Sau rất nhiều năm mở cửa cạnh tranh trên thị trường di động và liên tiếp diễn ra cuộc chiến giảm cước, lần đầu tiên các mạng di động đồng loạt xin nâng cước 3G, vì cho rằng dịch vụ này đang bán dưới giá thành.
Sau rất nhiều năm mở cửa cạnh tranh trên thị trường di động và liên tiếp diễn ra cuộc chiến giảm cước, lần đầu tiên các mạng di động đồng loạt xin nâng cước 3G, vì cho rằng dịch vụ này đang bán dưới giá thành.
Tăng cước 3G, song nhà mạng cần phải nâng cấp mạng lưới nếu không muốn khách hàng rời bỏ. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Thị trường di động Việt Nam bắt đầu lao vào cuộc chiến giảm cước khốc liệt khi xuất hiện nhân tố Viettel. Các cuộc chạy đua giảm cước liên tục được các mạng di động tung ra để hút thuê bao của mình đã giá dịch vụ di động từ mức xa xỉ trở thành bình dân từ gần 10 năm qua. Minh chứng rõ ràng nhất cho việc này thể hiện qua số thuê bao di động được công bố đã vượt quá dân số Việt Nam.
Trong các báo cáo của cơ quan nhà nước, ngành viễn thông được xem như một điển hình sáng giá bởi trong khi nhiều hàng hóa và dịch vụ liên tục tăng giá thì viễn thông liên tục giảm giá. Thế nhưng, sau gần 10 năm các mạng chạy đua giảm cước thì đến năm 2013, lần đầu tiên các mạng di động muốn tăng cước 3G.
Mới đây, Viettel lên tiếng về việc sẽ tăng cước 3G vì hiện tại dịch vụ này đang bán dưới giá thành. Không chỉ có Viettel, MobiFone và VinaPhone cũng đã bắt đầu lên tiếng về vấn đề này bởi đầu tư cho dịch vụ 3G đang bị lỗ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho hay, 4 năm trước, các nhà mạng bắt đầu đầu tư vào mạng 3G. Trong giai đoạn đầu phát triển, để kích cầu cho dịch vụ mới, nhiều nhà mạng đã giảm giá cước dưới mức giá thành và hiện nay giá cước 3G ở Việt Nam được xem là rẻ nhất thế giới.
Đại diện một nhà mạng chia sẻ, doanh thu từ dữ liệu 3G ở mức 5-10% doanh thu toàn mạng, trong khi đó, chi phí đầu tư cho mạng 3G rất lớn tới hàng tỷ USD. Đây đang là nghịch lý đối với việc cung cấp dịch vụ 3G.
Phía MobiFone thì cho biết, hiện giá 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn tận 40 lần so với các nước châu Âu. MobiFone đang bán 3G với mức giá trung bình chỉ 60-80 đồng/MB và mức giá này được coi là thấp hơn 50% so với giá thành.
Một đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, giá cước 3G tại Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất thế giới trong khi chất lượng vẫn đáp ứng được gần hết nhu cầu của người dân. Ở một nước rất gần Việt Nam như Thái Lan, giá ăn uống rất rẻ song cước di động và 3G lại cao. Điều này ngược với ở Việt Nam vì giá cước di động nếu so với mặt bằng ăn uống, sinh hoạt thì rẻ hơn nhiều.
Thực tế, 3 mạng di động lớn nhất của Việt Nam là MobiFone, VinaPhone và Viettel đều tuyên bố đã phủ sóng 3G đến hơn 90% diện tích dân số với số tiền đầu tư rất lớn nhưng giá 3G đang bán ra ở dưới giá thành. Điều này thu được lợi ích là có nhiều người được sử dụng dịch vụ 3G giá rẻ, nhưng về lâu dài thì nhà mạng không thể tái đầu tư khi mà tình hình kinh doanh và số lượng người dùng không đạt được quy mô cần thiết.
Các nhà mạng cũng cho rằng, nếu cứ tiếp tục bán 3G dưới giá thành như vậy thì sẽ không còn nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới. Như vậy, về lâu dài nếu duy trì mức cước 3G dưới giá thành thì người dùng cũng sẽ bị thiệt do nhà mạng không đủ sức đầu tư nâng chất lượng mạng cũng như mở rộng vùng phủ sóng của 3G.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng từng cho hay, về cơ bản, Bộ Thông tin và Truyền thông tôn trọng quyền định giá cước của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi tăng hoặc giảm giá, doanh nghiệp cần căn cứ vào giá thành, cung cầu của thị trường và trên mặt bằng chung của khu vực và thế giới. Trong trường hợp doanh nghiệp tăng giá quá mức, gây bất ổn định thị trường thì Bộ sẽ vào cuộc để giải quyết.
Gần như chắc chắn, việc nâng cước 3G sẽ được triển khai trong nay mai. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là các mạng di động sẽ nâng cước 3G lên như thế nào? Theo thống kê sơ bộ của các nhà mạng thì giá dịch vụ 3G được bán ra chỉ bằng 35%-68% so với mức giá thành của dịch vụ. Nếu đúng là như vậy, các mạng di động có lẽ sẽ nâng cước 3G thêm từ ít nhất 32%-65% nữa.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều người sử dụng kêu ca về chất lượng của dịch vụ 3G tại Việt Nam không được như quảng bá. Bởi vậy, song song với việc tăng giá 3G, nhà mạng cần phải cải thiện tốc độ và sự ổn định của 3G để đáp ứng kỳ vọng của người dùng.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Tim-nguyen-nhan-nha-mang-de-nghi-tang-cuoc-3G/20139/217386.vnplus
theo Vietnam+