Sự kiện hot
khoảng 1 tháng trước

Trong năm 2024 ước tính người Việt mất 18.900 tỷ đồng vì lừa đảo trực tuyến

Lừa đảo trực tuyến đang trở thành cơn ác mộng của người Việt Nam trong thời đại số. Ước tính, năm 2024, người dân mất tới 18.900 tỷ đồng vì các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi trên mạng. Con số này không chỉ phản ánh thiệt hại tài chính mà còn là lời cảnh báo tính bảo mật, thiếu cảnh giác. Giữa một môi trường đầy rủi ro, câu chuyện không chỉ là mất tiền mà còn là mất niềm tin vào sự an toàn vốn dĩ cần có của thời đại số.

Theo Báo cáo An ninh mạng 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, lừa đảo trực tuyến tiếp tục gây ra những tổn thất nặng nề cho người dùng Việt Nam. Tổng thiệt hại do các hình thức lừa đảo này gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ VNĐ, với hàng trăm nghìn người dùng trở thành nạn nhân.

Cảnh giác trước 5 chiêu lừa đảo trực tuyến mới nhất
Trong năm 2024 ước tính người Việt mất 18.900 tỷ đồng vì lừa đảo trực tuyến.

Khảo sát, được thực hiện trực tuyến với sự tham gia của hơn 59.000 người từ ngày 28/11 đến 14/12, cho thấy cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Đây là một con số đáng báo động, đặc biệt khi tỷ lệ người dùng báo cáo các vụ việc với cơ quan chức năng chỉ đạt 45.69%, thấp hơn kỳ vọng.

Ba hình thức lừa đảo phổ biến nhất trong năm qua bao gồm dụ dỗ tham gia các khoản đầu tư tài chính không rõ nguồn gốc (70.72%), giả mạo danh tính cơ quan tổ chức để yêu cầu chuyển tiền (62.08%), và thông báo trúng thưởng với nội dung bất thường (60.01%). Đáng lo ngại, các đối tượng lừa đảo ngày càng sử dụng công nghệ tiên tiến như AI và Deepfake để tạo dựng lòng tin từ nạn nhân, làm cho việc nhận diện thật – giả trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Việc không báo cáo các vụ lừa đảo không chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra mà còn làm tăng nguy cơ những hành vi này tiếp diễn.

Theo chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp.

Thứ nhất, việc báo cáo sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo.

Thứ hai, việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan.

Theo báo cáo, có tới 23,4% người dùng bị tấn công bởi mã độc ít nhất một lần trong năm. Trong đó có 9,65% người dùng đã bị tấn công bởi mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền. Nguyên nhân là do người dùng cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng.

Trong năm 2024, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng khi có tới 66,24% người dùng tham gia khảo sát đã xác nhận rằng, thông tin cá nhân của họ từng bị sử dụng trái phép.

Báo cáo chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Khoảng 74% người dùng cho rằng, nguy cơ bị lộ lọt thông tin là do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến. 62,13% đến từ việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và 67% bị lộ lọt thông tin trong quá tình sử dụng dịch vụ thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, siêu thị.

Về vấn đề cuộc gọi rác, có 96,64% người tham gia khảo sát cho biết họ bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác (spam) trong năm 2024. Báo cáo dẫn thống kê từ hệ thống phòng chống lừa đảo nTrust của Hiệp hội an ninh mạng quốc gia cho thấy, chỉ trong 6 tháng cuối năm nay ghi nhận 134.000 báo cáo liên quan đến các số điện thoại lừa đảo và có hơn 296.000 số điện thoại là số điện thoại spam, lừa đảo.

Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến, cần có sự phân phối chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp công nghệ và từng cá nhân. Một hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch với các chế tài đủ mạnh sẽ là yếu tố tiên quyết. Các cơ quan chức năng cần tăng cường điều tra, xử lý và công bố rộng rãi các dịch vụ lừa đảo, tạo ra cảnh giác cho người dân.

Về phía doanh nghiệp, việc đầu tư vào công nghệ bảo mật phải được ưu tiên. Sử dụng các giải pháp như trí tuệ nhân tạo, công nghệ máy học (machine learning) để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo từ sớm có thể giảm thiểu rủi ro. Nền tảng mạng xã hội và ứng dụng tài chính cũng cần phải nâng cấp hệ thống bảo mật, thường xuyên kiểm tra để phát hiện các lỗ hổng.

Quan trọng là việc nâng cao ý thức của người dân về an ninh mạng. Các chương trình giáo dục, hội thảo và chiến dịch truyền thông phải được phát triển rộng rãi khắp nơi, giúp người dân nhận ra những kẻ lừa đảo lừa đảo và cách tự bảo vệ mình. Đặc biệt, cần khuyến khích sử dụng các biện pháp bảo mật như xác thực hai lớp, không chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng xã hội và cảnh giác với các giao dịch trực tuyến.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: