Sự kiện hot
13 năm trước

Thực phẩm dịp tết: Tránh trời không khỏi... độc hại

Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thường được Bộ Y tế phát động vào tháng 4 – 5 đón mùa hè là thời gian dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thường được Bộ Y tế phát động vào tháng 4 – 5 đón mùa hè là thời gian dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Thế nhưng năm nay, giữa những ngày mùa đông giá rét và cận tết, buổi lễ phát động như thế đã diễn ra ngay tại thủ đô Hà Nội. Và chủ đề cũng rất “thời sự”: “Bảo đảm an toàn thực phẩm tết dân tộc và các lễ hội”. Sau một loạt những phanh phui về chất lượng thực phẩm gây lo ngại cho người dân ngay trước tết cổ truyền, tháng hành động trống giong cờ mở có đem lại tác dụng gì không?

Cảnh chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh không phải là hiếm thấy. Ảnh: Q.D

Sự thật về tương ớt đỏ

Từ vài cân ớt bột có chất rhodamin B – phụ gia bị cấm sử dụng trong thực phẩm được phát hiện tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Cục ATVSTP và Sở Y tế Hải Dương ăn ý, hốt trọn 10 tấn ớt bẩn tại “ổ” ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Tại hộ gia đình ông Phạm Văn Tuyến và bà Phạm Thị Tính (xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng), 10 tấn ớt bột được niêm phong bao gồm 6 bao – tương đương 300kg được xác định nhiễm rhodamin - B và 234 bao khác được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo ATVSTP. Nếu số ớt bột bẩn này không được phát hiện và tiêu hủy vào ngày 11.1 vừa qua, chắc chắn sẽ phân phối tới hàng triệu gia đình trong dịp tết.

Rhodamin B là một loại hóa chất dùng trong công nghệ tẩy nhuộm vải, nhưng cũng đã dần chuyển sang phục vụ cho chế biến thực phẩm dù khả năng gây độc cấp tính và mạn tính của nó. Nếu dính vào người, nó gây dị ứng hoặc làm mẩn ngứa da, mắt... Qua đường hô hấp, chất này gây ho, ngứa cổ, khó thở, đau ngực, còn qua đường tiêu hóa, nó gây nôn mửa, có hại cho gan và thận. Trong trường hợp tích lũy nhiều trong cơ thể, rhodamine B sẽ tác hại cho gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh cũng như có thể tạo ra ung thư. TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục ATVSTP khẳng định: “Nếu ăn hằng ngày chất rhodamine B có thể tích luỹ trong người gây bệnh. Chất này không được sử dụng trong thực phẩm dù với lượng rất thấp”.

Liên tục trong những ngày này, tại Hà Nội các cơ quan chức năng đã phát hiện các loại thịt hun khói, xúc xích, salami... đã hết hạn sử dụng, bốc mùi thối, mốc đen đang được “phù phép” thành hàng mới để tung ra thị trường trong dịp tết. Trước đó, ngày 28.12.2011, điển hình tại một cơ sở thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội, 23 tấn chân bò bốc mùi hôi thối đã bị thu giữ, trước khi chuẩn bị đưa vào Bình Dương tiêu thụ.

Bộ trưởng: Lo thực phẩm hôm nay sẽ ảnh hưởng giống nòi

Trước đó, trung tuần tháng 12.2011, trong cuộc làm việc với Chính phủ, TS Nguyễn Công Khẩn cũng đã đưa ra những chấm phá về ngành chế biến thực phẩm ở VN. Tiếc rằng, đó là những con số đáng buồn: Tình trạng vi phạm khi cố tình sử dụng phụ gia thực phẩm còn diễn ra khá phổ biến. Tại miền Bắc đã phát hiện nhiều mẫu thực phẩm có chứa rhodamine B với hàm lượng từ 20,2 - 110,2mg/kg. Nhiều mẫu xúc xích, giăm bông sử dụng nitrit, trong nước giải khát và mì ăn liền có phẩm màu kiềm. Đặc biệt là có 16% mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the là chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng.

Đến thực phẩm chay - vốn được coi là thức ăn phục vụ những người có chế độ ăn cần sự thanh tịnh, đến 2/3 mẫu xét nghiệm đều dương tính với formol. Tại các tỉnh phía nam, 86/115 mẫu hoa chuối, bẹ chuối, măng chua dương tính với chất tẩy trắng. Có 28/52, tức là hơn 50% mẫu sử dụng phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, tập trung vào các mẫu tôm khô, hạt dưa, mứt...

Trước khi diễn ra cuộc giao ban này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chuyến khảo sát về công tác đảm bảo VSATTP tại một số chợ đầu mối của TP.Hồ Chí Minh. Bà cũng nói rằng những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể vừa qua mới chỉ là ngộ độc cấp tính, còn điều đáng ngại nhất là ngộ độc mạn tính, về lâu dài chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi.

Dịp tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng từ 30- 50%, thậm chí 100% so với ngày thường. Đó là cơ hội thuận lợi cho các loại thực phẩm “bẩn” len vào các gia đình. Người tiêu dùng cũng rất muốn “thông thái” để chọn được những thực phẩm sạch cho một cái tết lành mạnh và tươi vui, nhưng khó quá.

Quang Duy
Theo Lao dong

Từ khóa: