Theo Sở Công Thương Bắc Giang, vụ vải thiều năm nay tuy sản lượng giảm khoảng 10.000 tấn so với năm 2012 nhưng lại được giá và tiêu thụ thuận lợi nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, vụ vải thiều năm nay tuy sản lượng giảm khoảng 10.000 tấn so với năm 2012 nhưng lại được giá và tiêu thụ thuận lợi nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Trung bình lượng vải thiều tiêu thụ tại các thị trường trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 3.900 tấn/ngày, thời điểm cao có thể đạt khoảng 5.000 tấn/ngày.
Người dân huyện Lục Ngạn chở vải đi tiêu thụ. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Dự kiến tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh năm 2013 đạt khoảng 32.000 ha, tổng sản lượng vải thiều ước đạt 140.000 tấn quả tươi, trong đó có 7.700 ha được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 36 nghìn tấn, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ngoài huyện Lục Ngạn có diện tích và sản lượng thu hoạch lớn nhất tỉnh (ước đạt 70.000 tấn), các huyện khác cũng đạt cao như huyện Lục Nam 36.000 tấn, huyện Yên Thế 15.000 tấn, huyện Tân Yên 8.000 tấn...). Sản lượng vải sớm toàn tỉnh đạt khoảng 27.000 tấn, sản lượng vải muộn (vải chính vụ, dự kiến thời gian thu hoạch từ ngày 15/6 đến 20/7/2013) khoảng 113.000 tấn và dự kiến, vụ vải thiều năm 2013 của Bắc Giang sẽ kết thúc vào khoảng giữa tháng 7/2013.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có khoảng 400 điểm thu mua vải thiều tập trung, hàng ngàn xe container, xe lạnh tập trung về thu mua vải thiều nhưng không xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Bên cạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vải thiều còn được sấy khô, làm nguyên liệu sản xuất rượu vang hàng ngàn tấn.
Để phục vụ việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều, nhiều ngành dịch vụ khác như sản xuất đá cây, sản xuất bao bì… cũng phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng chục ngàn lao động.
Tại huyện Lục Ngạn, có 51 cơ sở sản xuất đá cây trong đó 35 cơ sở quy mô lớn (có trạm biến áp riêng), công suất khoảng 500-1.000 cây đá/mẻ, đảm bảo nguồn đá phục vụ vận chuyển vải thiều đi tiêu thụ. Giá đá cây dao động từ 35.000-40.000 đồng/cây (tăng gấp đôi so với đầu vụ), những ngày mất điện đá cây lên đến 65.000 đồng/cây, thùng xốp loại 20-22 kg giá khoảng 50.000 đồng/thùng.
Ngoài thị trường tiêu thụ trong nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, vải thiều Bắc Giang còn được xuất sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn ước khoảng 2.000 tấn mỗi ngày.
Vào thời điểm hiện nay, giá vải thiều tuy có giảm hơn so với đầu vụ nhưng vẫn được coi là được giá như: vải Lục Ngạn loại I giá 20.000-26.000 đồng/kg; loại II giá từ 15.000-20.000 đồng/kg; loại III từ 9.000-10.000 đồng/kg; giá vải thiều tại các huyện khác loại I từ 15.000-18.000 đồng/kg; loại II từ 12.000-14.000 đồng/kg; loại III từ 8.000-10.000 đồng/kg.
Chị Phạm Thị Dung, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phúc Thịnh cho biết, do nông dân sản xuất theo quy trình sạch nên lượng tiêu thụ và giá tăng mạnh. Công ty phải cử người trực tiếp xuống các huyện đóng hàng theo đúng tiêu chuẩn của bạn đặt hàng. Những lô hàng bảo quản lạnh tốt được xuất sâu vào nội địa Trung Quốc với giá 9 NDT/kg. Trong dịp Tết Đoan Ngọ (5/5) vừa qua, nhu cầu vải của nước bạn tăng đột ngột khiến nhiều chủ hàng kinh doanh vải thiều bị động. “Có thể nói đây là một bài học về thời cơ trong kinh doanh,” chị Dung tâm sự.
Năm 2012, tổng diện tích vải thiều của Bắc Giang khoảng 34.000 ha, sản lượng toàn tỉnh đạt khoảng 150.000 tấn. Vải thiều chính vụ thu hoạch từ 15/6-15/7/2012. Tiêu thụ nội địa đạt khoảng 90.000 tấn (60% sản lượng); xuất khẩu khoảng 60.000 tấn. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc (chiếm 95%), còn lại là thị trường Campuchia, Lào , Australia , các nước châu Âu.
theo TTXVN