Sự kiện hot
3 năm trước

TP.HCM sớm tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở

HoREA đề xuất UBND TP.HCM tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, ban hành, sửa đổi một số quy định về tách thửa, quyền sử dụng đất... Đối với doanh nghiệp bất động sản cần tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội...

Tái khởi động lại dự án BT

Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, đặc biệt là sửa đổi, hoàn thiện một số văn bản Luật, theo đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đơn vị hoan nghênh Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã quyết định dừng dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) mới, kể từ ngày 1/1/2021, là hết sức cần thiết và cấp bách, không để tiếp tục xảy ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công, nhất là quỹ đất công, trụ sở làm việc. 

Tuy nhiên, theo HoREA, có điểm chưa hợp lý là Luật PPP đã bãi bỏ hình thức Hợp đồng BT đối với các dự án, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở tái định cư, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (mà trước đây, Hợp đồng BT đối với các loại dự án này đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014), các dự án xây dựng công trình hạ tầng, dịch vụ.

“Không thể vì có một số bất cập, “lỗ hổng”, sơ hở, mà phải bãi bỏ hẳn loại hình dự án BT, bởi nguyên nhân chủ yếu là chưa có đầy đủ các quy định pháp luật đồng bộ và hiệu quả để điều chỉnh loại hình dự án BT. Loại hình dự án BT rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ, vừa có lợi cho nhà nước, cho nhà đầu tư và cho lợi ích cộng đồng”, HoREA phân tích.

20190411_152934

Loại hình dự án BT được đánh giá là rất cần thiết để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội; các dự án nhà ở tái định cư; các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; các dự án cơ sở hạ tầng, dịch vụ nên việc tái khởi động lại các dự án BT là cần thiết. Ảnh minh họa.

Do vậy, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét, chỉ nên dừng loại hình dự án BT từ nay đến khoảng năm 2022, để trong thời gian này, thực hiện việc rà soát, xây dựng hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật để đủ điều kiện khởi động lại các dự án BT kể từ năm 2023, nhằm bịt kín các lỗ hổng, không để thất thoát tài sản công, thất thu ngân sách nhà nước, để huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng và thực hiện các dự án nhà ở xã hội; dự án nhà ở tái định cư; dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Bên cạnh đó, liên quan đến việc bãi bỏ các dự án PPP có giá trị dưới 200 tỷ đồng, HoREA cho rằng, trên địa bàn cấp huyện, cấp xã (nhất là vùng sâu, vùng xa) có nhiều dự án cơ sở hạ tầng có giá trị dưới 200 tỷ đồng cần huy động nguồn vốn xã hội hóa theo Hợp đồng PPP. Qua đó, HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để có phương thức đầu tư PPP đối với các trường hợp dự án PPP có giá trị dưới 200 tỷ đồng tại các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Kế sách cho chính quyền và doanh nghiệp bất động sản 

Để giúp thị trường bất động sản phát triển trong thời gian tới, HoREA đã đưa ra một số giải pháp cũng như đề nghị đối với các cơ quan chức năng và lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, đối với UBND TP.HCM, HoREA đề xuất tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, theo đó, xem xét, sớm ban hành “Quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại”, gồm 4 bước:  Bước 1, lập thủ tục “Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư” theo quy định của Luật Đầu tư 2020 (không còn vướng đối với dự án đầu tư có quỹ đất hỗn hợp, hoặc có các thửa đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án).

Bước 2, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng phương án kiến trúc công trình, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị ( vì không còn vướng chữ “chủ đầu tư” với “nhà đầu tư”).

Bước 3, thực hiện song song và nối tiếp liên tục các thủ tục hành chính gồm: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư; Thẩm định thiết kế cơ sở, cấp Giấy phép xây dựng và được khởi công xây dựng công trình; Đồng thời, lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính và chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất.

Cuối cùng, lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư; cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại.

IMG_5660

Hiện nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM đang phải 'đắp chiếu" do vướng thủ tục pháp lý. 

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị UBND TP.HCM xem xét ban hành quy định chi tiết thi hành 6 nội dung thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, được quy định tại nghị định 148/2020/NĐ-CP, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, sửa đổi quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất, phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp bất động sản, HoREA đề nghị xem xét tăng tỷ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.

Với đề nghị này HoREA cho rằng, mặc dù lợi nhuận thấp, nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro, góp phần cùng nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư.

Cũng theo HoREA, các doanh nghiệp bất động sản nên xem xét đầu tư vào các đề án, chương trình mục tiêu của thành phố như: Đề án phát triển TP. Thủ Đức; Khu đô thị mới Thủ Thiêm; các dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ; dự án chỉnh trang di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên; các dự án mời gọi đầu tư của thành phố, quận, huyện…

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng uy tín thương hiệu doanh nghiệp, xác lập tinh thần doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp và doanh nhân làm giàu hợp pháp, chính đáng với khát vọng cống hiến nhiều nhất cho đất nước, luôn thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật.

Đồng thời, cùng nhau phối hợp chặt chẽ để kiểm soát giá nhà, không để tình trạng giá nhà tăng nóng, tăng ảo xảy ra trong năm 2021, trên cơ sở xác định lợi nhuận kỳ vọng ở mức hợp lý, để chia sẻ hiệu quả đầu tư với khách hàng và cộng đồng xã hội. Luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với khách hàng và nhà đầu tư khi huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, hoặc huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, hoặc cam kết trả lợi nhuận trong kinh doanh (condotel)...

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị các doanh nghiệp bất động sản nên quan tâm chuyển đổi sang nền kinh tế số. Cũng như đảm bảo “3 an toàn” trong xây dựng bộ máy, nguồn nhân lực và trong quá trình đầu tư xây dựng kinh doanh là an toàn về pháp lý; an toàn về tài chính và tín dụng; an toàn về nội bộ, trước hết là xây dựng và chăm sóc nguồn nhân lực có chất lượng cao cả về vật chất và tinh thần, để đạt được năng suất - hiệu suất cao.

Lý Tuấn
Theo Nhà đầu tư 

Từ khóa: