Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 2/2023 của ngành nông nghiệp đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm ngoái.
Cụ thể, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD (tăng 25,9%); chăn nuôi đạt 29 triệu USD (tăng 46,5%); đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (giảm 5,2%); lâm sản chính gần 872,1 triệu USD (giảm 10,7%); thủy sản đạt 550 triệu USD (giảm 13,1%)... Trong tháng 2/2023, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước. Cụ thể là: Chè đạt 25 triệu USD (tăng 5,1%); nhóm rau quả đạt 592 triệu USD (tăng 17,8%); sắn và sản phẩm sắn đạt 283 tỷ USD (tăng 32,7%), sữa và sản phẩm từ sữa đạt 16,2 triệu USD (tăng 10,2%); thịt, phụ phẩm 16,9 tỷ USD (tăng 14,2%).
Mặc dù vậy, hàng chục nông sản Việt lại giảm giá trị xuất khẩu trong tháng 2/2023. Điển hình là cà phê 703 triệu USD (giảm 14,6%), cao su 394 triệu USD (giảm 23,1%), gạo 417 triệu USD (giảm 10,8%), hạt điều 327 triệu USD (giảm 14,3%), hạt tiêu 129 triệu USD (giảm 7,4%), cá tra 133 triệu USD (giảm 64,1%), tôm 251 triệu USD (giảm 54,9%), gỗ và SP gỗ đạt 1,61 tỷ USD (giảm 34,8%), sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 106 triệu USD (giảm 39,8%)…
Về thị trường xuất khẩu, châu Á hiện chiếm 47,4% thị phần xuất khẩu của nông sản Việt. Tiếp đến là châu Mỹ (21,1%), châu Âu (13,4%), châu Đại Dương (1,4%) và châu Phi (1,3%). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 1,27 tỷ USD (chiếm 20,2% thị phần); đứng thứ 2 là Mỹ khoảng 1,19 tỷ USD (chiếm 19,0% thị phần); thứ 3 là Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt 563 triệu USD (chiếm 9,0%); thứ 4 Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 302 triệu USD (chiếm 4,8%).
Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới. Tận dụng các hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực. Tiếp tục phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
Tiến Hoàng
Theo Kinhtedouong.vn