Sự kiện hot
7 năm trước

TP HCM "hóa kiếp" nghĩa trang thành khu đô thị

Hiện nay, quỹ đất lớn để TP.HCM phát triển các khu đô thị ngày càng hạn hẹp. Trong khi đó, nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm lọt giữa nhiều khu dân cư rộng vậy quanh, nên TP đã lên kế hoạch di dời toàn bộ nghĩa trang để phát triển khu đô thị.

Theo các chuyên gia bất động sản, chủ trương di dời nghĩa trang khỏi trung tâm khi tốc độ đô thị hoá ngày càng phát triển là hoàn toàn đúng đắn. Như vậy, vùng đất chết mà người chết đã nằm suốt mấy chục năm qua phải nhường lại cho người sống biến thành khu đô thị.


Toàn cảnh nghĩa trang Bình Hưng Hòa - quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh

Biến nghĩa trang thành khu đô thị

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân xác nhận là quận bắt đầu thực hiện việc "chuyển đổi công năng" của một phần nghĩa trang Bình Hưng Hoà thành khu đô thị. Theo quy hoạch phân khu 1/2000, khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa sẽ được chỉnh trang, quy hoạch với 7 khu dân cư của quận Bình Tân. UBND quận Bình Tân được giao chỉ định đơn vị chức năng thuộc quận làm chủ đầu tư để lập, báo cáo thẩm định và trình duyệt dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời thực hiện việc tổ chức kiểm kê, rà soát, đo vẽ hiện trạng sử dụng đất tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa để bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư được phê duyệt theo quy định.

Năm 2008, do lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND TPHCM đã có chủ trương kêu gọi đầu tư bỏ kinh phí ra bốc mộ, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Thành phố không tìm được đơn vị đầu tư nên đã phải tạm ứng kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Như vậy 18ha được di dời trước quận Bình Tân sẽ giao lại cho TP.HCM để đấu giá quyền sử dụng đất, kêu gọi đầu tư để xây dựng thành khu phức hợp cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ. Dự kiến nguồn thu ở 18ha này sẽ đạt gần 2.500 tỷ đồng, tương đương với việc bán đấu giá gần 15 triệu đồng/m2.

Đây sẽ là nguồn thu để hoàn trả vốn ngân sách cho TP.HCM đã bỏ ra trước đó cũng như có kinh phí để phục vụ việc di dời phần còn lại của dự án và đầu tư 26ha để xây dựng công viên cây xanh. Hiện giai đoạn 1 (12 ha) việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã bốc được gần 12.500 ngôi mộ, còn 6.400 ngôi mộ chưa thực hiện xong. Dự kiến, kể từ ngày 31/10/2017 sẽ bốc mộ vắng chủ.

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa nằm trên hai trục đường chính Tân Kỳ Tân Quý và Bình Long, thuộc quận Bình Tân và được xem là nghĩa trang lớn nhất TP.HCM với tổng diện tích gần 45 ha . Tuy nhiên, do vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ chưa có người thân đến nhận nên việc di dời, giải toả vẫn chưa hoàn tất.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, cơ quan chức năng sẽ tiến hành di dời hơn 16.479 ngôi mộ có diện tích 18 ha đất trong tổng 44ha của toàn khu nghĩa trang. Tính đến thời điểm này, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 1 còn khoảng 4.000 ngôi mộ chưa được bốc. Kể từ ngày 31/10/2017, cơ quan hữu trách sẽ bốc mộ vắng chủ theo quy định của pháp luật và tro cốt được lưu trữ tại chùa Di Lặc. Khi đó, thân nhân đến nhận thì chỉ được nhận hũ cốt chứ không được hưởng các chính sách bồi thường có liên quan.

Thông tin từ UBND quân Bình Tân cho biết nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau khi được đền bù giải tỏa trắng sẽ dành khoảng 46% tổng diện tích nghĩa trang để kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nhà ở và trung tâm thương mại, phần còn lại sẽ được dành cho phát triển công viên cây xanh.

Dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa có tổng diện tích khoảng 44ha, tuy nhiên trong đó chỉ có 18ha được quy hoạch thành khu đô thị thương mại (chiếm 46% tổng diện tích).

Đừng "hóa kiếp" đột ngột

Để "hóa kiếp" khu vực này chắc phải tốn thời gian khá dài từ 5-10, thậm chí là vài chục năm để người sống quên đi quá khứ lạnh lùng của một nghĩa trang. Một số chuyên gia hiến kế rằng sau khi di dời các phần mộ, cần phải đầu tư xây dựng khi cây xanh, cải tạo đất lành mới nên triển khai xây dựng khu đô thị.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, chủ trương này của TP.HCM là hợp tình hợp lý từ hàng chục năm qua nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình chỉnh trang đô thị. "Nếu nhìn lại lịch sử, nhiều khu đô thị lớn hiện nay trên địa bàn TP.HCM cũng đã từng được xây dựng trên một số khu nghĩa địa lớn. Chẳng hạn như hai khu nghĩa trang từ thời chiến tranh đã được "hóa kiếp" thành công viên xanh quy mô lớn hiện nay tại TP.HCM là công viên Lê Văn Tám (quận 1) và Lê Thị Riêng (quận 10). Thành phố biến nơi đây thành hoạt động vui chơi giải trí đã hàng chục năm, dần dần người dân cũng đã quên đi lịch sử của những khu đất này".

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, Thành phố cần làm tốt mảng xanh đô thị, trở thành lá phổi trước khi chuyền đổi. Nếu làm quá nhanh từ nghĩa địa thành khu đô thị thì sẽ ra tâm lý không tốt cho cả người dân và nhà đầu tư. Ngoài ra có thể gây nên sự hoang mang cho thân nhân người đã khuất.

Cũng theo ông Hiển, nếu thành phố đem đất nghĩa trang này ra đấu giá sẽ tạo tiền lệ không tốt, có khả năng một số nhà đầu tư địa ốc sẽ "ôm" đất rồi để đấy hoặc chuyển nhượng kiếm lời, tạo ra tình trạng nhếch nhác hoặc phát triển dự án mất cân bằng cho toàn khu.

Theo giới kinh doanh BĐS dù sao đây cũng là đất của người chết, nên không thể đột ngột chuyển đổi công năng thành khu dân cư hay khu đô thị. Bởi làm không khéo, người nào cả gan mua để ở cũng phải gánh chịu tâm lý rất nặng nề, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Toàn Thắng
Theo Công lý

Từ khóa: