Các chuyên gia nhìn nhận việc “force-sell” từ các tổng kho cổ phiếu đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực vào thị trường chung vốn đã có tâm lý rất yếu. Dù vậy, có ý kiến nhìn nhận quy mô các tổng kho hiện chỉ ở mức thấp và không thấm vào đâu so với dư nợ margin 200.000 tỷ đồng trên toàn TTCK.
Chốt phiên giao dịch 21/4, VN-Index giảm 1,05%, tương đương 14,51 điểm, xuống 1.370,21 điểm, qua đó xác lập phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Như vậy, tính từ phiên đầu tháng 4, chỉ số giảm tổng cộng 8,17%, tương đương “bay” hơn 21 tỷ USD vốn hóa.
Thông tin về việc một số lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt vừa qua đã tác động tới thị trường. Với cơ cấu tỷ lệ nhà đầu tư chiếm đến 85%, tâm lý vốn yếu và ưa thích đầu cơ mạo hiểm, “lướt sóng” để kiếm lợi nhuận nhanh, những tác động tiêu cực từ ngoại cảnh càng khiến VN-Index giảm sâu.
Điều này đã kích hoạt đến đà bán giải chấp tại hàng loạt các công ty chứng khoán, cùng với đó là ở các tổng kho cổ phiếu.
Giới đầu tư không còn quá xa lạ với khái niệm “tổng kho cổ phiếu”. Đây là các kho cổ phiếu do một nhóm người nắm giữ, tách biệt với công ty chứng khoán. Các kho sẽ xây danh mục với một lượng cổ phiếu và cho vay margin các mã này với tỷ lệ khá cao là 2:8 (ký quỹ 20%, vay 80%), hay 3:7 (ký quỹ 30%, vay 70%), với lãi suất từ 15% - 23%/năm. Nhà đầu tư có thể tham gia với hình thức gửi tiền vào kho để đặt lệnh mua cổ phiếu và/hoặc bán khống cổ phiếu.
Tỷ lệ ký quỹ thấp đồng nghĩa sức ảnh hưởng của các tổng kho này lên các cổ phiếu đơn lẻ và chỉ số nói chung là không nhỏ. Điều này đồng nghĩa, một cổ phiếu/chỉ số có thể ảnh hưởng tăng/giảm rất mạnh tùy vào bối cảnh.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận việc thành lập các kho là để lách quy định của UBCKNN chỉ cho vay margin với tỷ lệ ký quỹ là 50%, đáp ứng nhu cầu khách hàng muốn dùng tỷ lệ vay lớn để kiếm lời, ngoài ra còn là để bán khống (short) cổ phiếu - nghiệp vụ chưa được cho phép.
Ông nói:”Việc thị trường giảm sâu trong thời gian qua có ảnh hưởng “force-sell” từ các kho, khi nhiều bên thậm chí đã cho vay FLC, ROS, nhóm Louis Holdings…. Mặt khác, nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, các kho đã yêu cầu nhà đầu tư phải thế chấp một số tài sản khác như VNM, HPG… và/hoặc kho sẽ có đánh giá trên tổng thể danh mục của nhà đầu tư. Do vậy, khi cổ phiếu bị giảm sàn đến ngưỡng và kho không thể bán sàn, họ buộc phải bán các tài sản khác của nhà đầu tư, hay còn gọi là call margin chéo. Điều này tác động tiêu cực đến các cổ phiếu khác, qua đó khiến thị trường giảm sâu hơn”.
Dù những giao dịch kiểu này ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng ông Nguyễn Thế Minh thừa nhận khó có thể kiểm soát do nhu cầu của nhà đầu tư Việt Nam ưa thích đầu cơ, lướt sóng.
Đồng tình với quan điểm của ông Minh, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng các tổng kho cổ phiếu chủ yếu thu lợi nhuận từ phí giao dịch và lãi suất margin từ 15% - 23%. Để quản trị rủi ro, khi thị trường rơi vào vùng giao dịch tiêu cực, những kho này sẽ nhanh chóng tất toán khi thị trường có "biến". Điều này phần nào dẫn đến hiệu ứng “domino” bán giải chấp cổ phiếu ở chính các công ty chứng khoán, và càng tác động tiêu cực vào thị trường chung vốn đã có tâm lý rất yếu.
Tuy nhiên, ông Khoa thừa nhận dù có tác động như đã phân tích, nhưng không có số liệu đo đếm cụ thể những ảnh hưởng tiêu cực kể trên.
Còn theo quan điểm của ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phát triển năng lực CTCP Chứng khoán VPS, không có số liệu chi tiết từ các kho bởi đây thường là các tài khoản cá nhân cung cấp dịch vụ, cho vay với khách hàng cá nhân. Với tỷ lệ ký quỹ thấp, tính chất các khoản vay này thường là dễ bị “force-sell”. Dù vậy, ông Khánh cho rằng “các kho này chỉ là một bộ phận và khó có sức ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số chung, đặc biệt là với quy mô margin 200.000 tỷ đồng trên toàn TTCK".
Tả Phù
Theo nhadautu.vn