Mới đây, dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” do Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) tại trợ cho Bộ Xây dựng đã được khởi động.
Khuyến khích đầu tư xây dựng công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Dự án thuộc Chương trình năng lượng sạch USAID - Việt Nam, với mục tiêu tăng cường năng lực thu thập, quản lý, phân tích và sử dụng năng lượng; tăng cường năng lực thực thi Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD và năng lực soạn thảo Kế hoạch Hành động Tăng trưởng xanh cho ngành Xây dựng.
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam: Sự ra mắt của dự án thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng USAID-Việt Nam là một bước tiến mới. Hoa Kỳ là nước khởi xướng, đi đầu và có rất nhiều kinh nghiệm trong phát triển các công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả và các công trình xanh.
Vào những năm 2004-2005 nhóm Tư vấn Quốc tế Deringer (Hoa Kỳ) đã hỗ trợ Bộ Xây dựng biên soạn và ban hành QCXDVN 09:2005. Đây là Quy chuẩn xây dựng đầu tiên của Việt nam về các công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả.
Trong 2 năm 2011-2012 Bộ Xây dựng đã giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam rà soát, sửa chữa Quy chuẩn 09:2005 trở thành QCVN 09:2013/BXD (Bộ Xây dựng đã ban hành ngày 26/9/2013).
Chiến lược Quốc gia về "Tăng trưởng xanh" (được phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012), có nêu nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là phát triển công trình xanh.
Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nhiều năm qua đã tổ chức các cuộc thi “Quản lý năng lượng công nghiệp và tòa nhà” và “Tòa nhà hiệu quả năng lượng”.
Số liệu thực tế của các công trình được giải thưởng “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” cho thấy có thể tiết kiệm khoảng 20-30% tiêu thụ năng lượng mà vẫn bảo đảm công năng sử dụng tốt.
Năm 2012, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức cuộc thi “Công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng”. 10 công trình kiến trúc đã được Ban Tổ chức cuộc thi trao giải thưởng vào đầu năm 2013.
Theo ước tính, nếu tất cả các công trình nhà ở của TP Hà Nội đều đạt công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, có thể tiết kiệm 20% năng lượng tiêu thụ. Với chỉ tiêu sử dụng năng lượng trung bình Hà Nội là 185KWh/m2/năm thì mỗi năm lĩnh vực nhà ở Hà Nội có thể tiết kiệm được 5.429 triệu KWh/năm.
Còn tại TP HCM, việc đầu tư xây dựng các công trình có quy mô lớn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả luôn đươc các cơ quan quản lý Nhà nước tại thành phố quan tâm, khuyến khích thực hiện trong suốt thời gian vừa qua.
Đó là các giải pháp thiết kế kiến trúc hiệu quả năng lượng, sử dung vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; Tối ưu hóa hệ thống thiết bị chiếu sáng,hệ thống điều hòa không khí; Áp dụng các hệ thống thông minh, sử dụng các sản phẩm công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính nhằm quản lý, kiểm soát năng lượng hiệu quả; Sử dụng rộng rãi năng lượng mặt trời.
Sau 10 năm nữa, mức tiêu hao năng lượng tính theo GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 3% mỗi năm, cường độ phát thải khí nhà kính sẽ giảm 5% so với hiện tại.
Chiến lược tăng trưởng xanh được kỳ vọng là công cụ thúc đẩy quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Lê Mỹ
theo Xây Dựng