Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8/1 cho biết châu Âu và Trung Quốc nên cùng hợp tác trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án tham vọng của Trung Quốc nhằm hồi sinh Con đường Tơ lụa mà ông Macron cho rằng không thể là “đường một chiều”.
Ngày 8/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp nhà nước dài ba ngày đến Trung Quốc với điểm dừng đầu tiên tại thành phố Tây An, cột mốc phía đông của Con đường Tơ lụa thời cổ đại. Chuyến thăm này của ông Macron nhằm “hâm nóng” quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc vốn hay căng thẳng do chính sách hạn chế thương mại và đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh.
Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân được Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đón tiếp tại Bắc Kinh ngày 8/1. Nguồn: Ludovic Marin/Reuters.
“Dù sao thì Con đường Tơ lụa cổ đại chưa từng thuộc về mỗi Trung Quốc. Về bản chất, con đường này chỉ có thể được chia sẻ. Nếu đã là đường, chúng không thể là đường một chiều”, ông Macron nói trước giới học giả, sinh viên và doanh nhân tại Cung điện Đại Minh (Daming Palace), dinh thự của triều đại nhà Đường trong hơn 220 năm.
Tuy nhiên, ông Macron cũng cho biết quan ngại của châu Âu về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, dự án phát triển hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD nhằm làm sống lại tuyến giao thương huyết mạch Á – Âu thời cổ đại.
Sáng kiến Vành đai và Con đường lần đầu được Trung Quốc công bố vào năm 2013 với tham vọng kết nối nước này bằng đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á và xa hơn là Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
Tổng thống Pháp và phu nhân thăm Bảo tàng Binh Mã Dũng tại Tây An. Nguồn: Reuters.
Thổng thống Emmanuel Macron, người từng cam kết sẽ thăm Trung Quốc ít nhất một lần mỗi năm trong nhiệm kỳ của mình, cho rằng các dự án phát triển văn hóa và hạ tầng do Trung Quốc khởi xướng cũng có thể mang lại lợi ích cho Pháp và EU nếu được thực hiện trên tinh thần hợp tác.
“Những con đường này không thể nằm dưới quyền thống trị của một quốc gia nào và biến những nước nó đi qua thành những nước chư hầu”, ông Macron phát biểu.
“Hiện tại, các quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, đang cho thấy sự thận trọng khi xét về quy mô và tình trạng mập mờ của các dự án này của Trung Quốc”, chuyên gia Alice Ekman từ Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho biết.
“Với Trung Quốc, Con đường Tơ lụa mới cũng là công cụ để phổ biến các chuẩn mực quốc tế mới – những luật lệ và quy chuẩn khác với những gì mà Pháp và các quốc gia châu Âu đang áp dụng”, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond từng cho biết hồi tháng 12/2017.
Tại Tây An, Tổng thống Pháp cho biết ông hy vọng quan hệ EU – Trung Quốc sẽ có một khởi đầu mới, dựa trên “quy tắc cân bằng”, sau khi thừa nhận có sự ngờ vực nơi Trung Quốc cũng như quan ngại giữa của các nước châu Âu.
“Điều tôi muốn nói với các bạn khi đến đây là châu Âu đã trở lại”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Trường Giang
Theo KTTD, Vietnambiz