Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum) - VOBF là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức. Sau 6 năm tổ chức, VOBF đã trở thành hoạt động có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), phát biểu khai mạc Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF)
Vừa qua, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam lần thứ 7 - VOBF 2022 với chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch" tiếp tục được tổ chức tại hai thành phố lớn là Hồ Chí Minh.
Diễn đàn đã trở thành chương trình quy mô lớn và uy tín, địa điểm kết nối và quy tụ nhiều đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu tham gia giao lưu và chia sẻ. Sự kiện có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số Việt Nam từ VECOM, Meta, NielsenIQ, IM GROUP, Pencil Group, Tiktok, Lazada, Do Ventures, Haravan, Accesstrade, TSS, EZChain, GoSELL, ONUS, Droppii, Vietguys, VN Post, Leflair Group, Sapo,…với hơn 2.000 đại biểu, khách mời tham dự tại hai miền.
VOBF 2022 mang đến chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch" chia sẻ những chỉ số mới nhất về thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thế giới, những xu hướng nổi bật, những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai.
Hai làn sóng đã góp phần tạo ra sự phát triển vững chắc của thương mại điện tử nước ta trong các năm 2020 – 2021 và tiếp tục là động lực cho giai đoạn tiếp theo. Làn sóng thứ nhất diễn ra trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của đại dịch Covid-19 năm 2020. Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021 trong đợt dịch Covid-19 thứ tư. Những đặc điểm nổi bật của cả hai làn sóng là trong bối cảnh toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh thương mại điện tử bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới và người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. Làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ mới cho thương mại điện tử trong trung hạn và thậm chí là dài hạn.
Toàn bộ hoạt động thương mại điện tử bị tác động tiêu cực trong đợt dịch thứ tư nhưng với những đặc điểm nổi bật trên có thể thấy Làn sóng thứ hai đã tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử trong năm 2022 cũng như cả giai đoạn 2021 – 2025.
Trải qua hai năm chịu tác động nặng nề từ đại dịch, năm 2021 đa số doanh nghiệp đã thích nghi với những phương án làm việc kết hợp online và offline. Các nền tảng tương tác trực tuyến miễn phí cũng được doanh nghiệp ưu tiên hơn để sử dụng trong quá trình vận hành sản xuất và kinh doanh.
VOBF 2022 thu hút đông đảo sự quan tâm của các doanh nghiệp, cộng đồng. Ảnh: VOBF.
Khảo sát năm 2021 về việc sử dụng các công cụ như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger trong công việc của doanh nghiệp cho thấy hầu như 100% doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng này. Trong số đó thì 44% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng các công cụ trên, 34% doanh nghiệp cho biết có từ 10%-50% lao động thường xuyên sử dụng và 22% doanh nghiệp cho biết có dưới 10% lao động thường xuyên sử dụng.
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất nhanh và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch vừa qua TMĐT đã thể hiện được vai trò là giải pháp tối ưu (đôi khi là duy nhất khi giãn cách xã hội) giúp duy trì chuỗi cung ứng tiêu dùng cho người dân. Tuy nhiên một trong những điểm yếu hiện nay của TMĐT là nguồn nhân lực vẫn còn đang hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Dựa trên tinh thần cấp thiết, kịp thời, diễn đàn được đánh giá là thực tế và hữu ích với các mô hình hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử. Từ đó, giúp các doanh nghiệp có góc nhìn chuyên sâu và đa chiều để điều chỉnh chiến lược kinh doanh trên thương mại điện tử, kịp thời cập nhật những xu hướng hiệu quả, đặc biệt là giải pháp chuyển đổi thông qua những nội dung chia sẻ, gợi ý từ các phiên toạ đàm của VOBF 2022.
Sau đại dịch, môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng đã có sự thay đổi, công nghệ đã có những chuyển biến đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi để đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung. Theo đó, sự kiện năm nay tập trung gồm bốn phiên thảo luận xoay quanh việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng đột phá sau đại dịch.
Mở đầu diễn đàn, phiên một chia sẻ về "Tín hiệu phục hồi toàn cầu". Phiên đầu tiên đưa ra những báo cáo và phân tích sâu sắc về thị trường thương mại điện tử 2021, dự đoán xu hướng nổi bật 2022 cũng như những gợi ý để tăng trưởng sau đại dịch.
Kế tiếp, phiên thứ hai với nội dung chính "Kết nối toàn cầu trở lại" trao đổi về chiến lược thương mại điện tử để phát triển doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phiên thứ 2 chia sẻ về cơ hội đẩy mạnh kinh doanh hàng hiệu tại thị trường Đông Nam Á cũng như chiến lược phục hồi cho Du Lịch và nền tảng giải trí kết hợp mua sắm TikTok Shop.
Phiên thứ ba chia sẻ "Lực đẩy", nội dung thảo luận xoay quanh giải pháp giúp Doanh nghiệp bắt kịp xu hướng và tăng trưởng doanh thu bền vững, đặc biệt là những công nghệ thúc đẩy tăng trưởng cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, các đại biểu, khách mời đến tham dự được lắng nghe về hành trình cán mốc 2 triệu người dùng trong 18 tháng của một nền tảng đầu tư được xây dựng và phát triển bởi người Việt.
Hơn 1.000 đại biểu, khách mời chủ động kết nối tại sự kiện VOBF2022. Ảnh: VOBF
Sau cùng, phiên thứ tư với nội dung "Công nghệ tương lai của TMĐT" trao đổi về những cơ hội, thách thức Blockchain Việt Nam trong năm 2022. Cũng như những lợi thế khác biệt từ việc ứng dụng Blockchain trong ngành TMĐT.
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất nhanh và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch vừa qua TMĐT đã thể hiện được vai trò là giải pháp tối ưu (đôi khi là duy nhất khi giãn cách xã hội) giúp duy trì chuỗi cung ứng tiêu dùng cho người dân. Tuy nhiên một trong những điểm yếu hiện nay của TMĐT là nguồn nhân lực vẫn còn đang hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Mục tiêu phát triển thương mại điện tử bền vững hướng tới năm 2025 là thu hẹp khoảng cách giữa hai thành phố trung tâm là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành còn lại. Vai trò của nguồn nhân lực càng được khẳng định rõ, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư lớn của các cơ quan nhà nước, các tổ chức để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng trong ứng dụng thương mại điện tử, qua đó phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại điện tử tại nhiều tỉnh, thành.
Với những chủ đề, nội dung được cập nhật mới nhất và mang tính thực tế cao, thông qua sự chia sẻ của những chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm và có tầm nhìn, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2022 là cơ hội cho các doanh nghiệp bắt nhịp với dòng chảy thời đại, chuyển hoá khó khăn thành bệ phóng để bứt phá thành công trong nền kinh tế số. Bên cạnh đó, diễn đàn là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia chương trình thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong thời gian tới.
PV/KTĐU