Vi phạm xây dựng sáu tháng đầu năm tăng về số vụ và số quận, huyện cho thấy cấp phép xây dựng hiện còn nhiều bất cập.
“Giao UBND quận 7 nghiên cứu thí điểm không tổ chức cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ nữa, mà thay vào đó người dân sẽ đăng ký xây dựng dựa trên những chỉ tiêu quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hoặc thiết kế đô thị đã được công bố” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo tại buổi làm việc với 24 quận, huyện và các sở có liên quan vào ngày 5-8. Theo ông Tuyến, nếu nghiên cứu và thí điểm mới mẻ này của quận 7 thành công thì đây là một giải pháp chính nhằm giảm tình trạng vi phạm xây dựng như hiện nay.
Tăng quận, huyện vi phạm xây dựng
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay toàn TP có gần 2.000 trường hợp vi phạm xây dựng được lập biên bản, trong đó có 686 trường hợp xây dựng sai phép và 957 trường hợp không phép... Đáng chú ý, nếu như năm ngoái các địa phương dẫn đầu về vi phạm xây dựng như Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12 thì nay Bình Chánh giảm còn một nửa (từ 425 trường hợp của năm 2016 nay còn 197 trường hợp). Thay vào đó, Củ Chi, quận 9, huyện Cần Giờ hiện nổi lên như những “hiện tượng” mới. Cụ thể, Củ Chi năm ngoái chỉ 70 trường hợp nhưng sáu tháng đầu năm đã tăng lên 209 trường hợp (tăng gần 200%); quận 9 từ 12 tăng lên 63 trường hợp…
Theo lãnh đạo các địa phương này, ngoài các nguyên nhân như đất rộng, nhân sự mỏng, quy hoạch kéo dài không thực hiện thì cơn sốt đất vừa rồi cũng làm nảy sinh xây dựng không phép. Tại quận 9 có ba phường nóng về xây dựng không phép là Trường Thạnh, Long Trường, Long Phước; huyện Củ Chi là các xã Bình Mỹ, Trung An, Hòa Phú…
Đặc biệt, theo thống kê của Sở Xây dựng TP, sáu tháng đầu năm 2017, chỉ có ba địa phương gồm quận 4, 6, 11 là không có trường hợp vi phạm không phép. Còn lại 21 quận, huyện, kể cả các quận trung tâm như quận 1 cũng có 25 trường hợp, quận 2 có 41 trường hợp, quận 7 có 34 trường hợp, Bình Thạnh, Phú Nhuận… Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, đánh giá nếu nói những quận, huyện vùng ven xảy ra tình trạng xây dựng không phép cũng là dễ hiểu. Nhưng nếu tại các quận trung tâm cũng xảy ra tình trạng này thì các địa phương cần phân tích rõ nguyên nhân để tháo gỡ triệt để.
Tình hình vi phạm xây dựng sáu tháng đầu năm ở TP HCM. Ảnh: VIỆT HOA
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng chỉ ra các nguyên nhân còn lại dẫn đến tình trạng vi phạm xây dựng gồm: Quy hoạch bất hợp lý, thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay còn bất cập, các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi bất chấp hậu quả… Về ý tưởng đột phá của quận 7 trong việc thí điểm không tổ chức cấp phép xây dựng nếu nhà của người dân đáp ứng các chỉ tiêu quy định về thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, ông Tuyến ủng hộ ý tưởng này và cho rằng nhiều nước trên thế giới đã làm như thế từ lâu. Đồng thời đề nghị quận 7 nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo UBND TP xem xét trong thời gian tới.
Cán bộ sẵn sàng… nghỉ việc
Theo Sở Xây dựng TP, từ đầu năm đến nay tình trạng vi phạm xây dựng vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Để xảy ra tình trạng này, Sở Xây dựng cũng đã xử lý kỷ luật năm trường hợp (một buộc thôi việc, một cảnh cáo và ba khiển trách). Đồng thời thông báo phê bình, rút kinh nghiệm 28 cán bộ và đang xem xét xử lý kỷ luật 49 cán bộ.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Trọng Tuyến cũng nhấn mạnh hiện nay có tình trạng cán bộ tiếp tay cho các hành vi sai phạm. “Thậm chí có cả những trường hợp cán bộ sẵn sàng chấp nhận bị cho nghỉ việc để tiếp tay cho sai phạm. Do đó, cần phải có đánh giá, phân tích cụ thể để có giải pháp trong khâu tuyển chọn nhân sự. Hiện nay vẫn còn tình trạng “chạy” và còn tồn tại những dịch vụ làm hư cán bộ” - ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cho rằng nhiều địa phương nói địa bàn rộng, nhân sự mỏng nhưng chưa chắc việc bổ sung thêm nhân sự có thể giải quyết được vấn đề. “Do đó, hướng tới đây cần tính toán đến việc ứng dụng công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng. Nhân sự ít nhưng có chất lượng, đồng thời áp dụng tốt công nghệ thì hiệu quả sẽ tốt hơn” - ông Tuyến cho hay. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng khi xảy ra vi phạm cũng chỉ nói một cách chung chung là trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, nếu áp dụng công nghệ, xây dựng quy trình xử lý bài bản thì sẽ quy được trách nhiệm cá nhân, sai chỗ nào sẽ biết ngay và cũng sẽ chỉ ra được ai làm sai.
Xử lý ngay bốn trường hợp vi phạm vỉa hè
Liên quan đến công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh thời gian tới cũng phải tập trung làm mạnh. Tuy nhiên, với tinh thần thượng tôn pháp luật và phải làm sao để người dân “tâm phục khẩu phục”, ông Tuyến cho rằng phải cương quyết, nơi nào vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm nhưng cũng phải linh hoạt và đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, các trường hợp lấn chiếm vỉa hè sau đây thì phải cương quyết xử lý mà không cần phải lấy ý kiến người dân: Ảnh hưởng đến giao thông như chợ tự phát, buôn bán lấn chiếm vỉa hè…; những hình ảnh gây phản cảm và nhếch nhác như quán nhậu lấn chiếm vỉa hè; các trường hợp kinh doanh mất trật tự và không đảm bảo vệ sinh, kể cả những trường hợp đã được TP chấp thuận như khu chợ đêm ở quận 1 và quận 4; các bãi xe trên vỉa hè, trừ những trường hợp các trụ sở UBND có giữ xe cho dân đi làm thủ tục hành chính không thu phí, các trường học hoặc vào các dịp lễ, Tết.
Chấp hành xử phạt còn thấp
Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn, trong bảy tháng đầu năm, tỉ lệ chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng còn thấp. Đối với các công trình vi phạm có tính chất nghiêm trọng thì tỉ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ đầu tư càng thấp hơn. Đặc biệt là đối với các trường hợp vi phạm mang tính nghiêm trọng và phức tạp như tại dự án căn hộ thấp tầng Thảo Điền Sapphire ở quận 2, dù UBND TP đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư vẫn không tháo dỡ phần vi phạm. Đến cuối tháng 7, khi chủ tịch UBND TP phải ký quyết định cưỡng chế thì chủ đầu tư mới có đơn xin tự tháo dỡ.
Việt Hoa
Theo Pháp luật TP HCM