Sự kiện hot
13 năm trước

Tín dụng tăng trưởng âm, kích bằng cách nào?

Để kích thích tín dụng tăng trở lại hợp lý, khi khó giảm mạnh lãi suất thì điều chỉnh hệ số an toàn vốn (CAR) là một giả thiết.

Để kích thích tín dụng tăng trở lại hợp lý, khi khó giảm mạnh lãi suất thì điều chỉnh hệ số an toàn vốn (CAR) là một giả thiết.

Thời gian gần đây thanh khoản hệ thống đã cải thiện, thậm chí có hiện tượng vốn khả dụng của các ngân hàng lớn dư thừa. Tuy nhiên, hoạt động cho vay ra vẫn khó đẩy mạnh... - Ảnh: Hoàng Hà.

Giả thiết trên được đặt ra khi xâu chuỗi lại thực tế và khó khăn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Thứ nhất, như đã đề cập trong một bài viết vừa qua trên VnEconomy
, tính đến 20/3/2012, tăng trưởng tín dụng là -2,13% so với cuối năm 2011. Kích thích tín dụng tăng trưởng trở lại một cách hợp lý, phù hợp với lộ trình thực hiện định hướng tăng trưởng 15% - 17% cho cả năm, có lẽ là một yêu cầu đang được đặt ra.

Thực tế thứ hai, thời gian gần đây thanh khoản hệ thống đã cải thiện, thậm chí có hiện tượng vốn khả dụng của các ngân hàng lớn dư thừa. Tuy nhiên, hoạt động cho vay ra vẫn khó đẩy mạnh, trong khi kênh giải phóng năng lượng qua đầu tư trái phiếu, mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước khá sôi động.
 
Một câu hỏi đặt ra là vì sao lượng vốn dư thừa đó không chảy thẳng vào tín dụng, để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay? Có nhiều rào cản, trong đó điểm thu hút sự chú ý của thị trường hiện nay vẫn là lãi suất.

Kỳ vọng chung là lãi suất sẽ tiếp tục giảm, có thể nhanh và mạnh hơn để kích hoạt các nhu cầu vay vốn. Nhưng giải pháp này hiện đang ở thế khó, khi theo phân tích của một chuyên gia, cùng lúc có tới 5 gánh nặng đè vai lãi suất. Oái ăm nữa, giả sử tiếp tục giảm thêm lãi suất, nhu cầu vay được kích hoạt, nhiều ngân hàng chưa hẳn đã có thể đẩy mạnh cho vay.

Khó khăn ở đây không chỉ là phải căn theo giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, mà còn do điều kiện nội tại. Điển hình là trở ngại về yêu cầu đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR), theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước là 9%.

Tập hợp dữ liệu qua các kênh công bố khác nhau, tại thời điểm cuối năm 2011, hệ số CAR của nhiều ngân hàng lớn chỉ nhỉnh hơn mức 9% yêu cầu đó. Cụ thể: VietinBank là 10%, Vietcombank là 9,63%, BIDV là trên 10%, Agribank khoảng 8%, ACB là 9,24%...

Hệ số CAR được ví như một tấm khiên bảo vệ ngân hàng và người gửi tiền. Hầu hết các thành viên đều ý thức hoặc đặt chỉ tiêu nâng cao hơn so với mức tối thiểu 9% yêu cầu. Với thực tế gần sát mức yêu cầu như hiện nay, để nâng cao hơn có hai cách: một là nâng tử số vốn cấp I và vốn cấp II, hoặc thu hẹp mẫu số là tài sản có đã điều chỉnh rủi ro.

Trước mắt, khi chưa thể nhanh chóng cải thiện tử số, để giữ được theo quy định, các ngân hàng khó đẩy mạnh và mở rộng cho vay. Điều này một phần giải thích vì sao tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống khó cải thiện nhanh chóng, khi nhiều thành viên đang nằm trong trạng thái đó. Như chỉ riêng nhóm trên, ước tính cũng đã chiếm trên 50% thị phần tín dụng của cả hệ thống.

Một giải pháp được đặt ra, để mở rộng tín dụng hơn nữa, các nhà băng đang eo hẹp “quỹ” CAR có thể thu hẹp mẫu số, hạn chế cho vay và tập trung thu hồi các khoản vay có hệ số rủi ro lớn, chuyển hướng mở rộng sang các khoản có hệ số rủi ro thấp hơn. Đây cũng chính là mục đích điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi xây dựng các điều kiện kỹ thuật thời gian qua.

Hiện các khoản vay bất động sản, chứng khoán đang bị áp hệ số rủi ro cao nhất với 250% khi tính tổng tài sản có rủi ro. Để thu hẹp mẫu số, nâng hệ số CAR hay tạo điều kiện mở rộng tín dụng, nhóm này là trọng tâm hạn chế và cắt giảm.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, đặt trong vấn đề kích thích tăng trưởng tín dụng không dựa quá nhiều vào lãi suất, cũng có thể chủ động có điều chỉnh kỹ thuật để giảm tải cho hệ số CAR cho các ngân hàng thương mại. Và trọng tâm điều chỉnh là nhóm có hệ số rủi ro 250% nói trên. Giả sử giảm xuống còn 150% sẽ là một sự hỗ trợ lớn; hệ số CAR các ngân hàng sẽ cải thiện và có thêm điều kiện để mở rộng năng lực tiếp vốn cho nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là, khi áp hệ số 250%, mục đích của Ngân hàng Nhà nước là để hạn chế tín dụng ở nhóm này, nay nếu giảm xuống như vậy thì có nới lỏng hay không?

Sẽ là sự nới lỏng để tạo điều kiện chung, nhưng vẫn còn một chốt chặn riêng khác: tỷ trọng tín dụng phi sản xuất (mà sau này Ngân hàng Nhà nước gọi là không khuyến khích) tối đa vẫn là 16% tổng dư nợ.

Nếu có điều chỉnh như vậy, tín dụng phi sản xuất sẽ tránh được tình thế “một cổ hai tròng” như trong thời gian qua. Nếu sự mở rộng tín dụng sau điều chỉnh lại quen đường cũ vào bất động sản, chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục siết tỷ trọng 16% nói trên, lái vốn sang các lĩnh vực ưu tiên khác.

Nếu có điều chỉnh như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để kích thích tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý bằng công cụ kỹ thuật hơn là các giải pháp hành chính.

Minh Đức
Theo VnEconomy

Từ khóa: