Sự kiện hot
6 năm trước

Tín dụng đầu tư cho hạ tầng thành phố

Ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về những định hướng tín dụng và dịch vụ ngân hàng hỗ trợ cho 7 chương trình đột phá thực hiện theo Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 - 2020, nhân dịp kỷ niệm 44 năm Sài Gòn giải phóng và thống nhất đất nước.

Ông Tô Duy Lâm

Thưa ông, vai trò của hệ thống ngân hàng TP.HCM trong suốt 44 năm qua và trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2015 - 2020 như thế nào?

Có thể nói 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 là hệ thống các giải pháp toàn diện - nếu thực hiện hiệu quả sẽ tạo bước đột phá trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội thành phố, đạt được các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra vào năm 2020. Bởi ý nghĩa giải quyết các vấn đề tồn tại trong phát triển của kinh tế - xã hội thành phố, cũng như định hướng phát triển và đặc biệt ý nghĩa đột phá trong tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2015 -2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn của cả nước và hướng đến khu vực Đông Nam Á, trên nền tảng của một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong quá trình đó, hệ thống ngân hàng TP.HCM đóng một vai trò vô cùng quan trọng, bởi đây là một ngành kinh tế quan trọng, đáp ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố nói riêng. Việc định hướng, thực hiện các giải pháp tiền tệ tín dụng ngân hàng và sử dụng các công cụ của chính sách có vai trò quan trọng trong việc bổ sung vốn, đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố, mà giai đoạn hiện nay là tập trung vào thực hiện 7 chương trình đột phá. Trong đó nhu cầu về nguồn vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị là rất lớn. Từ đó, chúng tôi đặt vấn đề đưa ra những quan điểm, định hướng và vai trò của cơ chế chính sách quản lý nhà nước về hỗ trợ, cho vay tín dụng để triển khai các dự án trọng điểm thuộc 7 chương trình này.

7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X giai đoạn 2015-2020: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Trước tiên, cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển sản xuất, phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư của xã hội trên cả nước nói chung và thành phố nói riêng trong suốt giai đoạn vừa qua và hiện nay cũng như trong thời gian tới. Đây là hệ thống chính sách quan trọng trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ thực hiện 7 chương trình đột phá, đặc biệt đối với Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng. Định hướng này thể hiện rõ trong chính sách và điều hành chính sách tín dụng của NHTW.

Theo đó, NHTW tiếp tục chính sách hỗ trợ DN phát triển, với cơ chế trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng; cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu; chính sách đối với phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; ứng dụng công nghệ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ... Các chính sách này trực tiếp tạo điều kiện và hỗ trợ DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Theo đó, việc giữ ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thông qua các chương trình tín dụng đã trực tiếp giảm chi phí cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động cho DN trên địa bàn tạo cơ sở nền tảng để DN phát triển.

Lãnh đạo Chính phủ và TP. Hồ Chí Minh thị sát đường hầm tàu tuyến Metro (đầu năm 2019)

Chính sách tiền tệ, tín dụng của NHTW tiếp tục tạo điều kiện vốn trung và dài hạn cho DN đầu tư trung dài hạn, mở rộng sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, ngành sản xuất kinh doanh của thành phố. Với việc tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức phù hợp. Đồng thời, thực hiện các giải pháp về điều hành chính sách thông qua các công cụ dự trữ bắt buộc, tỷ giá và lãi suất, chính sách tín dụng và hệ thống tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng... sẽ tạo động lực cho đáp ứng vốn tín dụng vào nền kinh tế, cho DN trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho kinh tế thành phố.

Theo số liệu thống kê của chúng tôi, tính đến thời điểm cuối tháng 4/2019, hệ thống các TCTD đã huy động được hơn 2,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, về cơ cấu huy động vốn, tiền gửi tiết kiệm tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn (chiếm 52,86% trong tổng huy động vốn). Đặc biệt, tiền gửi VND vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực so với cuối năm trước, đây là cơ sở đảm bảo cho các TCTD hoạt động tín dụng an toàn và hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu vốn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến nay cũng vượt 2 triệu tỷ đồng. Riêng tín dụng trung dài hạn đạt trên 52% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn dư nợ tín dụng ngắn hạn và đang tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ và phát triển hạ tầng của thành phố. Đặc biệt, tổng dư nợ cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên đạt 158.000 tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ dư nợ (trung dài hạn và ngoại tệ) thì dư nợ 5 nhóm ngành này chiếm khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, lãi suất ngắn hạn tiền đồng ưu đãi đối với lĩnh vực này hiện nay không quá 6,5%/năm.

Để hỗ trợ cho DN nói chung và cho các DN, các dự án thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá, ngành Ngân hàng thành phố đã và đang triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Thực hiện Chương trình hành động 1355 của NHTW và Quyết định 3907 của UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ; Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ DN. Trong đó việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện, giảm lãi suất cho vay trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của ngành Ngân hàng và của hệ thống ngân hàng TP. Hồ Chí Minh trong việc tạo điều kiện hỗ trợ DN bền vững nhất, hiệu quả nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Quá trình này đã và đang được các TCTD trên địa bàn triển khai thực hiện tốt gắn với từng năm, từng lộ trình cụ thể.

Đơn cử như chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai gắn với 7 chương trình đột phá của thành phố ngày hôm nay đã phản ánh tinh thần và quan điểm chủ đạo này. Thông qua hội nghị giới thiệu dự án đầu tư thuộc 7 chương trình đột phá do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức và hội nghị gặp gỡ giữa Ngân hàng với Sở ngành thành phố, với NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, từ đó, tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn tiếp cận dự án, tiếp cận các chương trình đột phá của thành phố để  hỗ trợ vốn.

Vốn tín dụng đã nâng đỡ cho nhiều dự án ở TP. Hồ Chí Minh

Ông có thể chia sẻ về những chỉ đạo của NHNN TP. Hồ Chí Minh đối với các TCTD trên địa bàn để tham gia hỗ trợ vốn vào các chương trình đột phá của thành phố?

Thực hiện dự án thuộc 7 chương trình đột phá thì khâu tổ chức triển khai là rất quan trọng. Từ góc độ ngân hàng chúng tôi cho rằng hệ thống cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng, cũng như hành động của ngành Ngân hàng đối với việc hỗ trợ DN thành phố có ý nghĩa đặc biệt. Đối với vai trò phát triển kinh tế - xã hội thành phố và quá trình tham gia thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố có ý nghĩa rất lớn như phân tích ở phần trên. Song nguồn vốn đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển cơ sở hạ tầng nói riêng của ngành Ngân hàng thành phố, với bản chất là nguồn vốn tín dụng đòi hỏi phải gắn liền với hiệu quả của từng dự án.

Vì vậy để các hành động này tiếp tục lan tỏa và thực hiện hiệu quả, bên cạnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đòi hỏi từ các chủ đầu tư dự án cũng như hệ thống cơ chế chính sách của thành phố phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện và nguyên tắc tín dụng, đảm bảo hiệu quả của dự án khi đi vào hoạt động. Điều này không chỉ đảm bảo hiệu quả và an toàn tín dụng mà trên hết đảm bảo cho thành công của các chương trình đột phá, cho tăng trưởng và phát triển bền vững và chất lượng của kinh tế - xã hội thành phố. Đồng thời cũng phụ thuộc rất nhiều vào khâu tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đó, sở ngành liên quan và NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cần tiếp tục phối hợp và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện theo hướng: Chúng tôi đã tổ chức giới thiệu, thông tin về chủ trương và chính sách của thành phố trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội vào các dự án thuộc 7 chương trình đột phá. Trong đó các sở ngành liên quan, với các dự án thuộc 7 chương trình, lĩnh vực đầu tư khác nhau cần thông tin sâu, cụ thể về dự án, về chủ đầu tư... để các TCTD nắm rõ về dự án, có thông tin để tiếp cận, tìm hiểu, đánh giá.

Ngoài ra, chúng tôi đã tạo cầu nối hỗ trợ thông tin cho các TCTD trong quá trình tiếp cận thông tin, tìm hiểu thông tin về dự án để xem xét, thẩm định và quyết định cho vay, đây là hoạt động rất quan trọng. Vì trên thực tế trong quá trình tiếp cận dự án, chương trình, một số ngân hàng phản ánh cần tìm hiểu sâu hơn thông tin của dự án để xem xét cho vay. Đồng thời các ngân hàng phản ánh chỉ có thể xem xét cho vay đối với dự án đã có chủ đầu tư, các dự án chưa có chủ đầu tư, ngân hàng không có cơ sở thẩm định, đánh giá hiệu quả hoạt động và tỷ lệ nợ và vốn của dự án.

Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút nguồn vốn cho các dự án thuộc 7 chương trình đột phá, thành phố cần tiếp tục có chính sách thu hút các DN, chủ đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án. Sau đó các NHTM sẽ xem xét, đánh giá dự án và khả năng tài chính của chủ đầu tư, đảm bảo các dự án được triển khai hiệu quả, nhanh chóng, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển, đi lên trong giai đoạn tới.

Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm

Phát triển ngân hàng đáp ứng cho giai đoạn mới

Tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố trong thời gian qua có đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng. Thông qua hoạt động hỗ trợ cho DN thành phố với các chương trình kết nối ngân hàng DN, lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ trực tiếp cho DN, hộ gia đình và cá nhân mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố.

Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa, và trong môi trường của cuộc cách mạng 4.0 - mọi diễn biến từ tình hình kinh tế - chính trị thế giới đều có tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với các mức độ khác nhau xong rất nhanh và khó lường. Vì vậy đòi hỏi trong công tác quản lý và trong hoạt động kinh doanh của các TCTD cần chủ động cao và có chiến lược kinh doanh, các giải  pháp tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo đó, tăng trưởng và phát triển bền vững có ý nghĩa rất lớn mà cụ thể là kết quả đạt được năm 2018 của ngành Ngân hàng trên địa bàn là rất quan trọng. Song việc duy trì kết quả này trong năm 2019 và những năm tiếp theo có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vào năm 2020 và tạo động lực cho tăng trưởng vào giai đoạn tiếp theo. Điều này đòi hỏi các TCTD cần tiếp tục kiểm soát tốt chất lượng tín dụng; phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng, tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Cùng với đó, phải hoạt động minh bạch, an toàn và hiệu quả. Trong đó tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo hạn chế rủi ro phát sinh do yếu tố con người và những rủi ro nghiệp vụ, có xu hướng phát sinh trong thời gian qua. Theo đó đề nghị các TCTD tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tổ chức tốt công tác quản trị rủi ro và quản lý hoạt động ngân hàng chuyên nghiệp, phát triển đội ngũ cán bộ nhân viên giỏi chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đặc biệt, lấy đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển dịch vụ ngân hàng làm động lực phát triển đối với các TCTD. Đồng thời ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách để bảo đảm an sinh xã hội tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế thành phố tăng trưởng và phát triển bền vững.

Minh Phương (ghi)

Theo Thời báo Ngân hàng 

Từ khóa: