Theo chuyên gia việc NHNN báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến hết chương trình là cần thiết, nhưng cần xem xét lại đối tượng "thu nhập thấp".
Cần cái kết có hậu cho gói 30.000 tỷ đồng…
Bên lề Hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản năm 2016” được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 23/3/2016, GS. TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: "Chúng tôi cùng giới chuyên gia đánh giá cao những thay đổi này bởi nó hợp với quy luật của thị trường và lắng nghe thị trường".
Theo các chuyên gia, gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường BĐS cần hoàn thành xứ mạng lịch sử, để lại cái kết có hậu.
Tuy nhiên, ông Võ nhấn mạnh: "Gói 30.000 tỷ đồng là gói tín dụng là chính sách an cư, được dư luận đánh giá rất cao, đặc biệt nó mang tính nhân văn của Nhà nước. Vì vậy, việc bắt đầu chính sách, thực thi rồi đến kết thúc chính sách cần có hậu, hợp lòng dân, đúng với tôn chỉ khi Chính phủ xây dựng ra gói tín dụng hỗ trợ này".
Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang phụ thuộc lớn vào 2 dòng vốn: tín dụng của hệ thống ngân hàng và vốn tự có của doanh nghiệp (DN) kết hợp vốn góp của người mua nhà.
Chính vì vậy, một chính sách tín dụng cho BĐS thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành và lĩnh vực. Chính vì thế, mỗi chính sách đưa ra, NHNN nên cân nhắc đến những ảnh hưởng, tác động và hệ quả.
Theo ông Võ, thời gian gần đây thị trường BĐS, DN và người mua nhà ở xã hội, thu nhập thấp cực kỳ hoang mang trước nhiều luồng thông tin như hết hạn cho vay gói 30.000 tỷ đồng ngày (1/6/2016), người dân có ký hợp đồng vay tiền mua nhà nhưng chưa được giải ngân sẽ chịu lãi suất vay thương mại theo Thông tư 11/2013.TT - NHNN. Thêm nữa, Thông tư 36 của NHNN có nhiều chi tiết siết chặt hoạt động tín dụng cho vay BĐS của hệ thống ngân hàng thương mại... Những thông tin nhiều chiều khiến dư luận và người dân đang rất lo lắng.
“Chúng tôi đề nghị người dân bình tĩnh trước thông tin để tránh bị ảnh hưởng của trò chơi chính sách gây thiệt hại. Các ngân hàng, chủ đầu tư nên thông tin đầy đủ đến cho người dân hiểu các chính sách liên quan đến nhà ở thương mại, căn hộ bình dân”, ông Võ khuyến cáo.
Về một số thông tin tăng lãi suất vay gói 30.000 tỷ đồng sau khi hết hạn từ 1/6/2016, ông Võ bình luận: Về luật ,người dân vẫn được quyền vay lãi suất ưu đãi trong thời hạn 15 năm, điều này được cụ thể hóa trong Thông tư số 32 sửa đổi và Thông tư 11 của NHNN áp dụng cho người mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Cụ thể, ông Võ dẫn chứng: "Tại Điều 5,của Thông tư 11 nêu rõ, lãi suất cho vay nhà ở xã hội năm 2013 là 6,5% (nay lãi suất 5%). Cứ đến tháng 12 hằng năm, NHNN sẽ công bố mức lãi suất bằng 1 nửa lãi suất vay thương mại, nhưng không vượt quá 6%. Đây là quy định để đảm bảo, người vay tiền được hưởng lãi suất ưu đãi trong suốt thời gian giải ngân".
Theo chuyên gia việc NHNN báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến hết chương trình là cần thiết, nhưng cần xem xét lại đối tượng "thu nhập thấp". (Ảnh minh họa)
…Nhưng cần xem xét lại đối tượng “thu nhập thấp”
Ngày 22/3 NHNN đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn lãi suất ưu đãi cho gói 30.000 tỷ đồng.
Trao đổi trên báo Trí thức trẻ, TS. Trần Du Lịch – Trưởng đoàn Đại biểu TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến hết chương trình là cần thiết.
“Đối tượng đã được vay rồi, trong hạn mức được vay, mà chưa giải ngân hết thì nên giải ngân tiếp cho họ. Mức lãi suất vẫn áp dụng như cam kết ban đầu, chứ dừng giải ngân giữa chừng là không nên. Vì trước đây với lãi suất như vậy thì mới dám mua nhà, nhưng giờ thay đổi giữa chừng thì có khác nào làm khó, đưa ra mức lãi suất thị trường là không được” – TS. Trần Du Lịch lý giải.
Đồng thời, vị đại biểu trên cũng cho rằng cần phải xem lại quy định trong Thông tư 11, liên quan đến việc tăng lãi suất cho những đối tượng vay gói 30.000 tỷ đồng từ sau ngày 1/6/2016. Bởi theo ông Lịch, về nguyên tắc ngay từ khi có gói hỗ trợ này, đã có cam kết hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng vay. Vấn đề này đã được quy định nên phải được thực hiện.
“Không thể cứ thay đổi chính sách và bắt người ta theo mình được. Những vấn đề này phải làm cho rõ ràng. Đã cam kết ba năm nay rồi thì phải theo quy định, chứ không thể muốn thay đổi là được” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.
Tuy nhiên, khi bình luận về gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, Đại biểu Trần Du Lịch lại cho rằng cần phải xem xét lại bởi gói 30.000 tỷ đồng ngay từ đầu, đã “có vấn đề”. Theo phân tích của vị này, cần phải tính lại đối tượng hỗ trợ của gói 30.000 tỷ đồng là ai.
Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Chúng ta không thể hỗ trợ cho thành phần thu nhập thấp được, vì thu nhập thấp không thể mua nhà. Quan điểm của tôi là Nhà nước lo làm sao cho mọi người có chỗ ở, bằng cách cho thuê giá rẻ, chứ không phải là ai cũng có được sở hữu nhà. Giờ thu nhập không ổn định thì làm sao ngân hàng cho vay mà hỗ trợ, đó là không thể”.
Dẫn chứng là với đối tượng thu nhập thấp thực sự sẽ không thể có thu nhập ổn định, nên sẽ không có ngân hàng nào “dám” cho vay để mua nhà. Vì vậy, Trưởng đoàn Đại biểu TPHCM cho rằng Nhà nước nên tập trung xây dựng nhà ở xã hội để cho các đối tượng thu nhập thấp thuê ở.
Thực tế tại nhiều nước phát triển, điển hình như Mỹ ông Lịch cũng cho rằng các nước này không khuyến khích người dân sở hữu nhà đất. Do đó, vị đại biểu này cho rằng đối tượng của gói 30.000 tỷ đồng đưa ra là không “trúng”.
Ông Lịch khuyến nghị: “Nên tính toán lại đối tượng, chính sách nhà ở xã hội là cần thiết nhưng cần xem lại đối tượng, sức cung của thị trường chứ ta không nên gượng ép nó, coi chừng sử dụng không hiệu quả và không nên bao cấp cho những đối tượng không cần bao cấp”.
Đồng thời, Đại biểu Lịch cũng chỉ ra một bất cập nữa của gói 30.000 tỷ đồng đó là việc thế chấp hai lần tài sản được hình thành trong tương lai. Cụ thể, khi triển khai dự án nhiều DN kinh doanh bất động sản, dự án đã thế chấp ngân hàng rồi, thì không thể để cho người dân thế chấp tiếp để vay vốn.
“Nhà kinh doanh địa ốc đã mang đi thế chấp rồi, giờ người đi mua lại mang đi thế chấp, nguyên tắc thế chấp 2 lần làm sao được. Những vướng đó ngay từ đầu tôi cho rằng không ổn rồi và cần phải điều chỉnh ngay từ đầu” – ông Lịch khuyến nghị.
Tuyết Mai (tổng hợp)
theo ĐSPL