Việc YouTube khuyến nghị người đăng bình luận phải dùng danh tính thật đang gây ra những phản ứng trái chiều.
Việc YouTube khuyến nghị người đăng bình luận phải dùng danh tính thật đang gây ra những phản ứng trái chiều.
Mới đây, trang blog chính thức của YouTube đăng thông báo rằng trang chia sẻ video clip này bắt đầu “cho phép người dùng thay đổi cách xuất hiện trên YouTube”. Theo đó, người dùng sẽ hiện thông tin về tài khoản của họ trên mạng xã hội Google+ mỗi khi đăng bình luận trên bất cứ đoạn video nào. Dễ hiểu hơn, nếu lâu nay bạn có thể đặt một tên riêng khi dùng YouTube thì nay bạn sẽ sử dụng cùng tên với tài khoản Google+ của bạn. Trong khi đó, Google+ là mạng xã hội mà người sử dụng kết nối với bạn bè và người thân dựa trên tài khoản Gmail nên chứa rất nhiều thông tin thật của chủ nhân tài khoản. Vốn dĩ, cả Google+ lẫn YouTube đều là những dịch vụ do “người khổng lồ” Google cung cấp. Vì thế, thông qua Google+, thông tin người dùng YouTube, thậm chí là danh tính thật ngoài đời, sẽ được thể hiện chính xác hơn. Điều này đồng nghĩa với việc YouTube đang hướng đến công khai thông tin thực của những người đăng bình luận. Chẳng bao lâu sau khi YouTube công bố, khuyến nghị của trang chia sẻ video clip này nhanh chóng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi và không kém phần quyết liệt. Ví dụ như diễn đàn Reddit có gần 1.500 bình luận về chủ đề này.
Việc YouTube khuyến nghị cung cấp danh tính thật khi bình luận đang trở thành
chủ đề gây tranh cãi - Ảnh: Chụp từ màn hình máy tính
Đối với nhiều người, việc công khai như thế là hợp lý nhằm ngăn ngừa tình trạng bình luận bừa bãi, thiếu văn hóa khi sử dụng danh tính ảo. Đó là vì người dùng YouTube sẽ cân nhắc đối với những nội dung bình luận khi phải công khai danh tính thực. Theo trang The Huffington Post, rất nhiều lời bình luận trên YouTube có nội dung mang tính phỉ báng, phân biệt chủng tộc. Vì thế, việc công khai danh tính thật là nỗ lực hạn chế tình trạng trên.
Ngược lại, nhiều ý kiến khác cho rằng việc hướng đến công khai danh tính thật khi đăng bình luận sẽ hạn chế quyền tự do ngôn luận. Theo đó, nhiều người cần thiết phải ẩn danh tính để đảm bảo an toàn cá nhân trong một số chủ đề nhạy cảm. Đồng thời, luồng ý kiến phản đối còn cho rằng việc hiển thị danh tính thực sẽ đe dọa quyền riêng tư. Thông tin về hoạt động của người dùng Google+ có thể bị phơi bày. Ví dụ như họ đăng bình luận về một video clip nào thì bạn bè, người thân, đồng nghiệp kết nối qua Google+ đều có thể biết. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng khuyến nghị trên của YouTube chẳng giải quyết được điều gì vì một số người dùng có thể tạo thêm một tài khoản Google+ chỉ để đăng bình luận.
Dường như trước khi thực hiện khuyến nghị danh tính thật, YouTube hay Google đã dự tính sẽ vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Vì thế, đại gia internet này chỉ mới dừng lại ở mức thăm dò và tạo ra “cửa hậu” cho người dùng. Đó là những người sử dụng YouTube có thể vẫn bình luận mà không cần đồng nhất với thông tin trên tài khoản Google+. Tuy nhiên, để thực hiện chọn lựa này, người dùng phải chọn 1 trong 6 nguyên nhân để giải thích.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Google muốn hướng đến việc người dùng cần cung cấp thông tin thực. Hồi năm ngoái, nhà cung cấp dịch vụ internet này từng đưa ra yêu cầu tương tự đối với người sử dụng Google+. Tuy nhiên, đến tháng 1.2012 nỗ lực trên đã bị thất bại. Những diễn biến vừa nêu, một lần nữa, cho thấy rằng không dễ dàng chút nào cho các công ty internet trong việc cân bằng giữa tự do thông tin cá nhân với đảm bảo môi trường không gian ảo lành mạnh. Cộng đồng mạng quả thực rất khó tính, việc kiểm soát để đảm bảo môi trường lành mạnh thường bị xem là xâm phạm quyền riêng tư, hạn chế tự do internet.
Bình luận
Dùng danh tính thật là cần thiết để tống khứ những lời lẽ phân biệt chủng tộc. (Gunwild/Reddit)
Nếu bạn muốn đưa ra những lời lẽ thô lỗ thì hãy đăng trên trang cá nhân của mình, đừng làm lãng phí không gian lưu trữ của người khác. (Mark Hacker/The Huffington Post)
Cách này chẳng giải quyết được gì. Người ta có thể đăng ký thêm tài khoản Google. (FV/The Huffington Post)
Điều này có thể chấm dứt quyền tự do ngôn luận. Tôi chẳng muốn mình mất việc chỉ vì sếp của mình không ưa một số bình luận do tôi đưa ra trên YouTube. (Willow S./CNN)
Thật đáng buồn. Chúng ta đang mất đi sự riêng tư và đây là điều đáng lo ngại. (Cindyfour/The Huffington Post)
|
Ngô Minh Trí
Theo Thanhnien