Sự kiện hot
2 năm trước

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè: Nơi sản sinh ra những giống cây chè mới mang lại giá trị kinh tế cao

Việc nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp. Để hiểu rõ về việc nghiên cứu cây chè giống chất lượng cao, phóng viên đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc.

TS. Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc trao đổi với phóng viên về việc nghiên cứu cây chè giống mới tại Viện - Ảnh: Sơn Thủy

TS. Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc trao đổi với phóng viên về việc nghiên cứu cây chè giống mới tại Viện - Ảnh: Sơn Thủy

- Phóng viên: Thưa ông, ông có thể giới thiệu đôi nét về lịch sử hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè và những lĩnh vực nghiên cứu tại Trung tâm?

TS. Nguyễn Ngọc Bình: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè được kế thừa từ 105 năm bắt đầu từ khi người Pháp thành lập đồn điền Trại Nông Lâm nghiệp Phú Hộ năm 1918, song trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau và nhiều lần thay đổi tên và sáp nhập từ tên Viện nghiên cứu chè Việt Nam, tới năm 2005 Bộ Nông nghiệp có quyết định thành lập Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho cả một vùng 14 tỉnh. Viện nghiên cứu chè Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc. Riêng về lĩnh vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) giao cho Trung tâm nghiên cứu về giống cây chè trong phạm vi toàn quốc là đơn vị duy nhất được Bộ NN&PTNT giao nhiệm vụ nghiên cứu giống cây chè và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè chính thức được thành lập từ năm 2006 theo quyết định của Bộ NN&PTNT.

- Phóng viên: Về nghiên cứu giống cây chè nào hiện tại ở Trung tâm là thế mạnh nhất và những giống cây chè cụ thể đã được Trung tâm nghiên cứu thành công, thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Bình: Viện và Trung tâm đã nghiên cứu ra tất cả các giống chè trên cả nước đều có nguồn gốc từ Viện, bên cạnh đó có một đến hai giống bản địa ví dụ từ tỉnh Lâm Đồng…phục vụ cho ba mảng chính theo hướng sản phẩm. Thứ nhất, các giống chế biến chè đen như giống PH1, LDP2, PH11, PH276, TRI 5.0…; thứ hai, nhóm giống chuyên chế biến chè xanh và cấp cao chè Olong có giống chè Kim Tuyên, PH10, Hương Bắc Sơn, LCT1, VN15…; thứ ba, chuyên chế biến chè xanh lẫn chè đen như giống PH8, LDP1, Phúc Vân Tiên…

Các giống chè chọn lọc tại Viện được trồng để thử nghiệm nghiên cứu về chất lượng sản phẩm - Ảnh: Sơn Thủy

Các giống chè chọn lọc tại Viện được trồng để thử nghiệm nghiên cứu về chất lượng sản phẩm - Ảnh: Sơn Thủy

Trong đó, thế mạnh nghiên cứu giống cây chè hiện nay của Trung tâm ở giai đoạn trước là giống LDP1, LDP2 là giống chủ lực và từ năm 2016 cho đến nay là giống PH8. Thế mạnh thời gian tới là giống chè Hương Bắc Sơn, chè Olong, VN15, TRI 5.0…các giống này sẽ là giống tập trung chủ đạo của Trung tâm.

- Phóng viên: Thưa ông, việc nghiên cứu của Trung tâm trong thời gian qua và trong thời gian tới sẽ được thực hiện ra sao?

TS. Nguyễn Ngọc Bình: Trong thời gian qua Trung tâm nghiên cứu và Phát triển chè được Viện và Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và các cơ quan… đầu tư quan tâm, đường lối cụ thể cho công tác nghiên cứu cây chè phục vụ phát triển ngành chè Việt Nam theo hướng bền vững. Từ đó Trung tâm đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận, các giống mới của đơn vị đã đưa ra sản xuất góp phần nâng diện tích chè giống mới toàn quốc lên 67%, năng suất đạt sấp sỉ 10 tấn trên 1 héc ta/ năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 250 triệu USD/năm, nội tiêu đạt khoảng 500 triệu USD/năm. Đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội phía Trung du miền núi phía Bắc và khu vực Tây nguyên, miền Trung…

Nói về kế hoạch trong thời gian tới của Trung tâm về định hướng chung thì phía Bộ vẫn tiếp tục quan tâm và đầu tư cho nghiên cứu phát triển nâng cao giá trị của ngành chè Việt Nam. Cụ thể sẽ nghiên cứu để tạo ra những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng được biến đổi khí hậu và đa dạng hóa sản phẩm, làm nguyên liệu cho những thực phẩm chức năng, y học, mỹ phẩm. Kỹ thuật được đồng bộ theo hướng công nghệ cao đầu tư máy móc, điều khiển tự động, cơ giới hóa…về chế biến thì đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tiêu và xuất khẩu.

Tiếp tục, tập trung nghiên cứu chế biến sâu nâng cao giá trị của cây chè ví dụ như: Làm nước giải khát, bột trà matcha, cao trà, nguyên liệu cho những thực phẩm chức năng, triết xuất để phục vụ cho y học, mỹ phẩm, dược liệu…

Đặc biệt, nghiên cứu về văn hóa trà, trà gắn với du lịch, gắn với các chương trình mục tiêu Quốc gia, sản phẩm trà OCOP. Nghiên cứu về thị trường để nâng cao giá trị về sản xuất chè có thể là nội tiêu hoặc xuất khẩu và xây dựng thương hiệu của chè cho các địa phương như chè Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái…

Sản phẩm chè chất lượng cao tại Trung tâm đã được cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Phú Thọ”  - Ảnh: Sơn Thủy

Sản phẩm chè chất lượng cao tại Trung tâm đã được cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Phú Thọ”  - Ảnh: Sơn Thủy

Mô hình bộ ấm chén uống trà trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè - Ảnh: Sơn Thủy

Mô hình bộ ấm chén uống trà trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè - Ảnh: Sơn Thủy

- Phóng viên: Trong việc nghiên cứu và phát triển giống cây chè tại Trung tâm có những khó khăn và thuận lợi như thế nào, xin ông cho biết?

TS. Nguyễn Ngọc Bình: Thứ nhất, về điểm thuận lợi trong việc nghiên cứu phát triển chè đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cơ quan từ Trung ương đến chính quyền địa phương, được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng…đều xác định giống cây chè là cây trồng chủ lực, mũi nhọn đem lại hiệu quả kinh tế cao và được chú trọng về đầu tư. Đặc biệt, từ Trung ương tới các địa phương đều có ban hành các chính sách hỗ trợ cho việc trồng cây chè. Có truyền thống lịch sử và văn hóa gắn với sự phát triển của cây chè, người dân thì có nhiều kinh nghiệm. Về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Việt Nam rất phù hợp cho sự phát triển của cây chè được phát triển ổn định và bền vững, tại Trung tâm có lịch sử hình thành và bề dày nghiên cứu về cây chè trên 100 năm qua nhiều thế hệ đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật được kế thừa và phát triển, có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học, trí thức rất tâm huyết đối với sự phát triển của cây chè và ngành chè Việt Nam.

Thứ hai, về những điểm khó khăn tuy rằng việc sản xuất chè và diện tích đứng thứ 5 trên thế giới nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao. Những cơ chế chính sách có nhưng chưa đủ mạnh để giúp cho ngành chè phát triển một cách đột phá. Hiệu quả sản xuất chè tại các vùng sản xuất là chưa cao so với các cây trồng khác, cho nên có nhiều vùng địa phương người dân phá bỏ diện tích trồng cây chè và thay thế các giống cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc đầu tư, hỗ trợ công nghệ của Nhà nước cho công tác nghiên cứu chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Đặc biệt, về Luật sở hữu trí tuệ về bảo hộ giống cây trồng, bản quyền tác giả vẫn còn những bất cập, chưa kích thích được các nhà khoa học mặc dù đã có Luật trồng trọt đã có hiệu lực nhưng chỉ áp dụng chung.

Về nhận thức của người dân trồng chè chưa đồng đều dẫn tới việc sản xuất chè có trách nhiệm chưa thực sự với cộng đồng mà thay vào đó mạnh ai người đó làm ví dụ như có hộ gia đình sản xuất trồng chè phun thuốc sâu khi mà xuất khẩu đều bị trả lại sản phẩm mà cả ngành chè phải chịu tiếng đó. Chế biến chè các nhà máy vượt rất xa so với sản lượng chè nên bị phá vỡ quy hoạch và dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, giành giật nguồn nguyên liệu và đầu tư cho chế biến nguyên liệu chưa nhiều…

- Phóng viên: Việc xảy ra đại dịch Covid-19 trong thời gian qua có ảnh hưởng tới việc nghiên cứu cây giống hay việc chuyển giao cây giống ra sao, thưa ông?

TS. Nguyễn Ngọc Bình: Nói về việc xảy ra đại dịch Covid-19 trong những năm qua có ảnh hưởng rất nhiều trong công tác nghiên cứu cây giống, đó là việc triển khai những thí nghiệm đồng ruộng tại các điểm xa cơ quan nghiên cứu ở các vùng sinh thái ở các tỉnh khác như vùng Đông Bắc, Tây Bắc và miền Trung, Tây Nguyên… nên việc đi lại là rất khó khăn như có vùng là bị phong tỏa không cho người nơi khác tiếp xúc phải có giấy xét nghiệm hay giấy đi lại vận chuyển. Đối với việc chuyển giao kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn như việc cây giống sản xuất ra phải thuê người đến để sản xuất thì vẫn phải qua các bước kiểm tra test âm tính mới được đến được làm việc và đặc biệt tâm lý cũng lo sợ dịch bệnh. Việc khi sản xuất ra được cây giống để chuyển giao cũng gặp khó khăn như người ngoài tỉnh khi vào Trung tâm và chi phí cũng tăng cao…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo Sơn Thủy 

KTĐU

Từ khóa: