Hết thời quay cuồng theo mỗi đợt lên xuống của cơn sóng vàng, USD, những năm gần đây hai kênh đầu tư này đã bị “ghẻ lạnh” vì ít sinh lãi, thay vào đó dòng tiền đổ vào bất động sản.
Một dự án bất động sản đang được xây dựng dọc bờ sông Sài Gòn, TP.HCM - Ảnh: Quang Định - Đồ họa: Tấn Đạt
"Lãi suất tiền gửi không hấp dẫn, gửi vàng, USD thì không có lãi suất nên người dân đổ vào đầu tư kênh khác sinh lợi tốt hơn".
Ông Hoàng An (môi giới bất động sản)
Từ năm 2016 đến nay, khi thị trường bất động sản trở nên sôi động, ở đâu cũng chỉ nghe nhà đầu tư bàn luận chuyện mua đất kiếm lời.
Quay lưng với vàng, USD, bắt quàng bất động sản
Tích cóp được gần 1 tỉ đồng, chị Minh Hạnh ở quận Tân Phú, TP.HCM, cho biết trước đây chị dùng số tiền này lướt sóng vàng, USD mỗi khi có cơ hội.
“Mua gần ba chục lượng vàng rồi chờ giá lên đem bán tôi cũng kiếm được tiền triệu trong thời gian ngắn. Do vậy tôi ít khi gửi tiết kiệm mà chỉ để tiền trong tài khoản để kịp rút ra khi thấy cơ hội. Không chỉ lướt sóng vàng, nếu giá ngoại tệ biến động tôi cũng chớp cơ hội mua bán nhanh để kiếm lãi” - chị Hạnh nói.
Nhưng đó là chuyện đã xa. Mấy năm gần đây giá vàng liên tục giảm, giao dịch trên thị trường vàng trầm lắng hẳn.
“Chỉ có một vài đợt sóng do biến động giá vàng trên thế giới kéo theo biến động của giá vàng trong nước, nhưng giá vàng trong nước tăng giảm không theo biến động của giá vàng thế giới, chênh lệch giá mua - bán những thời điểm đó lại rất rộng nên rất khó lướt sóng. Do vậy hiện nay tôi không còn mặn mà đầu tư vàng mà chuyển sang kinh doanh bất động sản, chứng khoán” - chị Hạnh cho biết thêm.
Chuyên gia Trần Thanh Hải cũng thừa nhận thực tế này. Theo ông Hải, kênh đầu tư vàng trầm lắng vì nhiều nguyên nhân: Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý kinh doanh vàng, những đơn vị được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng rất hạn chế, việc gia công vàng miếng được quản lý tập trung, ngân hàng không còn huy động, cho vay vàng.
Do hàng loạt quy định như vậy nên thị trường không còn sóng để “lướt” như trước.
Chưa kể từ năm 2010 đến nay giá vàng trong chu kỳ giảm, điều này cũng dẫn đến tâm lý mua vàng tích trữ của người dân cũng giảm vì không có lời mà còn bị lỗ.
Nhiều người vẫn cho rằng đầu tư vào bất động sản có lãi cao. Trong ảnh: khách hàng đăng ký mua căn hộ của một dự án cao cấp tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D
Canh me đổ tiền vào đất
Thị trường bất động sản sôi động lên gần đây đã thu hút lượng vốn lớn. Ông Đức Vinh (Q.Gò Vấp) cho biết khoảng tháng 10-2016 vợ chồng ông gom góp tiền mua mảnh đất 66m2 trong khu dân cư tại Q.Bình Thạnh với giá 2,6 tỉ đồng.
“Ban đầu tôi định dành dụm xây nhà nhưng sau đó giá đất khu này tăng mạnh do thông tin hạ tầng. Đến tháng 4-2017 có người trả giá 3,5 tỉ đồng tôi bán luôn. Như vậy chỉ trong nửa năm tôi lời 900 triệu đồng” - ông Vinh chia sẻ.
Tuy nhiên, mức lợi nhuận trên chưa phải là quá “khủng”.
Ông Thế Kha, quận Phú Nhuận, cho biết năm 2013 khi ông mua miếng đất dự án tại một quận nội thành, công ty chào mời ông lô đất thuộc dự án khác tại quậnThủ Đức với giá ngang ngửa nhưng diện tích lớn hơn 1,5 lần.
Nghĩ là xa, lại quá lớn, khó lên giá nên ông không mua. “Đến nay khi nhìn lại thì giá đất tại đó đã tăng hơn 3 lần giá ban đầu trong khi dự án tôi mua giá chỉ tăng gấp đôi” - ông Kha tiếc nuối.
Ông Hoàng An, chuyên môi giới bất động sản tại khu vực Q.12, nói có cảm giác hiện nay ai cũng “canh me” nhảy vào đầu tư đất vì thanh khoản của thị trường cũng như khả năng sinh lời cao, khác với mấy năm trước dù giá đất thấp nhưng rất khó mua bán.
“Lãi suất tiền gửi không hấp dẫn, gửi vàng và USD không có lãi suất nên người dân đổ vào đầu tư kênh khác sinh lợi tốt hơn. Vả lại mấy năm nay lạm phát được kiểm soát nên tâm lý trữ vàng phòng rủi ro giảm đi nhiều” - ông An phân tích.
Thị trường nhà ở thương mại của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2017 - Nguồn: HOREA - Đồ họa: Tấn Đạt
Hàng trăm nghìn tỉ đang đổ vào nhà đất
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết dư nợ cho vay bất động sản hiện nay tại TP.HCM ở mức 172.000 tỉ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ.
Xét về tỉ trọng, dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay giảm so với cuối năm 2016 (cuối năm 2016 là 12% tổng dư nợ), nhưng con số tuyệt đối tăng hơn 10.000 tỉ đồng do quy mô cho vay tăng lên.
Đó là chưa tính khoản cho vay mua bất động sản trong tín dụng tiêu dùng của cá nhân.
Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM khoảng 220.000 tỉ đồng, trong đó liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 30%.
Tính tổng cộng có khoảng 238.000 tỉ đồng được cho vay để mua nhà đất.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng bất động sản tăng trưởng 6,35%, cao hơn 1,35% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tại TP.HCM tăng mạnh và chiếm tỉ lệ lớn trong số doanh nghiệp mới thành lập.
Trong 6 tháng đầu năm 2017 có 18.000 doanh nghiệp được thành lập thì 1/3 là doanh nghiệp bất động sản, cho thấy thị trường bất động sản thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
238.000 tỉ đồng: Đó là số tiền cho vay mua bất động sản hiện nay tại TP.HCM
Ánh Hồng
Theo Tuổi Trẻ