phẩm rau an toàn tại xí nghiệp rau an toàn Hà Nội.
(Ảnh: Minh Đông/TTXVN)
Bởi vậy, theo bà Lê Thị Hồng, Vụ Thị trường trong nước-Bộ Công Thương, cần tăng cường mối liên kết giữa các chủ thể trong chuỗi cung ứng thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng nhằm mục tiêu phát triển hệ thống phân phối sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm của hàng hóa nông sản.
Bà Lê Thị Hồng cho rằng, hệ thống PGS (Hệ thống đảm bảo có sự tham gia - Participatory Guarantee System) là một sáng kiến có hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn trong chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, bà Từ Thị Như Tuyết, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cho biết PGS là hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ được FOAM (Tổ chức Các phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế) công nhận và chỉ có các sản phẩm được chứng nhận PGS mới được bán là hữu cơ. Sản phẩm đưa ra thị trường phải đóng gói với logo PGS cùng thông tin nơi sản xuất và phân phối, cũng như có chất lượng đảm bảo.
Theo đó, hệ thống PGS mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những mô hình phát triển rau thường không tuân theo hệ thống. Cụ thể, RHC (rau hữu cơ) có giá trị kinh tế cao hơn rau thường 4 triệu đồng/sào/vụ; RAT (rau an toàn) có giá trị kinh tế cao hơn rau thường 2 triệu đồng/sào/vụ và giá cả tương đối ổn định.
“Hơn nữa, cách thức tổ chức hoạt động của PGS phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam, thị trường chủ yếu là sản xuất nhỏ và tiêu thụ nội địa; và nhà nước đang thiếu thể chế vận hành và quản lý và sản xuất quy mô nhỏ,” bà Từ Thị Như Tuyết nhấn mạnh.
Theo kết quả điều tra an toàn thực phẩm ở các chợ bán buôn tại Hà Nội, có đến 95% số người ở nhóm mua rau tại các chợ không phân biệt được rau an toàn nếu không có các hỗ trợ kỹ thuật như các công cụ để kiểm tra độ an toàn của rau, tỷ lệ này ở nhóm người bán buôn rau có khoảng 73%.
Trong khi đó, chỉ có 60% số người mua rau thực sự quan tâm đến an toàn thực phẩm của rau. Đặc biệt, đáng ngại là có tới 30% số người bán buôn rau được điều tra cho rằng không cần thiết phải cung cấp rau an toàn do kinh doanh mặt hàng này không có lãi, chi phí sản xuất cao trong khi đầu ra không ổn định cả về giá cả và chất lượng. Người kinh doanh rau an toàn cũng chưa nhận được sự ưu đãi đáng kể so với người kinh doanh rau thường.
Lực lượng thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm của nước ta rất hạn chế, hiện tại chỉ có khoảng 300 người, trong khi đó, các quốc gia khác như Thái Lan, chỉ riêng thủ đô Băng Cốc đã có trên 5.000 thanh tra viên về thực phẩm, Nhật Bản là 12.000 người…
|
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Thuc-trang-dang-lo-ngai-trong-quan-ly-rau-an-toan/201310/222813.vnplus
Thanh Tâm
theo Vietnam+