Bí ẩn về nguồn gốc loài người càng trở nên phức tạp hơn sau khi chi người thứ 3 lộ diện ở Đông Phi, với đại diện là các hóa thạch có niên đại dưới 2 triệu năm tuổi.
Bí ẩn về nguồn gốc loài người càng trở nên phức tạp hơn sau khi chi người thứ 3 lộ diện ở Đông Phi, với đại diện là các hóa thạch có niên đại dưới 2 triệu năm tuổi.
Quá trình tiến hóa của loài người rất phức tạp - Ảnh: Wikipedia
Phát hiện mới cho thấy có một chi người nữa bên cạnh Homo erectus (người đứng thẳng) và Homo habilis (người khéo léo) tại miền đông châu Phi cách đây khoảng 2 triệu năm trước. Hóa thạch được tìm thấy tại phía đông hồ Turkana, nằm giữa Ethiopia với Kenya, bao gồm xương mặt, hàm dưới gần như hoàn chỉnh và 2 xương gò má với răng. Chúng là minh chứng mới nhất làm sống dậy giả thuyết về chi người mới đã được giới thiệu cách đây 40 năm. Theo đó, ít nhất có 3 chi người cổ đại từng tồn tại đồng thời tại châu lục đen, phục vụ cho quá trình mà các chuyên gia gọi là “thí nghiệm tiến hóa” của tự nhiên.
Báo cáo trên chuyên san Nature cho thấy trong khi các hóa thạch mới với xương gò má khác hẳn người hiện đại, chúng lại tương đồng với một khung xương sọ bí ẩn được tìm thấy cách đây 4 thập niên. Và từ đó đến nay các chuyên gia vẫn tiếp tục đánh vật để tìm chỗ đứng cho nó trong cây phả hệ của các chi người. Vào năm 1972, các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch gọi là KNM-ER 1470 (tên tắt 1470), dẫn đến cuộc tranh cãi lâu nay về số lượng chi người Homo từng xuất hiện trên bề mặt trái đất vào thời Kỷ Canh tân. Một vài người cho rằng kích thước não lớn của 1470 và bộ mặt dài, dẹp có thể xuất phát từ sự khác biệt về giới tính và chọn lọc tự nhiên trong một chi duy nhất, trong khi những người còn lại nghĩ rằng đây là đại diện của chi người mới.
Cuộc trường chinh đi tìm câu trả lời trên kéo dài đến ngày nay, do hóa thạch cách đây 40 năm thiếu mất phần răng và hàm dưới, trong khi các hóa thạch khác chẳng có điểm tương đồng với bộ mặt dài, bẹt của 1470. Và nỗ lực của họ cuối cùng đã được đền đáp. Bà Meave Leakey, đồng trưởng nhóm dự án Nghiên cứu Koobi Fora (KFRP) cho hay 3 hóa thạch mới, được phát hiện từ năm 2007 đến 2009, đã cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn về hóa thạch bí ẩn. Chúng được tìm thấy trong vòng bán kính 11 km kể từ điểm đào được 1470, tất cả đều từ 1,78 đến 1,95 triệu năm tuổi. Kết quả là đã có ít nhất 2 chi người Homo sống cùng thời với Homo erectus, theo Fred Spoor, trưởng nhóm phân tích. Ông khẳng định phát hiện mới sẽ hỗ trợ hoàn hảo cho công cuộc nghiên cứu về quá trình tiến hóa của loài người, chẳng hạn như nhánh người hiện đại bắt đầu tiến hóa như thế nào, và đánh bại các chi người khác cách đây gần 2 triệu năm ra sao?
Hạo Nhiên
Theo Thanhnien