Sự kiện hot
6 năm trước

Trúng thầu lớn tại BQL Dự án xây dựng NN&PTNT Nam Định bằng cách nào?

Chưa đầy 3 tháng, Công ty CP Xây dựng hạ tầng Đại Phong trúng 5 gói thầu do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư

Lý lo các nhà thầu bị trượt xuất hiện nhiều nghi vấn

Từ ngày 10/7 đến ngày 26/9/2018, Chi cục Thủy lợi Nam Định và BQL Dự án xây dựng NN&PTNT Nam Định (bên mời thầu) liên tiếp công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu liên quan đến xây dựng, sửa chữa đê, kè, bờ bao...tại một số huyện như Ý Yên, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc...Kết quả, chỉ có một nhà thầu được xướng tên: Công ty CP xây dựng Đại Phong.

trung thau lon tai bql du an xay dung nnptnt nam dinh bang cach nao

Trúng lớn

5 kết quả lựa chọn nhà thầu được các ông Đặng Ngọc Thắng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và ông Bùi Văn Thức, Giám đốc BQL Dự án xây dựng NT&PTNT ký.

Theo đó, vào ngày 28/8/2018, Chi cục Thủy lợi Nam Định công bố lựa chọn Công ty CP xây dựng Đại Phong (Cty Đại Phong) là nhà thầu cho gói thầu là: Xây dựng công trình xử lý cấp bách các hư hỏng bờ bao xã Yên Bằng, huyện Ý Yên. Giá trúng thầu là 8.756.139.000đ trong khi giá gói thầu là 8.802.116.000đ - tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp. Tham gia nộp HSDT cuộc thầu này còn có 2 nhà thầu khác là: Cty CP đầu tư xây dựng và thương mại 126 và Cty CP Hùng Anh.

Cùng ngày 28/8, Chi cục Thủy lợi Nam Định cũng công bố danh tính nhà thầu trúng gói thầu: Xây dựng công trình xử lý cấp bách một số đoạn đê xung yếu bị sự cố do mưa lũ vào tháng 10/2017 xảy ra trên tuyến đê tả Đáy, huyện Ý Yên. Công ty Đại Phong 1 lần nữa giành chiến thắng. Giá trúng của gói này là 13.070.407.000đ (giá gói thầu 13.073.279.000đ). Cty TNHH xây dựng Việt Cường và Cty CP xây dựng và phát triển đô thị Hoàng Anh là những đối thủ của Đại Phong ở gói thầu này.

Cả 2 gói thầu trên đều có loại hình hợp đồng trọn gói và thời gian thực hiện của mỗi gói là 270 ngày.

Về phía BQL xây dựng NN&PTNT, ngày 10/7/2018, đơn vị này thông báo Cty Đại Phong được lựa chọn trúng thầu cho gói thầu: Xử lý cấp bách hư hỏng mái đê Phú Văn, xã Hải Ninh đoạn K39+000 đến K39+500 đê tả Ninh-Hải Hậu do bão số 10 tháng 9 năm 2017 gây ra. Giá trúng thầu là 7.081.351.000đ, giá gói thầu 7.095.200.000đ. Loại hợp đồng trọn gói và thời gian hoàn thành là trước ngày 30/4/2019. Tham dự gói này còn có các nhà thầu là Cty CP 126 và Cty xây dựng phát triển đô thị Hoàng Anh.

Tiếp đó, ngày 21/9/2018, Đại Phong tiếp tục được xướng tên trong gói thầu: Gia cố, cải tạo mặt đê hữu Hồng, huyện Mỹ Lộc đoạn K157+400 đến K159+600. Giá trúng thầu là 5.101.539.000đ, giá gói thầu 5.200.379.000đ. Loại hình hợp đồng tương tự như các gói thầu trên. Thời gian hoàn thành xong trước ngày 31/12/2018. Cty Hoàng Anh và Cty CP Hùng Anh tham gia cuộc thầu này.

Mạch chiến thắng của Đại Phong kéo bằng gói thầu: Xây dựng công trình xử lý cấp bách một số sự cố do đợt mưa lũ tháng 10 năm 2017 gây ra trên tuyến đê hữu Ninh và đê Thanh Hương, đê biển huyện Nghĩa Hưng. Gói thầu này có giá 10.477.300.000đ, Đại Phong bỏ giá 10.388.080.000đ. Ngày 30/6/2019 là hạn hoàn thành. Một lần nữa Cty Hoàng Anh và Cty Hùng Anh cạnh tranh với Đại Phong ở gói này.

Như vậy, trong khoảng thời gian chưa đầy 3 tháng, với cùng một chủ đầu tư (Sở NN&PTNT Nam Định), Đại Phong đã liên tiếp gặt hái những thắng lợi. Đây là kết quả mơ ước với không ít nhà thầu trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn vào “chiến tích” của Đại Phong và thất bại của các nhà thầu khác, cho thấy không ít sự bất thường khiến dư luận hoài nghi về tính đảm bảo cạnh tranh, hiệu quả của các cuộc thầu do lợi Nam Định và BQL Dự án xây dựng NN&PTNT Nam Định làm bên mời thầu.

Bất thường?

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù đấu thầu rộng rãi trên cả nước, trong 5 gói thầu trên chỉ có đúng 5 nhà thầu tham gia dự. Đó là: Cty CP đầu tư và thương mại 126, Công ty TNHH xây dựng Việt Cường, Cty CP Hùng Anh, Cty CP xây dựng và phát triển đô thị Hoàng Anh và Cty Đại Phong.

Trong đó, Cty 126 tham gia 2 gói, Cty Việt Cường tham gia 1 gói và Cty Hùng Anh tham gia 3 gói, Cty Hoàng Anh tham gia 4 gói. Trước diễn biến ấy, dư luận hoài nghi về việc các nhà thầu này có quan hệ với nhau ra sao mà mỗi gói thầu chỉ vừa vặn có 3 nhà thầu tham dự và cứ đảo đi, đảo lại. Liệu có sự sắp đặt “quân xanh quân đỏ” hay không?

Trên thực tế, tại một gói thầu nếu có dưới 3 nhà thầu thì chủ đầu tư có thể phải gia hạn, đợi có thêm nhà thầu nộp hồ sơ nhằm tăng tính cạnh tranh. Trường hợp chủ đầu tư vẫn mở thầu thì phải chịu trách nhiệm nếu có kiến nghị về tính cạnh tranh.

Công ty CP xây dựng hạ tầng Đại Phong có địa chỉ tại Khu A, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, Nam Định, đăng ký kinh doanh vào năm 2013. DN này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Vấn đề vẫn chưa dừng lại. Tiếp tục tìm hiểu sự bất thường của các gói thầu này, PV nhận thấy có những yếu tố “bất thường”. Chẳng hạn tại gói thầu Xây dựng công trình xử lý cấp bách các hư hỏng bờ bao xã Yên Bằng, lý do Cty Hùng Anh bị loại là: không vượt qua bước đánh giá về yêu cầu năng lực và kinh nghiệm trong hồ sơ mời thầu. Còn tại gói thầu: Gia cố, cải tạo mặt đê hữu Hồng, huyện Mỹ Lộc, nhà thầu này bị loại bởi nguyên nhân gần như tương tự, nhưng có thêm yếu tố nữa là không đạt năng lực về tài chính. Cần biết gói thầu tại huyện Mỹ Lộc (5.200.379.000đ) có giá trị thấp hơn nhiều so với gói thầu ở xã Yên Bằng (8.802.116.000đ). Theo đó, nếu Cty Hùng Anh không đạt năng lực về tài chính thì cần phải được đánh giá và công bố ngay ở gói thầu tại xã Yên Bằng (kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 28/8/2018) chứ không phải đợi đến ngày 21/9/2018 tại gói thầu ở huyện Mỹ Lộc mới nêu lý do...Cần biết, năng lực tài chính là một trong những tiêu chí đánh giá hàng đầu của công tác đấu thầu.

Đối với Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị Hoàng Anh lý do bị trượt trong gói thầu Gia cố, cải tạo mặt đê hữu Hồng, huyện Mỹ Lộc là vô cùng hi hữu, có thể coi là “lãng xẹt”, đó là nhầm “chính tả”: không đạt về tính hợp lệ HSDT do giá trong đơn dự thầu là 5.168.110.000đ, trong khi trong bảng giá tổng hợp lại là:5.186.100.000đ.

Trước những “điểm lạ” này, dư luận cũng sẽ rất quan tâm đến tiến độ thi công, chất lượng công trình của các gói thầu nêu trên...

Bùi Quý
Theo Thời báo Chứng khoán

Từ khóa: