Sự kiện hot
13 năm trước

Trang trại lợn lỗ nặng vì nghi án chất siêu tạo nạc

Giảm 8.000 - 10.000 đồng mỗi cân so với hồi Tết và khoảng 6.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn hơi đang tụt dốc bởi nghi án nhiễm chất siêu tạo nạc. Không ít người chăn nuôi lo lỗ vốn, bỏ đàn.

Giảm 8.000 - 10.000 đồng mỗi cân so với hồi Tết và khoảng 6.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn hơi đang tụt dốc bởi nghi án nhiễm chất siêu tạo nạc. Không ít người chăn nuôi lo lỗ vốn, bỏ đàn.

Sở hữu trang trại lớn ở thủ phủ cung cứng thịt lợn cho Hà Nội, chị Nguyễn Thị Huyền (Văn Giang, Hưng Yên) chăn nuôi tới 120 con lợn nái và gần 2.000 con lợn nuôi thành phẩm. Trung bình mỗi tháng chị xuất đàn khoảng 150 con. Nhưng lứa bán gần đây, chị thâm hụt nặng về cả số lượng và mức giá.

Cách đây một tuần, lái buôn chỉ đến lấy 100 con lợn với lý do "dạo nè ế, bán chậm lắm", chị kể. Giá mỗi cân hơi cũng giảm 8.000 đồng, xuống mức 52.000 đồng. Tính ra trên mỗi con lợn nặng một đến 1,1 tạ, doanh thu của chị giảm gần 800.000 đồng. Nhân với 100 con xuất chuồng, trang trại của chị bị thâm hụt khoảng 80 triệu đồng.

Nghi án nhiễm chất siêu nạc khiến sức tiêu thụ thịt lợn giảm hẳn. Ảnh: Xuân Ngọc

"Khó nhất là lợn đến lứa mà không xuất được, giữ lại nuôi tốn cám, tốn bã mà cũng không lên cân. Giá giảm nhưng thức ăn chăn nuôi vẫn đắt, chi phí chuồng trại và lương công nhân vẫn phải trả, không biết sắp tới xoay sở ra sao", chị Huyền lo lắng.

Tương tự, cô Phạm Thị Hoa, chủ chăn nuôi ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cũng đang đau đầu giải bài toán đầu ra. Cô cho biết, 200 con lợn đến thời điểm xuất chuồng song cô liên hệ với lái buôn, họ đều lắc đầu kêu ế, chỉ lấy với số lượng hạn chế, không gom được nhiều như trước.

Cái khó của những người đã chót vay tiền ngân hàng, đầu tư, chăn nuôi quy mô lớn như cô Hoa là khi hàng không tiêu thụ được, cô vẫn phải xoay nguồn tiền khác để trả lãi và duy trì sản xuất. "Chuồng trại đã đầu tư hàng trăm triệu đồng rồi, giờ bỏ không được, mà nuôi thì người mua ít, khó lắm vì mình không phải nuôi thời vụ lúc đắt lúc rẻ như hộ nhỏ lẻ", cô nói.

Hiện, giá thịt lợn hơi tại nhiều tỉnh thành đã khoảng 8.000 - 10.000 đồng so với hồi Tết. Cụ thể, tính theo mỗi kg, giá tại Hà Nội là 52.000 đồng, giá tại TP HCM là 46.500 đồng, còn mức bán ở An Giang, Đắc Lắc, Bến Tre... là 46.000-48.000 đồng. Con số này giảm khoảng 6.000 đồng so với cùng kỳ năm 2011.

"Thông thường cứ ra Tết là giá giảm đôi chút nhưng không xuống mạnh như năm nay. Tôi thấy lái buôn kêu người ăn sợ độc từ chất tạo nạc, mua ít nên ế. Họ ép giá xuống, mình không bán, giữ lại cũng chết", cô Hoa cho hay.

Đến lứa xuất chuồng, hàng trăm con lợn không tiêu thụ được, người chăn nuôi lo lắng. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trao đổi với VnExpress.net, phụ trách phòng Nông nghiệp của huyện Khoái Châu, Hưng Yên cho hay, tin thịt lợn nhiễm chất siêu tạo nạc đã ảnh hưởng lớn đến các hộ nông dân. Thậm chí, điều này còn có nguy cơ phá vỡ phong trào chăn nuôi, điều mà địa phương khó khăn mới xây dựng lại được trong thời gian qua.

"Giá lợn hơi xuống quá thấp, không đủ tiền chuồng trại, cám bã, người nông dân dễ bỏ đàn lắm. Nông dân vốn đã khổ, đối mặt với đủ chuyện dịch bệnh, nay cú sốc này khiến nhiều người cụt vốn", bà cho hay.

Theo lãnh đạo huyện Khoái Châu, khác với những lần dịch bệnh, hiện nay, chính các hộ chăn nuôi theo quy mô lớn lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi sau khi đã đầu tư vốn lớn, nay không xuất đàn được thì họ thiếu nợ ngân hàng và không thể tái sản xuất. "Bình thường, nhờ phòng bệnh tốt, chăn nuôi khoa học nên các trang trại ít dính bệnh. Nhưng nay, người ăn vì tin đồn mà bỏ thịt lợn, người nuôi càng nhiều thì càng gặp khó hơn cả", bà giải thích.

Vị phụ trách phòng nông nghiệp cho hay, huyện không có kinh phí để hỗ trợ nông dân vượt khó. Bà chỉ mong muốn cơ quan chức năng sớm kiểm tra, công bố những địa phương, cơ sở chăn nuôi có sử dụng chất tạo nạc để người nuôi chân chính không bị ảnh hưởng. Bởi điều khiến bà lo nhất là việc nuôi lợn sẽ lặp lại như dịch bệnh gia cầm, gia súc vài năm trước. Lỗ vốn, nông dân bỏ đàn, đến nay, vẫn rất ít người tái sản xuất.

Đồng quan điểm như vậy, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng không thể "vơ đũa cả nắm" làm ảnh hưởng đến các hộ dân chăn nuôi nghiêm túc. Theo ông, hiện nay ranh giới giữa người làm đúng và làm sai quá mong manh. Người sản xuất tốt thì bị ảnh hưởng tiêu cực khiến khó bán, lỗ vốn. Người sử dụng chất độc lại chỉ bị nhắc nhở, thiêu hủy.

"Phát hiện ra hộ nào sử dụng chất độc cần xử lý nghiêm. Điều này cần được bổ sung ngay vào Luật Hình sự. Còn những nơi không phát hiện ra chất tạo nạc thì cần công bố rõ để nông dân yên tâm sản xuất", ông Phú nói.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, kết quả kiểm tra tại một địa phương phát hiện chất siêu tạo nạc trong thịt lợn không có nghĩa là tất cả sản phẩm đó trên thị trường đều nhiễm chất cấm. Ông Sơn cũng khuyến cáo, nếu tình hình tiêu thụ, sản xuất mặt hàng này không được cải thiện, giá lợn liên tục giảm, người chăn nuôi thua lỗ, không tiếp tục tái đàn... thì sẽ xảy ra nguy cơ lại thiếu hụt nguồn cung như thời điểm tháng 7/2011. Theo đó, cơ quan quản lý cần sớm kiểm tra, công bố thông tin để người tiêu dùng yên tâm.

Thịt lợn có chứa chất siêu tạo nạc được phát hiện đầu tiên tại Đồng Nai. Đến nay, qua kiểm tra bước đầu, cơ quan chức năng chưa phát hiện vi phạm sử dụng hóa chất độc hại nhóm Beta-Oganist tại khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam... Beta-Oganist là chất tăng trọng, tạo nạc được xếp vào loại cấm sử dụng trong chăn nuôi.

Hiện, Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang lấy mẫu xét nghiệm rộng ở khắp các tỉnh thành. Dự kiến, cuối tháng 3/2012 sẽ có kết quả công bố chính xác tỷ lệ nhiễm chất cấm trên đàn lợn cả nước. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ phối hợp, xử lý đến cùng các cơ sở chăn nuôi, buôn bán chất cấm này.

Xuân Ngọc
Theo VnExpress

Từ khóa: