Trào lưu “Tây hóa” các dự án bất động sản; Nghi vấn rừng phòng hộ Sóc Sơn bị khoét núi phá đồi "hô biến" thành lâu đài, biệt thự ?; Đồng Nai: Một doanh nghiệp đề xuất đầu tư 1.900 tỷ đồng làm dự án du lịch... là những thông tin bất động sản nổi bật có trong Tin nóng Bất động sản 22/8.
Nghi vấn rừng phòng hộ Sóc Sơn bị khoét núi phá đồi "hô biến" thành lâu đài, biệt thự ?
Câu hỏi nghi vấn trên được Chuyên trang điện tử Phapluatplus.vn (Báo Pháp luật Việt Nam) thông tin. Theo đó, Thời gian gần đây đường dây nóng Pháp luật Plus liên tục nhận được thông tin phản ánh của người dân sinh sống tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội về tình trạng hàng loạt công trình xây dựng đang xâm phạm quy hoạch rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội)
Các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ diễn ra ồ ạt và các thửa đất khi chưa được các cơ quan chức năng đo đạc bản đồ địa chính đã được chuyển nhượng cho các “đại gia”, khoét núi phá đồi xây biệt thự. Hiện tại cơ bản đã có một số công trình đã đưa vào sử dụng, một loạt công trình khác đang gấp rút thi công, khẩn trương hoàn thiện.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm có chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để xử lý nghiêm các sai phạm về việc vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, xẻ thịt rừng phòng hộ tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội….
Trào lưu “Tây hóa” các dự án bất động sản: Sính ngoại liệu có hay?
Đây là câu hỏi được đưa ra trên Báo Xây dựng, theo đó, hiện nay, thị trường bất động sản phát triển ngày càng mạnh mẽ, hàng loạt khu chung cư lớn nhỏ từ hạng sang đến bình dân mọc lên, giải quyết nhu cầu chỗ ở cho hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư đặt tên nước ngoài cho các khu chung cư khiến người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình gọi tên, sử dụng. Hiện nay, phần lớn các dự án, khu nhà ở từ nhỏ đến lớn đều đặt tên theo tiếng Anh, thậm chí cả tiếng Pháp, có những dự án còn đặt tên dài loằng ngoằng và rất khó nhớ. Việc đặt tên các dự án như trên khiến nhiều người dân đọc sai, đọc nhầm, thậm chí không thể nhớ tên nơi mình đang ở vì không phải ai cũng thành thạo ngoại ngữ.
Việc đặt tên cho các dự án nhà ở quy định rõ tại Điều 19, mục 1, chương III Luật Nhà ở 2014: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng.
Nhưng thực tế hiện nay vẫn có tình trạng các dự án đua nhau đặt tên nước ngoài, gây ra không ít khó khăn, rắc rối cho người dân sinh sống ở các khu chung cư này.
Đồng Nai: Một doanh nghiệp đề xuất đầu tư 1.900 tỷ đồng làm dự án du lịch
Thông tin của UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua đã có doanh nghiệp đề xuất thực hiện dự án du lịch tại tỉnh tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1.900 tỷ VND với tên gọi Dự án du lịch môi trường The Coi. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã làm việc về đề xuất của một doanh nghiệp muốn thực hiện dự án du lịch có tên là Dự án du lịch môi trường The Coi với 3 điểm du lịch Đá ba chồng, Bầu nước Sôi và Thác Mai trên địa bàn huyện Định Quán. Chủ dự án đề xuất tỉnh cho thuê gần 100ha đất để triển khai dự án. Trong đó: gần 50ha môi trường rừng để phát triển du lịch dưới tán lá rừng, 17ha khu vực Bầu nước Sôi và gần 33ha khu vực Thác Mai.
Số vốn đầu tư Dự án du lịch môi trường The Coi lên đến 1.900 tỷ đồng. Chủ dự án dự kiến chia làm 2 giai đoạn đầu tư: giao đoạn 1 đầu tư 400 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 1.500 tỷ đồng.
TP.HCM sẽ sáp nhập các BQL đô thị
Theo thông tin từ Báo Thanh Niên, ngày 21.8, Thường trực UBND TP.HCM cơ bản thống nhất dự thảo đề án sắp xếp lại các ban quản lý (BQL) dự án của TP. Theo đó, sáp nhập BQL đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, BQL đầu tư - xây dựng khu đô thị mới Nam TP, BQL đầu tư - xây dựng khu đô thị Tây Bắc TP thành BQL phát triển đô thị TP.HCM, là cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP.
Hiện tại, 3 BQL trên có 3 trưởng ban, 6 phó ban, khoảng 20 lãnh đạo cấp trưởng phòng và hàng trăm cán bộ, công chức. Sau khi sơ kết thí điểm hoạt động của từng BQL trong quý 3/2018 sẽ tiến tới việc sáp nhập.
Xin giãn tiến độ dự án 3.350 tỷ đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Công ty CP Đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin giãn tiến độ Dự án Khu du lịch Đại Dương tại Chí Linh - Cửa Lấp, phường 11, TP. Vũng Tàu. Dự án có diện tích khoảng 19,5 ha với tổng vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng.
Dự án được UBND Tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2010 và chứng nhận thay đổi lần thứ nhất vào năm 2014. Theo kế hoạch ban đầu, Dự án được khởi công xây dựng năm 2014 và dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động, kinh doanh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi được chấp thuận chủ trương, Dự án đã hoàn tất các thủ tục. Tuy nhiên, đến nay, Nhà đầu tư chưa triển khai các bước tiếp theo của Dự án theo như quy hoạch đã được phê duyệt. Lý do là Công ty gặp khó khăn về tài chính và người đại diện theo pháp luật gặp vấn đề về sức khỏe.
Sắp có thêm tòa cao ốc ngay trung tâm TPHCM
Tòa nhà cao ốc văn phòng cao cấp Friendship Tower tọa lạc tại số 31, đại lộ Lê Duẩn, vị trí “vàng” ở khu trung tâm quận 1, TPHCM dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2020.
Dự án 21 tầng có diện tích sàn khoảng 19.000 m2, đối diện Lãnh sự quán Mỹ và Pháp. Theo chủ đầu tư CZ Slovakia, vị trí của Friendship Tower có một lợi thế đặc biệt khi được bao bọc bởi hàng loạt các công trình nổi tiếng và tiêu biểu, nằm ngay tại quận 1 ở con phố trung tâm Lê Duẩn. Các thiết kế của dự án cũng là sự kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của phương Tây và phương Đông, mang đến không gian làm việc hiện đại và tiện lợi cho các khách thuê.
Minh Chí (tổng hợp)
Theo PLBD.GDXH