Chợ đầu mối là địa điểm thường dành cho những dân buôn lấy hàng. Nhưng với thời buổi khó khăn hiện nay, giá cả tăng cao, thực phẩm ở các chợ lẻ, chợ dân sinh đắt đỏ, người dân đổ xô đi chợ đầu mối. Đây quả thực là một lời giải hay nhất cho bài toán giá cả hiện nay.
Chợ đầu mối là địa điểm thường dành cho những dân buôn lấy hàng. Nhưng với thời buổi khó khăn hiện nay, giá cả tăng cao, thực phẩm ở các chợ lẻ, chợ dân sinh đắt đỏ, người dân đổ xô đi chợ đầu mối. Đây quả thực là một lời giải hay nhất cho bài toán giá cả hiện nay.
Chợ đầu mối thu hút những người dân xung quanh đi mua thực phẩm, hoa quả vào buổi sáng, hầu hết từ 2h30 đến 6h, trong đó có cả những người nội trợ về hưu, công nhân, dân văn phòng tranh thủ vào buổi sáng đi chợ cho gia đình, và đặc biệt là sinh viên.
Người dân đến các chợ đầu mối tập trung mua các thực phẩm cho cả ngày ăn. Những thứ có thể tích trữ được, giữ lâu như các loại củ, đồ khô thì mua nhiều, rau xanh thì mua ít hơn. Người kinh doanh các quán cơm bình dân thường chọn chợ đầu mối để hạ thấp nhất giá của các suất cơm, lôi kéo tốt nhất khách hàng có thu nhập thấp của mình vì chi phí bỏ ra rẻ.
Chị Nguyễn Thị Sáu, chủ quán cơm trên đường Bùi Xương Trạch chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng đi chợ đầu mối Ngã Tư Sở để mua thực phẩm cho cả ngày. Mình cần thực phẩm với số lượng lớn nên tiết kiệm được rất nhiều. Sơ sơ một ngày tôi tiết kiệm được hơn 300.000 đồng tiền thực phẩm đó".
Những người buôn bán ở chợ đầu mối cũng khá vui vẻ khi bán lẻ cho dân thường: "Người có gia đình và sinh viên quanh khu vực Phùng Khoang nay đến đây mua rau đông lắm. Tầm khoảng 6h đến 7h là đông nhất. Giá cho những người mua lẻ thì cao hơn một tí so với dân buôn thôi", chị Hồng, người bán rau ở chợ Phùng Khoang nói.
Ngày càng nhiều đến chợ đầu mối để mua lẻ. (Ảnh: Đức Tình)
Chị Bùi Thị Hà buôn rau ở chợ Ngã Tư Sở cho hay: "Chợ này hơn 6h là tan rồi nên tôi cố gắng bán cho cả dân buôn lẫn dân thường cho nhanh hết hàng. Bán lẻ thì được ít hơn vì họ mua mỗi thứ có vài cân, không từng tạ với yến hàng như dân buôn. Không phải tất cả ở đây đều bán lẻ nên người dân muốn đến đây mua lẻ thì phải hỏi".
Chợ đầu mối vừa là lựa chọn thích hợp cho giá cả, vừa để những người nội trợ về hưu đi tập thể dục. Bác Nguyễn Thị Xa ở 65 Thái Hà vui vẻ nói: "Hai ngày tôi đi một lần, thức dậy từ 5h sáng đi bộ sang chợ đầu mối để tập thể dục luôn. Đồ ở đây cũng rẻ hơn 2 lần so với lên chợ lẻ đó".
Bác tính toán, gia đình có 4 người, nhưng buổi trưa thì chỉ có mình bà ăn, tối mới đông đủ. Nếu đi chợ thường, 100.000 đồng là hết ngay, còn đi ở đây chỉ mất hơn 50.000 thôi. Như vậy, việc tranh thủ đi chợ đầu mối tiết kiệm cho gia đình bác một ngày hơn 40.000 đồng, mỗi tháng có hơn triệu tiền ăn dôi ra để làm việc khác.
Nhà bác Hoàng Duy Ngọ ở Khương Trung - Hà Nội trong mấy ngày ra thành phố thăm con: "Thấy con nó mách là chợ đầu mối rẻ lắm nên tôi cũng dậy sớm hơn để đi. Công nhận rẻ thật. Đi chợ lẻ chúng nó thấy tôi quê nên chém kinh lắm. Một quả bưởi ở đây có 8.000 đồng thôi, nếu đi chợ lẻ thì 25.000 đồng, trả giá 20.000 cũng không bán".
Những người đi làm thì thường tranh thủ đi chợ đầu mối vào buổi sáng, mua đồ về cho gia đình nấu cả ngày. Chị Hoàng Thị Thúy ở khu tập thể Cao su Sao Vàng bộc bạch: "Nhà mình gần chợ nên thường đi ra đây vào lúc 5h30 sáng. Đi chợ xong về đi làm luôn là vừa. Chịu khó đi chợ này, gia đình 4 người của mình mỗi tháng tiết kiệm được 500.000-600.000 đồng".
Chợ đầu mối cũng là địa điểm "lý tưởng" thu hút các bạn sinh viên thời buổi khó khăn này. Dãy trọ sinh viên trên đường Nguyễn Trãi, gần trường ĐHKHXHNV cứ 2 ngày lại rủ nhau đi chợ tập thể ở Ngã Tư Sở.
Hoàng Liên, sinh viên ĐHVH ở 12 Nguyễn Trãi chia sẻ: "Đi chợ đầu mối tập thể thế này vừa vui lại vừa tiết kiệm được bao nhiêu. Ở chợ lẻ gần nhà trọ giá cao quá không chịu được. Rau củ ở đây là tươi mà rẻ nhất đó". Liên cho hay, phòng trọ của bạn có 3 người, mỗi người đóng 700.000 đồng tiền ăn mỗi tháng. Từ khi đi chợ đầu mối, mỗi người tiết kiệm được gần 150.000 đồng/tháng để dành cho các chi phí khác.
Như vậy, với sự lựa chọn chợ đầu mối, người dân tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong bữa ăn hàng ngày, đối phó với thời buổi mọi chi phí đều tăng nhanh. Một so sánh của những người đi chự đầu mới cho thấy mức chênh lệch lớn giữa chợ đầu mối và chợ lẻ, chợ dân sinh Hà Nội vào (tháng 3/2012).
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khá nhiều chợ đầu mối. Chợ đầu mối phía Nam, nằm trên phố Tam Trinh, Hoàng Mai là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội chuyên buôn bán các loại hàng nông, thổ, thủy hải sản, thu hút người dân xung quanh khu vực bến xe Nước Ngầm, Trương Định, Minh Khai, Lĩnh Nam, sinh viên các trường Kinh tế, HV Giáo dục, CĐ Kỹ thuật CNN...
Chợ Ngã Tư Sở, Đống Đa nằm ngay dưới chân cầu vượt Ngã tư Sở là nơi chuyên cung cấp các mặt hàng rau, củ, quả và một số thịt gia súc, gia cầm. Chợ thu hút người dân sống xung quanh khu vực đường Láng, Trường Chinh, Nguyễn Trãi, sinh viên các trường ĐHKHTN, KHXHNV, Công đoàn, Thủy lợi...
Ngoài ra còn có một số chợ đầu mối khác như Phùng Khoang (Thanh Xuân), Long Biên (Ba Đình), Dịch Vọng, Mai Dịch (Cầu Giấy), Hà Đông (Quốc lộ 22)...
Theo VEF