Sự kiện hot
12 năm trước

Truyền hình thực tế, hài hước cũng... thực tế

Dantin - Truyền hình thực tế là một trò chơi, hoặc cũng có thể là một ván bài nhiều bi hài. Người cầm “bài tẩy” đôi khi vì chủ quan và tự tin quá đà mà “vấp đá” hoặc đi “nhặt đá” từ số lượng đông đảo người yêu thích truyền hình thực tế tại Việt Nam.

Dantin - Truyền hình thực tế là một trò chơi, hoặc cũng có thể là một ván bài nhiều bi hài. Người cầm “bài tẩy” đôi khi vì chủ quan và tự tin quá đà mà “vấp đá” hoặc đi “nhặt đá” từ số lượng đông đảo người yêu thích truyền hình thực tế tại Việt Nam.

Bị “ghẻ lạnh “

Tại sao một chương trình truyền hình thực tế mua bản quyền nước ngoài vẫn “lập lờ” dù chịu nhiều scandal và “đá”. Đơn giản vì nó vẫn tỏ ra được ưu thế vượt trội về nội dung và kể cả kỹ xảo so với các chương trình nội yếu kém. Rất nhiều chương trình thực tế, nói rộng hơn là giải trí, có yếu tố Việt hóa với sự ảnh hưởng lớn của biên tập Việt đang chìm dần và “văng” ra khỏi “giờ vàng” vì nhiều lí do. “Sao mai điểm hẹn” từng là “con cưng” của VTV nay cũng bị “ghẻ lạnh” và không rõ tương lai. Trong khi bản thân người “chủ trò” muốn kéo dài các chương trình tự sản xuất thì trên tổng thể VTV lại muốn chương trình hấp dẫn được đẩy ra ngoài cho các công ty truyền thông cổ phần. Truyền hình sẽ chỉ cầm đằng “chuôi” vì họ có quyền tăng tiền mua sóng giờ vàng, vẫn được đứng tên sản xuất trong các chương trình, nhưng thực chất chỉ thực hiện việc giám sát, chứ không hề “động tay” vào công việc chi tiết.

Người ta luôn bị hấp dẫn bởi những thứ bất ngờ, tự nhiên, không xếp đặt, đó là tâm lí chung của con người, và hẹp hơn, của khán giả thưởng thức nghệ thuật giải trí. Một ca sĩ hát tròn vành, rõ chữ, biểu diễn hoàn hảo đôi khi chẳng hấp dẫn bằng một người, chẳng phải ca sĩ, hát ngô nghê nhưng sân khấu lắm chiêu trò. Như “Bước nhảy hoàn vũ”, đây đã là mùa thứ 3, format không thay đổi, trong khi nhà sản xuất luôn có nguyện vọng không giới hạn về mức độ tăng rating, thì nhiệm vụ của những “nhà sáng tạo” chương trình tất nhiên là vẽ ra càng nhiều chuyện lùm xùm càng tốt. Khác với những mùa đầu tiên, 3, 4 tuần đầu có thể là những thứ thuần chuyên môn và “cú nổ” chỉ xuất hiện ở những tuần trung điểm, ở mùa thứ 3, scandal được “gài” ngay từ những số đầu tiên.

Liên tục scandal

Những scandal “lấp lửng” ngày càng được tung ra một cách có kịch bản và có những con đường giống nhau, và cảm xúc của khán giả luôn bị đem ra làm mồi nhử. Khi cảm xúc với những sự việc tương tự mòn đi thì lại có những chiêu trò khác được đưa ra. Hiện tại, việc “từ chức” và “từ bỏ” một cuộc thi đang trở thành xu hướng của năm. Sau khi Đăng Khoa cứu hiện tượng Uyên Linh tại Vietnam Idol để tạo nên sự xuất hiện cho một ngôi sao mới như hiện nay, thì Thiều Bảo Trang cũng vừa ra đi tại The Voice để đẩy một nhân tố khác, được dự đoán là Tiêu Châu Như Quỳnh. Kịch bản như vậy sẽ là một mũi tên bắn trúng nhiều đích, gỡ rối được cho hiện tượng có The Voice “hụt” của Thiều Bảo Trang, giúp cô và chương trình thoát được nhiều áp lực. Đồng thời, sự việc cũng là đòn bẩy đưa lượng rating đang có dấu hiệu thấp dần trở lại ổn định hơn.

Mọi thứ làm rất có chiêu thức và được lên kế hoạch cẩn thận, nó cẩn thận như kiểu các nhà sản xuất đã lên kế hoạch cho những reality show này vào Việt Nam. Thế nhưng, một điều ngược lại, vấn đề khủng hoảng truyền thông của các công ty truyền thông nhiều lúc trở thành đề tài “hài hước”. Họ quá chủ quan vào thực lực của mình và tầm ảnh hưởng của chương trình mà đưa ra các giải pháp tháo gỡ mang tính tình thế, nhưng không nhìn được sự cầu thị. Đa số đều là những màn kịch được che đậy và diễn lại để che mắt khán giả trung lập. The Voice là một ví dụ “mặn mà” nhất, khi truyền hình cũng trở thành lá bùa hộ mệnh để công ty sản xuất đưa những thông điệp tốt đẹp sau một scandal mà rất nhiều thông tin trong đó là sự thật sự không phải được xếp đặt hay cắt ghép như nhiều lời đồn đại.

Với những scandal hay khủng hoảng truyền thông này, vụ việc ban đầu được hiểu như một “kế hoạch nhỏ” để tăng rating của đơn vị sản xuất. Rất tiếc, “kế hoạch nhỏ” nhưng cú nổ không nhỏ, nó vang tới cả các cấp xét duyệt. Trường hợp của The Voice đã rất may mắn khi chưa bị tác động vào nội dung và giờ phát sóng. Một show về kiến thức làm người ta thấy nặng nề, phim ảnh cũng làm khán giả phải nghĩ và nhớ nội dung, thời sự thông tin trong thời kì lạm phát và quá độ đương nhiên quá nhức đầu, vậy thì xem người nổi tiếng nhảy, hát và có thể hát theo là cách giải trí đỡ tốn năng lượng suy nghĩ nhất. Việc nhập khẩu các chương trình liên quan đến âm nhạc đang trở nên ầm ĩ và làm xáo trộn đời sống văn hoá vốn đã thừa phức tạp và ấu trĩ.

“Cuộc chiến” truyền hình thực tế chưa có dấu hiệu dừng lại về chạy đua số lượng có thể là một ảnh hưởng quá tải làm khán giả thấy nhàm chán cũng như không còn tin vào chất lượng của một chương trình có format mua bản quyền quốc tế. Đó là những thứ bên lề vu vơ nho nhỏ bên cạnh các reality show kiểu “nấm sau mưa” bây giờ. Nó có thể như “chứng khoán hớt váng”, chộp được sớm thì “ăn đậm”, đi sau có thể chẳng còn váng để hớt và phải đi nhặt rác từ tâm lý chán nản của người xem.

An Ngọc

Từ khóa: