Với mục đích tạo phong trào sâu rộng, nâng cao nhận thức và thực hành của người tổ chức phục vụ, chế biến trong bếp ăn tập thể về an toàn thực phẩm, Trường tiểu học Tiền Phong A (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội) đã triển khai thí điểm mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học” năm học 2019.
Trường Tiểu học Tiền Phong A được thành lập từ tháng 8/1991, trên cơ sở tách ra từ trường THCS Tiền Phong. Trường nằm trong địa bàn trung tâm xã Tiền Phong với diện tích 13.435 m2. Năm học 2018 - 2019, trường được chuyển về địa điểm mới xây dựng có đủ các phòng học và phòng chức năng, đảm bảo đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ ngày. Tổng số 29 lớp/29 phòng học, trong đó có 29/29 lớp học 2 buổi trên ngày với tổng số học sinh là 1.244 em; số học sinh tham gia bán trú là 574 em. Nhà bếp, nhà ăn với diện tích đáp ứng đủ nhu cầu của các em (nhà bếp 171 m2; nhà ăn 345 m2).
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt, giáo dục, tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường đã nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của vấn đề thông qua việc đã triển khai nghiêm túc. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú trong nhà trường.
Cụ thể, nhà trường có quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác bán trú, kế hoạch về công tác bán trú, vệ sinh an toàn thực phẩm, có tổ giám sát về ATTP mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học” năm 2019. Đại diện Ban giám hiệu nhà trường, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ bếp ăn bán trú được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm do các cấp tổ chức. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên được tham gia các lớp học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhà trường cũng chú trọng xây dựng các bài tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền tới toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn trường vào giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp…để mọi người hiểu rõ được tác hại của thực phẩm bẩn, vai trò của mỗi cá nhân và cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt nhân viên bếp hiểu đúng, thực hiện đúng Luật an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, tuyên truyền phổ biến việc thực hiện kiến thức và sức khỏe người trực tiếp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn trong chế biến; bảo quản, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm góp phần vào giảm thiểu ngộ độc thực phẩm cũng được nhà trường triển khai thường xuyên. Hàng ngày giáo viên đã lồng ghép tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh thông qua các hoạt động; quán triệt học sinh không được mua đồ ăn vặt ngoài cổng trường.
Đối với việc thực hiện các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà trường đã ký hợp đồng mua suất ăn với cơ sở hộ kinh doanh và có đầy đủ hồ sơ liên quan, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đối với công tác vệ sinh môi trường, bếp ăn, công trình vệ sinh…nơi chế biến thực phẩm luôn thường xuyên giữ vệ sinh sạch sẽ, có dụng cụ riêng đựng thực phẩm sống, chín và mọi yếu tố khác đều an toàn đảm bảo sạch sẽ đúng quy định.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường cũng được sát sao. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch công tác bán trú và thường xuyên kiểm tra bán trú đột xuất, có báo trước và định kỳ; đồng thời phối hợp đón các đoàn kiểm tra về ATTP từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng và phát triển công tác vệ sinh ATTP ngày một tốt hơn.
Đặc biệt, công tác phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường luôn luôn thống nhất, nhằm nâng cao cơ sở vật chất phục vụ công tác bán trú. Phối hợp tiến hành kiểm tra thường xuyên bếp ăn từ khâu giao, nhận thực phẩm, đến tổ chức bữa ăn hàng ngày; phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng thực đơn cân đối đảm bảo đủ dinh dưỡng cho học sinh; phối hợp giáo viên chủ nhiệm với các ban ngành, Đoàn Đội trong công tác tuyên truyền, vệ sinh để đảm bảo công tác vệ sinh ATTP.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc triển khai thí điểm mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể học” năm 2019 của trường Tiểu học Tiền Phong A đã đạt được những thành công nhất định. Trong thời gian tới, nhà trường kiến nghị đề xuất đối với UBND huyện tiếp tục được đầu tư về cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ công tác bán trú, mở rộng nhà ăn, bàn ghế ăn bán trú. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các nhà trường có bếp ăn bán trú. Tăng cường kiểm tra, tư vấn cho các nhà trường về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Sơn Thủy
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng