“Có nhiểu kiểu lừa đảo, người "giả" dùng sỏ đỏ thật, người "thật" dùng sổ đỏ giả, người "giả" dùng sổ đỏ giả… để giao dịch”, ông Hoàng Mạng Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 7 ngao ngán nói.
Lật tẩy chiêu trò
Theo thông tin từ phòng Công chứng số 7, đơn vị đã phát hiện rất nhiều vụ việc giả mạo người, giả giấy tờ nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân, tổ chức, gây bất an cho các công chứng viên. Thậm chí, những vụ lừa đảo gây thiệt hại về tài sản của người dân đến giao dịch về nhà đất.
Được biết, phòng Công chứng số 7 đã gửi nhiều hồ sơ, sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) giả mạo đến cơ quan CSĐT Công an quận 6, đề nghị xử lý hình sự nghiêm khắc với người vi phạm, nhằm ngăn chặn và phòng ngừa tội phạm, lập lại kỷ cương và bảo vệ an toàn cho các giao dịch hợp pháp của người dân.
Tâm sự nghề nghiệp với PV báo Người Đưa Tin, Trưởng phòng Công chứng số 7, ông Hoàng Mạnh Thắng cho biết: “Chúng tôi rất sợ gặp trường hợp người "giả" dùng GCN QSDĐ thật để giao dịch vì rất khó phát hiện. Còn người thật dùng sổ đỏ giả, người "giả" dùng sổ đỏ giả thì nhiều lắm”.
Cùng chủ đề phòng chống loại tội phạm mới này, một điều tra viên Công an quận 7 chia sẻ, thủ đoạn làm giả GCN QSDĐ của bọn tội phạm rất tinh vi.
"Chúng sử dụng kỹ thuật in phun màu giống y chang như bản chính GCN QSDĐ do Nhà nước ban hành. Người dân phải hết sức cẩn trọng khi đưa GCN QSDĐ cho người lạ trong giao dịch chuyển nhượng đất.
Bởi vì, chỉ cần sơ hở một chút, kẻ gian sẽ đánh tráo sổ đỏ thật, rồi lừa bán cho người khác. Bằng mắt thường rất khó phát hiện GCN QSDĐ giả mạo, bởi kỹ thuật in phun đã đạt tới độ rất tinh vi. Đến công chứng viên, cơ quan Nhà nước còn bị, bảo sao người dân không dính đòn lừa đảo”, vị cán bộ điều tra tâm sự.
Hợp đồng ủy quyền “ma”
Phản ánh đến báo Người Đưa Tin, bà Lê Thị Hiệp (trú tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) trình bày: "Tháng 5/2016, tôi rao bán thửa đất số 565, tờ bản đồ số 57, tọa lạc tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Một người tên Thanh bằng lòng mua đất của tôi với giá 4,3 tỷ đồng. Thanh yêu cầu tôi phôtô toàn bộ GCN QSDĐ và giấy tờ cá nhân để hẹn ngày ra công chứng sang tên".
Chị Lê Thị Hiệp trình bày với PV.
Đến ngày 3/6/2016, Thanh hẹn bà Hiệp đem toàn bộ giấy tờ liên quan đến văn phòng Công chứng Bến Nghé (địa chỉ 136 Nguyễn Thái Bình, phường Bến Thành, quận 1) để tiến hành làm giấy tờ đặt cọc 300 triệu đồng. Tại đây, Thanh mượn toàn bộ giấy tờ gốc để đi phôtô, nhưng sau không mua nữa và trả lại giấy tờ cho bà Hiệp.
“Ngày 22/7/2016, tôi phát hiện có người giả mạo tôi bán đất cho người khác. Lúc này, tôi mới biết GCN QSDĐ của tôi đang giữ là giả. Và kẻ gian đã cầm GCN QSDĐ thật của tôi, giả mạo tôi để bán cho người khác”, bà Lê Thị Hiệp bức xúc nói.
Bà Hiệp đã làm đơn tố giác tội phạm lên Công an quận Tân Phú. Tại đây, bà được biết có kẻ giả mạo bà làm hợp đồng ủy quyền một người tên Khương được quyền mua bán mảnh đất của bà. Sau đó, Khương đã chuyển nhượng mảnh đất của Hiệp cho Lê Văn C. (chính là đối tượng bà T. tố cáo lên Công an quận 7). Đồng thời, công chứng viên phòng Công chứng số 7 tiến hành công chứng cho hồ sơ chuyển nhượng đất đai “ma” này.
Ông Hoàng Mạnh Thắng - Trưởng phòng Công chứng số 7 đã cung cấp cho PV bản hợp đồng ủy quyền giữa bà Lê Thị Hiệp với đối tượng Dương Tuấn Khương.
Theo đó, ngày 8/6/2016, công chứng viên Nguyễn Văn Rưng - văn phòng Công chứng Nguyễn Nguyệt Huệ (địa chỉ số 94 Hậu Giang, phường 6, quận 6, TP.HCM) có công chứng hợp đồng ủy quyền giữa bà Lê Thị Hiệp (trú tại 36 Ba Gia, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM) ủy quyền cho ông Dương Tuấn Khương (SN 1982, chứng minh thư nhân dân số 02565947, trú tại 85/38 Lò Siêu, phường 16, quận 11, TP.HCM).
Nội dung thể hiện, ông Khương được quyền thay mặt bà Hiệp trông nom, coi sóc, thế chấp, cho thuê, chuyển nhượng hoặc tặng cho… đối với thửa đất số 565, tờ bản đồ số 57, tọa lạc tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM (là tài sản của bà Hiệp).
Bà Hiệp khẳng định: “Tôi không quan biết Khương và chưa hề ký hay ủy quyền cho Khương được tự mua bán và thế chấp mảnh đất tại Phòng công chứng số 7. Bản thân tôi chưa từng đặt chân đến phòng Công chứng này. Vì thế, chữ ký mạo danh tôi trên hợp đồng ủy quyền là giả mạo, nhằm mục đích lừa đảo”.
Quá trình thu thập thông tin, PV báo Người Đưa Tin nhận thấy, thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM xảy ra nhiều vụ kẻ gian làm giả GCN QSDĐ, sau đó tìm cách đánh tráo sổ thật của khổ, rồi mang đi thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, cầm cố.
Vì có dấu hiệu tiếp tay của công chứng viên, nhân viên văn phòng đăng ký đất đai nên các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giả mạo được thực hiện khá suôn sẻ, đẩy thời gian thực hiện việc sang tên đổi chủ nhanh chóng một cách bất thường. Đến khi khổ chủ phát hiện ra, thì mảnh đất của mình đã được chuyển nhượng cho nhiều người, thậm chí đặt tại ngân hàng, rất khó khăn trong việc thu hồi sổ đỏ.
Thiên Long
Theo Người đưa tin