Giờ này, chính các công ty chứng khoán, các quỹ trong và ngoài nước và các ngân hàng - cũng đang thở dài. Thở dài lo cho số tiền cứ mòn dần theo chỉ số.
Giờ này, chính các công ty chứng khoán, các quỹ trong và ngoài nước và các ngân hàng - cũng đang thở dài. Thở dài lo cho số tiền cứ mòn dần theo chỉ số. Thở dài lo cho tương lai và thở dài không biết sân chơi chính của họ bao giờ đông vui, màu mỡ trở lại.
Hà Nội những ngày đầu đông thật đẹp. Trong khi tâm hồn đang đắm chìm trong vô vàn lãng mạn thì cái bụng thực đang có nguy cơ trống trải trong những ngày giá rét sắp tới. Những tín hiệu mới không hề tốt lành đang vây bủa nền kinh tế Việt Nam, vốn vẫn chưa qua được cơn đau yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lan tràn khắp toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn: hệ thống ngân hàng trước nguy cơ nợ xấu tăng cao, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bị đẩy lên mức "khủng"; thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong khi hầu hết DN trong ngành phải gánh chịu chi phí lãi vay khá lớn khiến rủi ro tại các công ty này tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, chi phí lãi vay vẫn tiếp tục ở mức cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn hơn...
Phản ánh đầy đủ những khó khăn đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận những tin xấu nói trên thành điểm số theo chiều thẳng xuống. Tuần qua, thị trường gần như không đón nhận thông tin nào thực sự tích cực. VN-Index tiếp tục đà suy giảm của mình và chính thức mất mốc 400 điểm, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần VN-Index lùi về mức 396,3 điểm. Trong khi đó trên sàn HNX-Index đã thiết lập đáy thấp nhất trong lịch sử tại mốc 63,6 điểm. Xin nhắc lại, đáy thấp nhất trong lịch sử
Chứng khoán Việt Nam lúc này cũng mới chỉ là khởi đầu của một mùa đông giá lạnh, thua lỗ, chán chường? (ảnh minh họa).
"Trước đây ít ngày còn nghĩ, mọi khó khăn đã bộc lộ ra hết. Tin xấu đã cạn và giờ là lúc trông chờ nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Vậy rồi tin xấu lại vẫn cứ về, khó khăn vẫn y nguyên. Không biết bao giờ kinh tế hết xấu", Trần Đông Sơn, chuyên viên môi giới dạn dày kinh nghiệm đang làm việc tại Công ty Chứng khoán Đông Dương, nói trong tiếng thở dài ngao ngán.
Nhưng những tín hiệu xấu của ngày hôm nay vẫn chưa đáng ngại bằng tín hiệu của sự lo lắng về lâu dài. Khủng hoảng kinh tế và khó khăn chồng chất không còn xa lạ với doanh nghiệp cũng như người dân trong mấy năm gần đây. Mỗi lần khó khăn, các cơ quan chức năng đều nỗ lực đưa ra giải pháp khắc phục. Mỗi lần như thế, doanh nghiệp và nhà đầu tư lại chờ đợi và kỳ vọng những tín hiệu lạc quan về chính sách từ trên đưa xuống. Tuy nhiên, thời điểm này, có vẻ như kỳ vọng đó không còn hào hứng như trước. Nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của các mục tiêu mới đề ra.
Thay vào đó, các nhà đầu tư tin vào những nhận định như của Standard & Poor's (S&P) đưa ra ngày 9.11 vừa qua. Cụ thể, S&P điều chỉnh đánh giá mức độ rủi ro trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam từ "Nhóm 9" lên "Nhóm 10" ("Nhóm 1" là nhóm có mức độ rủi ro thấp nhất còn "Nhóm 10" là nhóm có mức độ rủi ro cao nhất. Các quốc gia thuộc nhóm 10 có tên cả Hy Lạp). Tổ chức này cũng gia tăng mức độ rủi ro của nền kinh tế từ "9 điểm" lên "10 điểm". Mức điểm rủi ro kinh tế "10" mà S&P dành cho Việt Nam phản ánh "rủi ro rất cao" đối với sự linh hoạt của nền kinh tế, sự mất cân bằng kinh tế và rủi ro tín dụng "cực kỳ cao" trong nền kinh tế.
Có những tiếng thở dài lo lắng. Sau bao nhiêu nỗ lực, kết quả vẫn là sự khó khăn thể hiện trong từng câu chữ từ một tổ chức uy tín như S&P? Hồi đầu năm, Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát qua cắt giảm đầu tư công nhưng giải ngân cho các dự án vẫn tiếp tục tăng. Như vậy, cần phải có những hành động quyết liệt hơn nữa mới có thể đạt mục tiêu này, và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Trong bối cảnh đó, hầu hết các công ty chứng khoán đều rụt rè trong những khuyến nghị đầu tư của mình.
"Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên giữ tiền mặt. Việc bắt đáy nếu có, phải ý thức được cửa kiếm lợi nhuận chỉ là cửa hẹp", các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cảnh báo.
Khách hàng của VNDirect khi đọc được những khuyến nghị đó hẳn sẽ không nén nổi tiếng thở dài. Nhưng không chỉ có họ. Các nhà đầu tư khác ở các sàn khác trên cả nước cũng không vui gì hơn. Họ đang ở trong một cuộc chơi mà hy vọng kiếm lời đang ngày càng nhỏ trong khi rủi ro lại quá lớn, hoàn toàn không phù hợp với quy luật kinh tế rủi ro cao - lợi nhuận lớn (high risk - high return).
"Nhà đầu tư nhỏ lẻ chơi sao nổi trong thị trường kiểu này? Lúc dễ còn khi ăn khi thua, giờ khó cỡ này chỉ may ra các đại gia mới chơi nổi", bà Phạm Anh Thư, một nhà đầu tư hầu như không ngày nào không ngồi ở sàn chứng khoán Phương Đông ở TP.HCM, than vãn.
Nhưng không hẳn như bà nói. Giờ này, chính các công ty chứng khoán, các quỹ trong và ngoài nước và các ngân hàng đầu tư - những tay chơi chính, những nhà tạo lập thị trường - cũng đang thở dài. Thở dài lo cho số tiền cứ mòn dần theo chỉ số. Thở dài lo cho tương lai và thở dài không biết sân chơi chính của họ bao giờ đông vui, màu mỡ trở lại.
Có lẽ, ở đâu đó trong văn phòng của Ủy ban chứng khoán trên đường Trần Quang Khải cũng đang có những tiếng thở dài âu lo, trăn trở. Hy vọng những trăn trở của họ sẽ làm đỡ đi những tiếng thở dài của công chúng đầu tư, những người khốn khổ của năm 2011.
Hà Nội mới đầu đông. Những đêm giá rét nhất vẫn còn ở phía trước. Không chừng, cái cảnh thê thảm của sàn chứng khoán Việt Nam lúc này cũng mới chỉ là khởi đầu của một mùa đông giá lạnh, thua lỗ, chán chường.
Hồ Quý
Theo VEF