Sự kiện hot
12 tháng trước

Top 10 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022

Ngày 27/4/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững. Tại đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã công bố báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022.

Lộ diện top 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm cao
Ảnh minh họa

Theo đó, 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước năm 2022 lần lượt là: Thành phố  Hồ Chí Minh có kim ngạch 47.545.537.771 USD; Bắc Ninh 45.062.954.539 USD; Bình Dương 34.332.291.545 USD; Thái Nguyên 29.880.822.193 USD; Hải Phòng 24.956.949.890 USD; Đồng Nai 24.600.045.278 USD; Bắc Giang 22.628.594.217 USD; Hà Nội 17.131.320.127 USD; Phú Thọ 11.800.308.391 USD; Hải Dương 10.461.101.116 USD.

10 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất lần lượt là: Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên, Ninh Thuận, Cao Bằng, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang và Quảng Bình.

Tiếp nối những kết quả đạt được từ Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam các năm 2016-2021, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản báo cáo này.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn chú trọng cập nhật thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp có thể nắm bắt, xuất khẩu hiệu quả.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - Báo Công an Nhân  dân điện tử

Mặc dù năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh đặc thù của diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới và những ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu, sự đứt gãy nguồn cung cũng có những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với kết quả xuất nhập khẩu của năm 2022 cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 730 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD và có mức tăng trưởng hai con số so với năm 2021.

Đồng thời, Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng trưởng ở tất cả các nhóm mặt hàng trong năm 2022. Đặc biệt là năm 2022 cũng là năm thứ 7 liên tiếp có cán cân thương mại thặng dư với mức xuất siêu ở trên 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2022 đánh giá về mặt tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt tăng trưởng ở mức cao dù nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn; cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch tích cực và diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng; thị trường xuất khẩu đa dạng, duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới; nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.

Về những điểm hạn chế, Báo cáo phân tích, từ tháng 9/2022, xuất khẩu bắt đầu xu hướng giảm. Bình quân 4 tháng cuối năm 2022, xuất khẩu đạt 29,7 tỷ USD/tháng, giảm 9,7% so với mức bình quân tháng 3 đến tháng 8.

Xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, linh kiện điện tử có xu hướng chững lại. Nếu không tính điện thoại và mặt hàng máy vi tính, linh kiện điện tử, phụ kiện, xuất khẩu năm 2022 tăng 12,9% so với năm 2021, cao hơn mức tăng 10,6% của tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khối các doanh nghiệp FDI. Năm 2022, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 11,8% so với năm 2021 trong khi xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước chỉ tăng 6,8%.

Tiến Hoàng
Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: