Tại cuộc họp góp ý đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM mới đây, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo trong 7 ngày, sau cuộc họp, các sở, ngành liên quan và các địa phương phải góp ý xong để Sở Xây dựng hoàn thiện lại đề án này.
Cho đến nay, thị trường BĐS TP HCM đã phát triển tốt. Tuy nhiên, tình trạng lệch pha phân khúc vẫn diễn ra. Ảnh: Mạnh Cường.
Đề án phát triển thị trường BĐS TP HCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng, dự báo phát triển thị trường BĐS thành phố (gồm đất đai, nhà ở, mặt bằng văn phóng, khách sạn và mặt bằng bán lẻ).
Trong đó, tập trung đánh giá thực trạng của thị trường từ năm 2006 đến nay, đặc biệt, phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường. Sau đó, đánh giá, nhận định các chính sách, quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động của thị trường.
Ngoài ra còn đánh giá các yếu tố tiềm năng và dự báo xu hướng phát triển của thị trường BĐS trong mối liên quan đến phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quy hoạch vùng TP HCM.
Trong đề án này có phần rất quan trọng là thu thập dữ liệu và tổ chức điều tra khảo sát xã hội học về nhu cầu nhà ở của người dân cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường.
Đơn vị thực hiện đề án cho rằng cần xem xét thí điểm tạo hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính BĐS mới phát triển (Quỹ tín thác BĐS REITS, Quỹ tiết kiệm nhà ở…), nhằm tránh lệ thuộc vào nguồn tín dụng từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, cân nhắc ảnh hưởng trung và dài hạn có thể sảy ra khi đưa các gói hỗ trợ BĐS quy mô lớn ra thị trường.
“Công bằng trong phân phối tín dụng BĐS cho cả phía chủ đầu tư và người mua, nghiên cứu thiết lập nguồn vốn ưu đãi mang tính dài hạn cho các doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp cận nhà ở xã hội. Hạ lãi suất vay mua nhà, sửa nhà và ổ định nó trong thời gian dài, thậm chí trọng toàn thời gian hiệu lực của gói tín dụng”, đề án nêu rõ.
Ngoài ra, trong đề án còn xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm, 10 năm và tổ chức phát triển nhà ở hàng năm, 05 năm theo hướng tăng lượng và tỷ lệ đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê và nhà ở có mức giá phù hợp với người có thu nhập thấp.
Đẩy mạnh các chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên và khuyến khích loại hình nhà ở cho thuê; ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án có quy mô từ 500ha trở lên trong các khu đô thị mới.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng đề án phát triển thị trường BĐS là để thành phố phát triển một cách lành mạnh thị trường này. “Để phát huy vai trò Nhà nước thì Sở Xây dựng cần nói rõ Chính phủ cần làm gì, địa phương cần làm gì. Phải gắn quy hoạch với sự phát triển BĐS, bên cạnh đó phải giải quyết ngay bài toán hạ tầng nếu không sẽ chết”, ông Khoa yêu cầu các đơn vị lập đề án chú ý.
Trong đề án cũng nói rõ, về quy hoạch đô thị trong thời gian tới ,hệ thống giao thông sẽ là động lực lớn thúc đẩy liên kết vùng, cùng với việc phủ kín quy hoạch 1/2000 với các tuyến vành đai 3 và 4 đã được phê duyệt. Công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị cũng sẽ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Để đề án được hoàn chỉnh, ông Khoa yêu cầu các sở, ngành liên quan, các chuyên gia, cũng như Hiệp hội BĐS TP HCM giúp thành phố lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện theo hướng liên quan đến ngành nào, sở nào thì các đơn vị đó đóng góp cho ngành mình và mở rộng sang các ngành khác. “Ngân hàng thì cho ý kiến sâu về kế hoạch tài chính, lãi suất… Ngành Tài nguyên & Môi trường thì công khai các thủ tục cho nhà đầu tư cũng như người mua nhà”, ông Khoa lấy ví dụ.
theo Xây dựng