Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thu ngân sách nhà nước đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán

Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhờ đó có số thu đóng góp về cho ngân sách.

Thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/12/2022, thu ngân sách nhà nước đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế, kết hợp với tăng cường công tác quản lý thu, đã tác động tích cực đến kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2022.

Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí,... với tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân tính đến ngày 15/12 với tổng số tiền khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (gia hạn khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 87,5 nghìn tỷ đồng).

Mặt khác, thu ngân sách nhà nước đạt cao là nhờ kinh tế đã phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến GDP năm 2022 tăng khoảng 7,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhờ đó có số thu đóng góp về cho ngân sách.

Về chi ngân sách nhà nước, tổng số chi ngân sách nhà nước đến ngày 15/12/2022 ước đạt xấp xỉ 1.450 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán; trong đó chi đầu tư đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng (bao gồm dự phòng năm 2021 chuyển sang) gần 5,2 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng (729,8 tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (3.697 tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; tạm cấp bổ sung gần 4,3 nghìn tỷ đồng cho 30 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm, đến hết tháng 11 đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 63,86%).

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2022, bội chi ngân sách nhà nước (bao gồm Chương trình phục hồi) thực hiện phấn đấu khoảng 4% GDP (kể cả số bội chi Quốc hội mới bổ sung cho 5 dự án được chuyển đổi của VEC, VIDIFI, thì bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 ước khoảng 4,3% GDP).

Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 15/12/2022, đã phát hành được 203,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 50,8% nhu cầu huy động trái phiếu Chính phủ đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,67 năm, lãi suất bình quân 3,41%/năm.

Hà My
Theo KTDU

Từ khóa: