Sự kiện hot
6 năm trước

Trung Quốc nỗ lực hồi sinh Con đường Tơ lụa thế kỷ 21

Trung Quốc đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy quan hệ với nhiều quốc gia với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đây được xem là chương trình chi tiêu nước ngoài lớn nhất kể từ Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm tái thiết châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tây An, kinh đô cổ của Trung Quốc đang dần trở thành trung tâm thương mại nhờ dự án 'Vành đai, Con đường'

Nhưng những dự án nào thuộc BRI sẽ làm sống lại Con đường Tơ lụa cổ đại trong năm tới? CNBC đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

Pakistan

Các xe tải trong lễ khởi công dự án tại cảng Gwadar, Pakistan ngày 13/11/2016. Nguồn: Aamir Qureshi/AFP/Getty Images.

Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) là dự án hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng trị giá gần 60 tỷ USD giữa hai quốc gia láng giềng châu Á này.

Trao đổi với CNBC, ông Shailesh Kumar, chuyên gia phân tích châu Á tại Eurasia Group, cho biết CPEC là “dự án mang tính chiến lược và tiềm ẩn bất ổn chính trị lớn nhất” thuộc BRI.

Ông cho rằng CPEC sẽ khiến Ấn Độ phải đau đầu khi bao trùm cả Kashmir, lãnh thổ tranh chấp lâu nay giữa Ấn Độ và Pakistan. Theo ông Kumar, chính sách thân thiện của Trung Quốc đối với Pakistan sẽ khiến Ấn Độ bị cô lập, từ đó mang đến Trung Quốc lợi thế quân sự trước đối thủ Nam Á.

CPEC có bộ bao phủ rộng lớn, gồm nhiều dự án cảng và hệ thống đường sắt cũng như lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ và du lịch. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng mô tả hai quốc gia là “đối tác chiến lược trong mọi hoàn cảnh” trong cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi trong tháng 12.

Theo ông Daniel de Blocq van Scheltinga - nhà sáng lập kiêm đối tác điều hành hãng tư vấn Polarwide, CPEC không chỉ là cách Trung Quốc giải quyết tình trạng dư thừa công suất thép và xi măng hiện nay. Ông cho rằng “sẽ không bất ngờ nếu quan hệ giữa hai nước đi xa hơn” khi Trung Quốc tận dụng các cảng tại Pakistan như các căn cứ hải quân.

Đông Nam Á

Một người chạy xe dọc đường ray tại ga Hua Luampong ở Bangkok, Thái Lan. Nguồn: Lillian Suwanrumpha/AFP/Getty Images.

Trao đổi với CNBC, ông Alexious Lee từ tập đoàn đầu tư CLSA cho biết Trung Quốc đã mang BRI đến gần Đông Nam Á hơn trong năm qua. Ông cho rằng khu vực này là cơ hội để Trung Quốc thiết lập “hệ sinh thái thương mại” của riêng mình như một đối trọng với Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) của phương Tây.

Dự án đường sắt cao tốc Thái Lan – Trung Quốc vừa được khởi động trong tháng 12 sau nhiều lần trì hoãn do các tranh cãi về thiết kế và tài trợ vốn. Toàn tuyến đường sắt cao tốc này dài hơn 870 km, cho phép tàu lưu thông với tốc độ lên đến 240 km/h. Trong khi đó, Malaysia cũng sẽ công bố 4 dự án đường sắt lớn trong năm 2018 nếu được tài trợ vốn như một phần của BRI.

Ông Lee cho rằng Trung Quốc sẽ “chăm chút” Đông Nam Á hơn trong năm tới khi đây là “giai đoạn cao điểm của các cuộc bầu cử”.

Djibouti

Nhân viên y tế trên tàu bệnh viện Peace Ark trước khi cập Cảng Djibouti ngày 23/8. Nguồn: VCG via Getty Images.

Vào tháng 8, Trung Quốc đã chính thức mở căn cứ quân sự tại Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở Đông Phi. Đây là bước đi đáng chú ý trong bối cảnh Mỹ đã hiện diện quân sự tại đây và Djibouti nằm ở vị trí chiến lược để tiếp cận Biển Đỏ và Kênh đào Suez, con đường dẫn đến các thị trường châu Âu.

“Khi Trung Quốc ngày càng mở rộng lợi ích kinh tế tại châu Phi, nhu cầu bảo vệ những lợi ích này sẽ nảy sinh”, ông Guo Yu, chuyên gia về Trung Quốc của hãng tư vấn Verisk Maplecroft, nhận định. Djibouti là nơi lý tưởng với Trung Quốc do có “vị trí chiến lược và Trung Quốc cũng từng dùng nước này làm căn cứ cho các chiến dịch chống cướp biển từ năm 2008”, ông Yu cho biết.

Ông Daniel de Blocq van Scheltinga cho biết Trung Quốc sẽ muốn tăng cường hiện diện thương mại tại quốc gia vùng Sừng châu Phi này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đón tiếp Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh cuối tháng 11 vừa qua, đồng thời cam kết các dự án giao thông, cung cấp nước sạch và một đường ống dẫn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Djibouti.

Trung và Đông Âu

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái), Thủ tướng Hungary Viktor Orban (giữa) và Thủ tướng Boyko Borisov tại diễn đàn kinh tế Trung Quốc - CEEC ngày 27/11 tại Budapest, Hungary. Nguồn: Attila Kisbenedek/AFP/Getty Images.

Các quốc gia Trung và Đông Âu (CEEC) đang “phản ứng hăng hái hơn” trước sáng kiến BRI so với những người láng giềng Tây Âu, ông de Blocq van Scheltinga cho biết.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Hungary tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã thuyết phục tất cả các nước CEEC tham gia vào BRI và hợp thành liên minh 16+1.

Theo Tân Hoa Xã, vốn đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia CEEC đã vượt 9 tỷ USD, trong khi khối này cũng “đáp lại” với 1,4 tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc.

“Tăng cường an ninh năng lượng là mục tiêu chính của BRI. Đảm bảo nguồn cung dầu và khí đốt từ khối CEEC sẽ giúp Bắc Kinh giảm phụ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu bằng đường biển qua các vị trí chiến lược như Eo biển Malacca”, ông Yu cho biết.

Thỏa thuận này làm dấy lên căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU). EU đang điều tra dự án đường sắt Budapest – Belgrade - dự án “lót đường” cho BRI tại khu vực này, do có khả năng vi phạm các ràng buộc tài chính.

Trường Giang
Theo KTTD, Vietnambiz

Từ khóa: