Sự kiện hot
12 năm trước

Truy tìm loại “mì chính siêu ngọt”cực độc trong nước lèo

Tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), vô số các loại phụ gia độc hại được bày bán công khai hoặc chào hàng không chút nào lén lút. Các loại hóa chất “giết người” như phẩm màu, hàn the, formol, hương liệu... cũng được giới thiệu tràn lan.

Tại chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM), vô số các loại phụ gia độc hại được bày bán công khai hoặc chào hàng không chút nào lén lút. Các loại hóa chất “giết người” như phẩm màu, hàn the, formol, hương liệu... cũng được giới thiệu tràn lan.

Trong vai một người buôn bán, PV đã dễ dàng tiếp cận nơi cung cấp các loại hóa chất phục vụ cho việc kinh doanh bún, phở.


Loại mỳ chính “siêu ngọt” đang được sử dụng để chế biến các loại nước lèo “đặc biệt”.

Nồi nước lèo “đặc biệt”

Chợ Kim Biên  lâu nay được xem như “vựa hóa chất tử thần” vì bán nhiều hóa chất, phẩm màu, hương liệu không rõ nguồn gốc. Trong vai một người mới mở quán bún bò đang đi tìm nguồn hàng, chúng tôi dạo quanh những tiệm hóa chất và các gian hàng gia vị tại chợ Kim Biên. Hỏi tới những phụ gia để nấu bún bò, những người chủ hàng nhanh chóng bỏ qua sự nghi ngại ban đầu để luôn miệng chào mời khách. Bà chủ quán tên M., dáng người phốp pháp, miệng liên thanh giới thiệu mặt hàng chúng tôi đang cần: “Em cần gia vị nấu nước lèo phải không? Chuyện nhỏ, chỗ chị cái gì chả có. Em cần số lượng bao nhiêu? Hàng đảm bảo chất lượng. Nhanh lên không cơ quan chức năng biết thì rắc rối lắm”.

Trong nháy mắt, bà M. chìa ra cho tôi xem một bao màu trắng, khoảng 500g, bên ngoài ghi dòng chữ Trung Quốc màu đỏ. Theo lời bà này thì dân buôn bún, phở không cần quan tâm nhiều đến bao bì hay mẫu mã, hoặc nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng…. Điều mà họ quan tâm chính là mặt hàng này có đáp ứng được việc kinh doanh hay không.

Để thuyết phục khách hàng, bà M. giải thích kỹ lưỡng cách sử dụng: “Đây là loại đường phèn dùng để pha nước lèo. Loại này có 3 dạng được phân chia theo khối lượng khác nhau: Loại hạt nhỏ như hạt đậu, loại hạt như đầu ngón tay và một loại lớn được kết dính từ những hạt nhỏ hơn. Tuy vậy đặc điểm chung của chúng đều có màu trắng đục, không mùi, ẩm ướt và rất dính tay. Giá mỗi loại dao động từ 85.000 đồng cho tới 270.000 đồng/1 bịch. Mỗi bịch có khối lượng từ 1 kg tới 30 kg. Cách sử dụng loại đường phèn này cũng hết sức đơn giản, chỉ cần nấu nước lèo tới khi sôi, bỏ vào 3 - 4 ly cà phê (loại hạt nhỏ) hoặc dùng 1 viên (loại hạt lớn) thì nồi nước ấy sẽ rất ngọt như vừa ninh từ thịt thật và xương thật”. Như vậy, nếu theo như lời bà chủ quán giới thiệu thì chỉ cần bỏ ra chưa đầy 7.000 đồng là có được một nồi nước lèo bán cả trăm tô bún. “Khỏi phải hầm xương chi cho mệt, sau khi nước được đun sôi, bỏ vào một ít bột đường, đậy nắp cho nước sôi thêm một lần nữa là nước sẽ ngọt như được hầm từ 20kg xương” - Bà bán hàng giới thiệu rất kỹ lưỡng và còn bảo có rất nhiều quán bún bò lớn cũng đặt hàng loại bột này để nấu nước cho ngọt. Hàng tuần bà vẫn giao hàng tận nơi cho các cửa hàng đó.

Phó GĐ Sở Công thương TP.HCM Tôn Quang Trí trong lần trả lời báo giới xung quanh việc mua bán hóa chất dễ dàng, tràn lan tại khu vực chợ “thần chết” Kim Biên nói, hàng năm, Sở Công thương TP.HCM (phòng thanh tra) đều có kế hoạch phối hợp cùng với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát việc mua bán hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên - phường 13, Q.5. Qua kiểm tra, hầu hết các cửa hàng đều vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hóa chất.

“Sát thủ” từ hóa chất trôi nổi

Ngoài loại đường phèn ấy, chúng tôi tiếp tục tìm tới một cửa hàng hóa chất khác ở cuối đường Kim Biên để dò hỏi về loại bột tạo hương thịt bò và loại nước màu để nấu nước lèo. Khi được hỏi, người phụ nữ quản lý liền mang cho chúng tôi xem những loại gia vị theo yêu cầu. Loại bột tạo hương có màu đỏ đậm giống thịt bò khô, được đựng trong chiếc túi nilon với trọng lượng khoảng 1kg. Loại nước màu chứa trong một chiếc chai nhựa, đặc quánh có dung lượng khoảng 1 lít. Giá của 2 loại này cộng vào là hơn 500.000 đồng. Tuy giá cả có phần mắc hơn nhưng theo như lời giới thiệu của chủ cửa hàng thì chất lượng khỏi cần chê. Bởi khi nấu nước lèo, chỉ cần đợi tới lúc gần xong, người nấu bỏ vào một chút nước màu và bột tạo hương thì nồi nước sẽ rất thơm và có màu sắc y hệt như được tạo ra từ thịt bò. So với số tiền lớn phải bỏ ra để mua hàng chục ký thịt và xương thật về ninh thì giá đó là quá rẻ.

Điều dễ nhận thấy là chỉ một số nhỏ mặt hàng này có ghi rõ địa chỉ sản xuất, điện thoại và hạn sử dụng, còn lại phần nhiều là trong những lớp bao bì “bí ẩn”. Vì thế thật khó để tìm hiểu được xuất xứ và thành phần làm ra chúng. Hỏi về vấn đề này, những người bán hàng cũng chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện. Cũng có loại ghi tiếng Việt, có tên công ty, hình vẽ và các loại huy chương về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng chúng tôi tìm mỏi mắt cũng không thấy địa chỉ hay điện thoại của nơi sản xuất. Có thể chúng được những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong nước làm ra. Dạo qua các sạp bán hóa chất ở chợ Kim Biên, chúng tôi có cảm giác chủ các sạp này là những tay ảo thuật gia. Họ có khả năng biến những cái không thể thành có thể trong nháy mắt. Chỉ cần chấm một chút hóa chất hương liệu vào ca nước lạnh thì ngay lập tức sẽ có một ca nước chanh thơm mát. Cũng chẳng cần một muỗng ca cao nào mà sẽ có ngay một ly “ca cao đặc biệt” cho thực khách bằng cách tương tự. Không chỉ có vậy, họ còn tạo ra được những hương liệu mang mùi cà phê Pháp, cà phê Moka (Đức), hương sôcôla, màu đục sữa, đục rượu... Tôi hỏi ông chủ tiệm kinh doanh hóa chất: “Thế hương thịt heo dùng để làm gì?”. Ông ta cho biết: “Thì bôi vào thịt heo để cho nó có mùi... thịt heo!”. Hóa ra với loại thịt heo bệnh, đã ôi thiu thì chỉ cần cho vào chút xíu hương liệu mùi thịt heo là thành tươi mới, có thể ngang nhiên bày bán ở chợ cho những người tiêu dùng ít tiền hoặc các quán cơm bình dân phục vụ người lao động. Suốt tuyến đường Vạn Tượng bên hông chợ Kim Biên có gần 30 sạp bán hóa chất, hương liệu. Theo điều tra của chúng tôi thì mỗi sạp như vậy bán không dưới 50 mặt hàng mà đáng chú ý nhất chính là loại đường phèn, bột tạo hương thịt và nước màu không rõ nguồn gốc dùng để nấu nước lèo cho món bún, phở, hủ tiếu được nói đến ở trên. Như vậy, trong bữa điểm tâm của người dân Sài thành với món sở thích là bún, phở hay hủ tiếu, hàng ngàn thực khách đã vô tình bị “đầu độc” hóa chất mà một phần là xuất xứ từ chợ Kim Biên.

Hữu Huấn
theo GĐ&XH

Từ khóa: