CTCP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất. Báo cáo cho thấy, trong quý III, Nam Long đạt doanh thu thuần 357 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý III/2023, Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long Group, HOSE: NLG) với doanh thu đạt gần 357 tỷ đồng, giảm 59,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán trong quý III/2023 của Nam Long Group là 207,2 tỷ đồng, giảm 60,4% Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 49% còn 149,7 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính 10,3% đạt 32 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng 38,2% lên 66,3 tỷ đồng. Trong đó chi phí lãi vay là 66,2 tỷ đồng tăng 70% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 32,5% và 22% xuống, còn 72,3 tỷ đồng và 125 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam Long Group còn ghi nhận gần 90 tỷ đồng phần lãi từ công ty liên doanh liên kết; hoạt động khác báo lỗ 4,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,2 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 43% so với cùng kỳ, đạt 1.545 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, doanh thu từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự chiếm 88% tổng doanh thu thuần, đạt 1.359 tỷ đồng (giảm 46,6%); bên cạnh đó còn có doanh thu từ cung cấp dịch vụ, đạt 133,7 tỷ đồng; doanh thu từ dịch vụ xây dựng, đạt 22,4 tỷ đồng và thu nhập từ cho thuê bất động sản đầu tư, đạt 30,2 tỷ đồng. Nam Long ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt 318,6 tỷ đồng.
Năm nay, Nam Long đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 919 tỷ đồng, như vậy, với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 34,7% mục tiêu lợi nhuận năm.
Bên cạnh đó, một trong những điểm đáng chú ý trên BCTC của Nam Long là doanh thu sụt giảm nghiêm trọng cả quý 3 lẫn 9 tháng đầu năm. Riêng quý 3 doanh thu giảm gần 60% so với cùng kỳ. Còn 9 tháng đầu năm 2023 cũng giảm đến 43% xuống còn 1.545 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu của Nam Long, doanh thu từ bán đất, căn hộ, nhà phố và biệt thự chiếm khoảng 88%, đạt 1.359 tỷ đồng, và giảm 46% so với cùng kỳ do tình hình bất động sản trầm lắng. Số còn lại là doanh thu từ cung cấp dịch vụ, xây dựng và cho thuê bất động sản đầu tư. Mảng kinh doanh bất động sản cũng là nguồn lợi nhuận chính của công ty.
Tình hình bất động sản trầm lắng, doanh thu giảm sút cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế quý 3 của Nam Long "bốc hơi" đến 96% so với cùng kỳ.
giá trị hàng tồn kho của Nam Long đến cuối quý 3 lên đến hơn 16.800 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm - phần lớn nằm ở các dự án bất động sản dở dang.
Trong số đó tồn kho ở dự án Izumi 9.037 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm; tồn kho ở dự án Waterpoint giai đoạn 1 là 3.556 tỷ đồng – giai đoạn 2 là 1.527 tỷ đồng; dự án Hoàng Nam (Akari) hơn 1.047 tỷ đồng…
Chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay tăng mạnh chủ yếu do tăng gánh nặng chi phí lãi trái phiếu và lãi ngân hàng. Tổng nợ phải trả gần 14.560 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.325 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 3.336 tỷ đồng. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 5.660 tỷ đồng.
Trong số 2.325 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, có 950 tỷ đồng vay trái phiếu; 1.374 tỷ đồng vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả. Trong số 3.336 tỷ đồng vay dài hạn có 2.128 tỷ đồng vay trái phiếu và 1.208 tỷ đồng vay dài hạn. Như vậy tổng cộng Nam Long đang nợ trái phiếu 3.078 tỷ đồng. Đây là những khoản khiến gánh nặng chi phí tài chính của Nam Long tăng mạnh.
Các khoản vay bằng tiền của Nam Long phần lớn được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, quyền bảo lãi và một số là vay tín chấp. Các khoản vay trái phiếu lại chủ yếu thế chấp bằng cổ phần.
Chủ nợ lớn nhất của Nam Long về phía ngân hàng là Ngân hàng Phương Đông OCB với tổng dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng; OCB còn “ôm” 500 tỷ đồng trái phiếu của Nam Long. Ngoài ra các khoản vay lớn còn có Ngân hàng Sumitomo Mitsui Bank (556 tỷ đồng) và Standard Chartered Việt Nam (334 tỷ đồng).
Các khoản nợ trái phiếu đáng chú ý, trái chủ International Finance Corporation (1.000 tỷ đồng) được thế chấp bằng hơn 182,5 triệu cổ phần Nam Long VCD. Một số công ty bảo hiểm đang nắm giữ trái phiếu Nam Long như Manulife Việt Nam (510 tỷ đồng); Bảo hiểm AIA Việt Nam (120 tỷ đồng); Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam (30 tỷ đồng). Những trái phiếu này được bảo lãnh bằng hơn 56,1 triệu cổ phiếu Nam Long VCD. Tính chung, ngoài đất đai, dự án, Nam Long còn mang 238,7 triệu cổ phần tại Nam, Long VCD làm tài sản thế chấp cho các lô trái phiếu.
Tiền thân của công ty là Công ty TNHH Nam Long được thành lập thuộc thế hệ những doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam vào năm 1992. Năm 1997, công ty chính thức tham gia vào lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng các khu đô thị mới, thương hiệu Nhà Nam Long xuất hiện trên thị trường. Tháng 12/2005, Công ty TNHH Xây dựng Nam Long thực hiện cổ phần hóa và chính thức chuyển thành Công ty CP Đầu tư Nam Long. Tháng 4/2013, công ty đăng ký niêm yết cổ phiếu và giao dịch trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với mã chứng khoán NLG.
Công ty CP Đầu tư Nam Long hiện được đánh giá là một trong những nhà phát triển khu đô thị tiên phong và là đích đến hợp tác đầu tư của nhiều đối tác trong và ngoài nước. Nam Long sở hữu một thế mạnh vượt trội bằng kinh nghiệm của 29 năm hoạt động trên lĩnh vực phát triển khu đô thị từ sơ khai đến hoàn chỉnh, bên cạnh đội ngũ nhân viên tâm huyết, chuyên nghiệp và ban cố vấn gồm những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phát triển bất động sản tại Việt Nam. Hiện tại, Nam Long là một hệ thống vững chắc gồm 20 công ty con được thiết kế và kết hợp chặt chẽ trên nền tảng tạo vòng khép kín trên chuỗi gia tăng giá trị phát triển đô thị với mục tiêu mang lại cho khách hàng tiện ích trọn gói. Đồng thời, nắm bắt tiềm năng phát triển của thị trường xây dựng và bất động sản Việt Nam, Nam Long mong muốn được góp sức kiến tạo môi trường sống mang lại giá trị nhân văn cho cộng đồng và đưa việc phát triển quỹ đất và phát triển đô thị sống như một mũi nhọn quan trọng trong chiến lược phát triển của Công ty.
Hướng tới thập kỷ mới 2021-2030, Nam Long đặt mục tiêu chuyển đổi để tăng tốc phát triển, vươn lên top 3 nhà phát triển đô thị hàng đầu Việt Nam và sở hữu một hệ sinh thái bất động sản tích hợp bền vững. Theo đó, Nam Long từ một chủ đầu tư bất động sản vừa túi tiền (affordable housing) sẽ vươn lên thành nhà phát triển các dự án phức hợp, đại đô thị tích hợp có quy mô hàng trăm hecta nằm tại các khu vực kinh tế trọng điểm phục vụ chiến lược giãn dân của các thành phố lớn.
Tiến Hoàng/KTDU