Sự kiện hot
6 năm trước

Tràn lan công trình xây dựng sai phạm tại Khánh Hòa

Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, thời gian qua, nhiều công trình và nhà ở riêng lẻ xây dựng không giấy phép, sai giấy phép, sai quy hoạch.

Tràn lan công trình sai phạm

Dự án du lịch nghỉ dưỡng Bavico gây nhiều tai tiếng về hàng loạt sai  mà các đơn vị chức năng Khánh Hòa đang trực tiếp giải quyết. Ảnh: Việt Hương
Dự án du lịch nghỉ dưỡng Bavico gây nhiều tai tiếng về hàng loạt sai mà các đơn vị chức năng Khánh Hòa đang trực tiếp giải quyết. Ảnh: Việt Hương

Trong đó, TP. Nha Trang đứng đầu với 409 công trình vi phạm, nhiều dự án có quy mô lớn như: Dự án Công viên bến du thuyền quốc tế Ana Marina (phường Vĩnh Hòa) với diện tích 89,3 ha bị Sở Xây dựng 2 lần xử phạt vì xây dựng trái phép; Dự án Chung cư Napoleon Castle 1 (đường Nguyễn Đình Chiểu) có tổng diện tích gần 3.000 m², quy mô 40 tầng (800 căn hộ), nhưng thi công không đúng với giấy phép xây dựng, chủ đầu tư bị Sở Xây dựng xử phạt 40 triệu đồng, đơn vị thi công bị phạt 65 triệu đồng; Khách sạn Volga Nha Trang (Bãi Dương, phường Vĩnh Hải) bị xử phạt 105 triệu đồng vì thi công sai giấy phép xây dựng.

Có những dự án trở nên tai tiếng vì bị phạt như Dự án Khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus (6 khối cao ốc cao 40 tầng - đường Phạm Văn Đồng) của Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh bị xử phạt 115 triệu đồng do đưa 2 khối OC1A và CO1B vào sử dụng khi chưa có kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực trạng vi phạm không chỉ diễn ra đối với những công trình có quy mô lớn, mà ngay cả các công trình nhà ở riêng lẻ cũng liên tục vi phạm đã khiến UBND tỉnh Khánh Hòa phải yêu cầu Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi (Sở xây dựng - PV) thừa nhận một điều, việc sai phạm về xây dựng tại Khánh Hòa là có, nhưng mức độ sai phạm không đến mức trầm trọng như một số ý kiến phản ánh vừa qua. Chúng tôi tiếp thu ý kiến, thành lập nhiều đoàn thanh kiểm tra và chiếu theo quy định để xử phạt, răn đe”.

Thế rồi, trong 10 tháng qua, tỉnh này đã cấp phép cho trên 3.000 công trình, riêng TP. Nha Trang đã có tới trên 2.000 công trình xây dựng. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng Khánh Hòa phát hiện 270 công trình xây dựng sai quy định, trong đó TP. Nha Trang có trên 140 công trình. Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 125 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng. 

“Nhìn con số xử phạt vi phạm, lập lại trật tự như trên,  không thể nói là đơn vị chuyên môn đã không làm hết vai trò được giao. Vậy nên, hãy nhìn vào thực tế về số công trình cấp phép, công trình đã và đang xây dựng để đối chiếu với số lượng nhân viên chuyên môn thì sẽ phát hiện ra 3 nguyên nhân chính: mật độ xây dựng lớn trên phạm vi toàn tỉnh; hạn chế về số lượng nhân viên chuyên trách về vấn đề này và quan trọng hơn, rất nhiều chủ đầu tư đã trở nên nhờn luật”, ông Lê Văn Dẽ phân tích.

Nhiều ý kiến cho rằng, mật độ thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại địa bàn Khánh Hòa, trong đó tập trung vào TP. Nha Trang trong 10 năm qua là quá tải, phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các đơn vị chức năng,  nguyên nhân dẫn đến sai phạm của hàng loạt công trình xây dựng không xuất phát từ vỡ quy hoạch chung. Vậy thực chất là gì?  

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Khánh Hòa, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), đến năm 2025. Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang có tổng diện tích trên 26.547 ha, bao gồm: TP. Nha Trang hiện nay với tổng diện tích tự nhiên 25.260 ha và khoảng 1.287 ha (Tây Nha Trang) thuộc 2 xã Diên An và Diên Toàn của huyện Diên Khánh được phép xây dựng theo quy hoạch với chiều cao 40 tầng, mật độ xây dựng 40%. “Những sai phạm tại các dự án du lịch như xây dựng vượt chiều cao cho phép, chưa chấp hành quy định về an toàn, thậm chí là xây không phép… đó không thể là vỡ quy hoạch”, ông Dẽ phân tích.

Trước những diễn biến trên, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Sơn Hải cho biết: “Quan điểm của địa phương là thấy sai sẽ khắc phục, không vì làm du lịch mà phát triển lộn xộn, buông lỏng trật tự xây dựng”.

Mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, công tác thanh tra đang tồn tại nhiều bất cập khiến các vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, xử lý chưa triệt để, hiệu quả qua kết luận thanh tra chưa cao. Nguyên nhân là do nhân lực thanh tra còn thiếu; quy định pháp luật về thanh tra còn bất cập; thiếu quy định về biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã liên tiếp ban hành những “văn bản khẩn” về tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm trật tự xây dựng. “Chúng tôi đã xử lý gần như triệt để vi phạm (vượt tầng phải cắt bỏ, sai nghiêm trọng bị thu hồi, lấn biển phải trả lại nguyên trạng…). Tuy nhiên, chế tài xử lý như hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ “nồng độ” để các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể dừng lại”, ông Lê Văn Dẽ nhấn mạnh.

Để giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị với Bộ Xây dựng bổ sung quy định về việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với công trình vi phạm. Đồng thời bổ sung quy định về chế tài đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công có công trình gây sụp đổ, nguy cơ sụp đổ với công trình lân cận…

Theo baodautu.vn

Từ khóa: