Mục tiêu TP Thủ Đức trong tương lai nhằm hình thành hệ sinh thái sáng tạo, đô thị thông minh đòi hỏi hình thái tương thích thành phố trong thành phố, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ. TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% – 35% GRDP của TP HCM.
Chiều ngày 26/12, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn cán bộ TP đã có buổi làm việc với Quận uỷ quận Thủ Đức để thảo luận về công tác chuẩn bị liên quan đến việc thành lập TP Thủ Đức.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh mục tiêu TP Thủ Đức trong tương lai hình thành được hệ sinh thái sáng tạo, đô thị thông minh đòi hỏi phải có hình thái tương thích với mô hình thành phố trong thành phố.
Hiện nay, TP HCM cũng đang kiến nghị Bộ Nội vụ, TP Thủ Đức có phòng chức năng mới là Phòng Khoa học – Công nghệ đáp ứng TP Thủ Đức sáng tạo, khoa học công nghệ, thông minh.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của TP Thủ Đức sẽ được sắp xếp dựa trên cơ sở sát nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn của Quận 2, Quận 9, Thủ Đức.
Theo Chủ tịch TP HCM, thành phố sẽ cố gắng đảm bảo hoàn thiện số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới vào năm 2022.
Đáng chú ý, theo ông Phong, người dân sẽ không phải chi trả lệ phí khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi giấy tờ sau khi TP Thủ Đức được thành lập.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP HCM nhấn mạnh: "Quan điểm của chúng ta là đừng để người dân bị ảnh hưởng, xáo trộn trong giai đoạn đầu khi ba quận sáp nhập thành TP Thủ Đức."
"Mỗi cán bộ, mỗi ngành, mỗi cấp ngoài việc tiếp xúc, thuyết phục cần chia sẻ với người dân, doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể, cần giải quyết sớm những vấn đề có thể giải quyết được", ông Nên yêu cầu.
Trong cuộc họp, lãnh đạo thành phố cũng đồng ý với quan điểm các vấn đề còn tồn đọng kéo dài ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn cần tập trung chỉ đạo giải quyết sau khi thành lập TP Thủ Đức.
Đơn cử như việc triển khai thực hiện quy hoạch Ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh, hoàn tất dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia TP HCM tại phường Linh Trung, Linh Xuân và quy hoạch khu Công viên văn hóa thể dục thể thao - Công viên cây xanh - Hồ điều tiết tại phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh.
Ngoài ra các dự án kết nối giao thông đồng bộ tại quận như Dự án Vành đai 2 đoạn từ Ngã tư Gò Dưa đến nút giao đường Phạm Văn Đồng và từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Bình Thái, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ cầu Bình Phước đến nút giao Trạm 2,… cũng được nhấn mạnh cần sớm giải quyết sau khi TP Thủ Đức chính thức được thành lập.
Các dự án này đang tác động đến nhiều hộ gia đình trên địa bàn TP Thủ Đức trong tương lai. Lãnh đạo TP HCM nhận định, việc hiện thực hóa quy hoạch giúp cải thiện cuộc sống người dân và thay đổi diện mạo khu vực này.
Dự kiến, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% – 35% GRDP của TP HCM tương đương đóng góp 7% GDP quốc gia. Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP Thủ Đức sẽ chính thức vận hành vào 1/3/2021.
Thiên Trường
Theo Đời sống & Pháp lý