Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) vừa thay đổi Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc. Người kiêm nhiệm cả 2 chức vụ nêu trên là ông Nguyễn Đăng Thanh, một người không xa lạ trong giới tài chính. Liệu thay tướng lần này có giúp TTC Land đổi vận.
Thâu tóm từ những cú… nhảy việc
Ông Nguyễn Đăng Thanh vừa mới được cổ đông bầu vào Hội đồng quản trị TTC Land trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa qua. Ngay sau đó, ông Nguyễn Đăng Thanh được Hội đồng quản trị TTC Land tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch thay ông Phạm Điền Trung vào ngày 23/4 và kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Ít hôm sau đó, ngày 3/5, ông Nguyễn Đăng Thanh tiếp tục được Hội đồng quản trị bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc thay ông Bùi Tiến Thắng. Việc “thống lĩnh” cả 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, chứng tỏ TTC Land rất tin tưởng ông Nguyễn Đăng Thanh sẽ “lèo lái” mảng bất động sản - một trong 5 mũi nhọn của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTC Group) - công ty của gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành.
Ông Nguyễn Đăng Thanh sinh năm 1976, có bằng cử nhân của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ông Nguyễn Thanh có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính với chức Phó Tổng Giám đốc tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và Tổng Giám đốc Vietbank.
Cuối năm 2017, Vietbank tìm kiếm được người “thuyền trưởng” mới là ông Nguyễn Thanh Nhung (từng giữ chức Tổng Giám đốc Vietbank từ 2014-2016), ông Nguyễn Đăng Thanh chuyển sang đơn vị khác của Tập đoàn Hoa Lâm (công ty của gia đình bà Trần Thị Lâm).
Và từ đây, ông Nguyễn Đăng Thanh bắt đầu “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản - một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Tập đoàn Hoa Lâm. Ông Nguyễn Đăng Thanh giữ chức Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Đông Dương, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hoa Lâm.
Cuộc chơi khó đối với bất cứ “thuyền trưởng” nào
Hiện nay, trong các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, TTC Land là công ty có quy mô tương đối lớn. Vốn điều lệ của TTC Land tương đương các ông lớn trong làng bất động sản như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt và lớn hơn Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long nhưng vốn hóa thị trường lại nhỏ hơn rất nhiều so với những doanh nghiệp trên vì thị giá quá thấp.
Thị giá cổ phiếu phản ánh gần như chính xác “sức khỏe” của doanh nghiệp. Cổ phiếu SCR của TTC Land chỉ 7.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mệnh giá tới 28%. Mức giá này, SCR chỉ cao hơn DRH Holdings, Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Quân…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2018, TTC Land có tổng tài sản đạt 10.841 tỷ đồng. Tài sản tập trung nhiều ở các khoản phải thu 4.387 tỷ đồng, chiếm 40,5% tổng tài sản. Các khoản phải thu này liên quan đến công ty sân sau của cổ đông lớn - TTC Group hoặc ban lãnh đạo TTC Group như: Công ty Cổ phần May Tiến Phát (1.592 tỷ đồng), TTC Group (534 tỷ đồng), Trần Lam Thông (67 tỷ đồng)…
Hiện công ty phải dự phòng phải thu khó đòi lên tới 86 tỷ đồng. Đó là các khách hàng: Công ty TNHH Xây dựng Á Đông (36 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kinh doanh Địa ốc Việt R.E.M.A.X (50 tỷ đồng).
Đầu tư tài chính dài hạn chiếm số lượng vốn khá lớn 845 tỷ đồng nhưng lợi ích mang lại là quá ít ỏi khi phần lãi trong công ty liên kết chỉ hơn 1 tỷ đồng.
TTC Land sẽ mang lại lợi ích thật sự cho cổ đông chỉ khi nào công ty thoát khỏi “ánh hào quang” là công ty chủ chốt trong mảng bất động sản của TTC Group. Bởi vì, khi là thành viên của TTC Group, dòng vốn của công ty sẽ bị các công ty sân sau chiếm dụng vốn và kế hoạch kinh doanh bị chi phối bởi cổ đông lớn TTC Group với hàng loạt đại diện là những người đang điều hành TTC Land.
Do đó, ông Nguyễn Đăng Thanh khó lòng “đổi vận” giúp cổ phiếu SCR tăng giá. Lúc đó, SCR không thể bức phá và cổ đông của TTC Land tiếp tục sống trong năm tháng nhận cổ tức bằng “giấy”!
Dịch Phong
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng