Sự kiện hot
13 năm trước

“Thuốc bổ” không cứu nổi đại gia chứng khoán

TTCK bùng nổ đầu năm 2012 giúp nhiều "tay chơi" lớn hồi sức, nhưng dường như liều thuốc bổ này vẫn không cứu nổi sự bi bét của các đại gia này.

TTCK bùng nổ đầu năm 2012 giúp nhiều "tay chơi" lớn hồi sức, nhưng dường như liều thuốc bổ này vẫn không cứu nổi sự bi bét của các đại gia này.

Ốm dậy sợ gió

Sau nhiều ngày tăng mạnh, các cổ phiếu đã bị bán tháo khá mạnh và đã xuất hiện những đợt giảm giá sau khi có tin đồn về việc cơ quản quản lý nhà nước có thể sắp có đợt thanh tra hoạt động giao dịch ký quỹ tại tất cả các CTCK  nhằm đảm bảo hoạt động này tuân thủ đúng các quy định hiện hành.

Theo quy định đã được ban hành, các CTCK không được phép cung cấp tỷ lệ ký quỹ trên 40% và không được phép cho vay ký quỹ trên 5% vốn hóa của một công ty. Chỉ có cổ phiếu của một số công ty nhất định được phép cho vay ký quỹ và cũng chỉ một số CTCK đáp ứng các hệ số an toàn mới được cấp phép cung cấp dịch vụ ký quỹ cho khách hàng.

Trong khi các CTCK lớn thường tuân thủ luật một cách thận trọng thì các CTCK nhỏ có lẽ sẽ lỏng lẻo hơn trong việc cho vay ký quỹ. Theo đó, có lẽ các nhà đầu tư đã nhân tin đồn này để rút khỏi thị trường trong hai phiên hôm nay và các CTCK cũng có thể giảm cho vay ký quỹ nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định - vốn là vấn đề sống còn của các CTCK trong những tháng tới.

Theo CTCK HSC, trên thực tế, không khó để nhận thấy rằng các nhà đầu tư có thể giao dịch với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn so với mức được Ủy ban Chứng  khoán công bố. Phần đông nhà đầu tư cho rằng nếu việc  kiểm soát này được thực hiện, sức cầu trên thị trường sẽ giảm sút trong ngắn hạn trong khi áp lực cung sẽ gia tăng.

Hiện tượng bán mạnh trong đợt này cho thấy một điều là mặc dù thị trường vẫn đang xu hướng uptrend trung và dài hạn nhưng nhiều cổ phiếu xấu trên thực tế đã có dấu hiệu vào vùng quá mua và việc chốt lời là đảm bảo an toàn.

Chưa biết đợt phục hồi này thị trường sẽ chinh phục lại về tới các đỉnh cao nào, nhưng một thực tế không chối cãi là vẫn có nhiều doanh nghiệp đang quá trình ngoi lên khỏi bùn đen chứ chưa thể thăng hoa được. Việc doanh nghiệp kém nhưng giá tăng vù vù cả vài chục phiên gần đây thì việc nắm giữ là mạo hiểm.

Hàng loạt mã cổ phiếu nóng của các doanh nghiệp đã từng lún sâu vào chứng khoán đã quay đầu giảm điểm rất mạnh cho dù kỳ vọng "đổi đời" của nhiều nhà đầu tư đặt vào đây là khá lớn.

Cổ phiếu SAM sau 4 phiên tăng trần, chiều 27/3 đã quay đầu giảm sàn và trong phiên giao dịch 28/3 vẫn đang chấp chới chưa lấy lại được đà. Kỳ vọng vào sự phục hồi của SAM là rất lớn bởi một nguồn tiền không nhỏ được SAM đầu tư vào cổ phiếu trước đó. TTCK hồi phục thì khoản hoàn nhập dự phòng của SAM chắc chắn là sẽ lớn và lợi nhuận quý I/2012 có thể là đột biến.

Một loạt cổ phiếu chứng khoán vốn được săn lùng ráo riết ở mọi mức giá trần trong nhiều tuần gần đây đã quay đầu giảm sàn trong phiên 27/3 và sáng 28/3 như WSS, BSI, PSI, ORS, AGR, AVS... Tới cuối phiên, thị trường đã quay đầu tăng trở lại nhưng vẫn còn một số mã chứng khoán giảm mạnh hoặc sàn như WSS, BSI, PSI, AGR, AVS...

Các mã tài chính và liên quan tới tài chính khác như PVF, PF1, VF1, VF4... đều rung lắc rất mạnh và nhiều mã tới cuối phiên 28/3 vẫn giảm giá.

"Tay chơi" chứng khoán: Vẫn còn khó khăn

Không nói đến xu hướng đi lên chung của thị trường (trong đó có nhiều doanh nghiệp vốn vẫn đang làm ăn tốt và giá cổ phiếu đang thấp), nhiều đại gia chứng khoán như nhiều CTCK, quỹ đầu tư, doanh nghiệp đầu tư cổ phiếu... có lẽ chưa thể hồi sức được ngay. Hậu quả thâm hụt vốn trong những năm trước đây chắc chắn là rào cản lớn cho sự ổn định trở lại.

Thống kê cho thấy, năm 2011 toàn thị trường có 65 CTCK thua lỗ, 71 CTCK có lỗ quỹ kế và 24 công ty quản lý quỹ lỗ lũy kế...

Trong đó, có rất nhiều CTCK và các doanh nghiệp đầu tư tài chính lỗ lớn trong năm 2011 như: TLS (lỗ 592 tỷ đồng, VCSH thấp hơn vốn đầu tư của cổ đông), SBS (lỗ 609 tỷ đồng, VCSH còn 931 tỷ đồng), SAM (lỗ 183 tỷ đồng), SHS (lỗ 381 tỷ đồng)...

Một số CTCK lỗ 2-3 trong 4 năm gần đây như BSI, HPC, TAS, APG, APS, VDS...

Thậm chí còn nhiều CTCK mất thanh khoản hoặc/và rút khỏi những nghiệp vụ chính như SME, HSSC, Trường Sơn, Hamico (Gia Anh)...

Rõ ràng, trong đợt tăng nóng theo những chuyển biến tích cực của các chỉ số kinh tế vĩ mô vừa qua, TTCK đã đồng loạt đi lên. Nó đồng nghĩa với việc rất có thể có nhiều cổ phiếu đã vượt quá những chuyển biến tích cực nội tại của mình.

Hiện tại, thị trường đang có xu hướng bước sang giai đoạn phân hóa rõ ràng hơn giữa các cổ phiếu tốt và xấu.

Và một điểm đang được giới đầu tư quan tâm là thông tin rằng Ủy ban Chứng  khoán có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc giao dịch ký quỹ của các nhà đầu tư tại các CTCK và quá trình tái cấu trúc khối doanh nghiệp này.

Ảnh hưởng của kiểm soát giao dịch ký quý đã ngay lập tức tác động tới thị trường trong hai phiên vừa qua. Trong khi đó, đề án tái cấu trúc CTCK nhiều khả năng cũng sẽ làm giảm hưng phấn đối với các cổ phiếu chứng khoán - vốn thường tăng rất nóng nhưng nguội cung nhanh.

Theo đề án tái cấu trúc, từ tháng 4/2012, UBCK sẽ mạnh tay hơn trong việc kiểm soát và phân loại CTCK. UBCK cũng đã lập kế hoạch đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động đối với các CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát (vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới trên 120% và có lỗ luỹ kế từ 30-50% vốn điều lệ) hay kiểm soát đặc biệt (vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ luỹ kế trên 50% vốn điều lệ).

Tình trạng lỗ lũy kế và tỷ lệ an toàn tại các CTCK có lẽ sẽ tích cực hơn trong quý I/2012 nhưng có lẽ cải thiện được bao nhiêu mới là vấn đề quan trọng.

Các thông tin như hiện tại các CTCK đang nắm giữ bao nhiêu cổ phiếu, ở nhóm nào, mã nào và sự hồi phục của thị trường trong vài tháng vừa qua đã giúp họ hoàn nhập dự phòng được bao nhiêu... thì hầu hết các nhà đầu tư đều không biết.

Thông tin này, có lẽ chỉ nội bộ các CTCK mới nắm được. Trong khi đó, cái mà nhiều nhà đầu tư có thể đã quên là nhiều CTCK lỗ rất lớn trong vài năm qua. Có công ty lỗ 2-3 trong 4 năm gần nhất và chung quy lại là đang thâm vào vốn.

Theo đề án tái cấu trúc, xu hướng giảm bớt số lượng CTCK là tất yếu. Con số CTCK phải sáp nhập hay giải thể cho tới thời điểm này chưa thể xác định. Nhưng theo nhiều đề xuất thì có lẽ tới cuối 2012 thị trường chỉ còn lại khoảng một nửa (thậm chí ¼) so với hiện tại là hơn 100 CTCK. Câu hỏi được đặt ra là, khi đó cổ đông các CTCK sẽ đi về đâu?

Rõ ràng, đây là một rủi ro khá lớn trong khi lực mua đối với các cổ phiếu này vẫn đang rất mạnh.

Kỳ vọng về một năm bớt khó khăn hơn với vĩ mô đang được cải thiện từng ngày có thể khiến TTCK tiếp tục đi lên vững chắc trong thời gian tới. Dẫu vậy, đó là với những cổ phiếu của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nặng nề bởi chứng khoán trong thời gian qua. Các doanh nghiệp thua lỗ nặng do đầu tư tài chính trong các năm trước có thể sẽ hồi sức nhanh trong giai đoạn đầu khi TTCK quay đầu tăng trở lại nhưng sẽ cần nhiều thời gian để lấy lại tất cả những gì đã mất trước đó.

Theo VEF


Từ khóa: