Sự kiện hot
12 năm trước

Vải thiều chính vụ Bắc Giang: Méo mặt vì “chiêu trò” của thương lái Trung Quốc

Dantin - Sẵn sàng “phá giá” để “ăn” hàng, nhưng khi nắm lợi thế trong tay, này ngay lập tức họ dừng mua để ép giá. Cách làm đó của các thương nhân Trung Quốc đã nhiều lần khiến những điểm thu mua, cũng như người nông dân trồng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Dantin - Sẵn sàng “phá giá” để “ăn” hàng, nhưng khi nắm lợi thế trong tay, này ngay lập tức họ dừng mua để ép giá. Cách làm đó của các thương nhân Trung Quốc đã nhiều lần khiến những điểm thu mua, cũng như người nông dân trồng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Đã khá lâu rồi người trồng vải Lục Ngạn mới có một vụ mùa được giá như năm nay. Từ đầu vụ đến nay, giá vải “bình dân” luôn dao động từ 14 – 16.000 đồng/kg. Riêng loại vải đẹp thì luôn được các thương lái chào mua với giá từ 21 – 25.000 đồng/kg. Thậm chí, vải xấu, vải rụng cũng được thu mua từ 8000 – 12.000 đồng/kg. Với giá vải như thế, trung bình mỗi gia đình trồng vải ở Lục Ngạn cũng có thu nhập ít nhất từ 25 – 30 triệu đồng.


Các điểm thu mua vải của thương lái Trung Quốc lúc nào cũng đông người bán.

Thua ngay trên “sân nhà”

Trái ngược với tâm trạng người trồng vải Lục Ngạn, các thương lái vải người Việt đang trải qua một mùa làm ăn thực sự khó khăn. Trong những năm trước, dù giá vải biến động theo chiều hướng nào, những thương nhân buôn vải cũng luôn có cách vượt qua. Tuy nhiên, bước vào mùa vải năm nay, sự có mặt của những lái buôn vải Trung Quốc tại Lục Ngạn đang khiến “con đường làm ăn” của thương lái Việt gặp khó. Cụ thể, những lái buôn Trung Quốc sẵn sàng trả cao hơn từ 2 – 3 giá để gom hàng.

Anh Trần Văn Tuế, một thương lái vải tại phố Sàn (ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết, trong quá trình thu gom vải, thương lái Trung Quốc đến Lục Ngạn trước khi mùa vải bắt đầu hàng tháng trời. Họ sẵn sàng thuê lại cửa hàng của người Việt với giá cao làm nơi thu mua vải. Để “xí phần”, nhiều thương lái Trung Quốc đã thuê người Việt Nam để đến tận các vườn vải đặt giá cao trước với chủ vườn.

Với những chủ vườn ở xa, khi xe chở vải xuất hiện, ngay lập tức sẽ có một đội ngũ “chim mồi” xuất hiện chèo kéo vào nơi thu mua của người Trung Quốc để làm giá. Nếu hai bên đồng thuận, vải sẽ được đem lên cân, tiền giao ngay lập tức. “Địa điểm họ chọn làm chỗ thu mua vải phải rộng, ở trung tâm và phải thuận tiện giao thông. Chỗ nào ưng ý, họ sẵn sàng trả giá cao hơn lái vải “nội” để thuê bằng được. Chưa hết, giá vải cũng được lái buôn Trung Quốc chào mua với giá cao ngất ngưởng từ 21 – 25.000 đồng/kg. Trong khi đó với chúng tôi, vải đẹp nhất cũng chỉ có thể trả tới giá 18.000 đồng/kg là hết cỡ. Nếu trả cao hơn, chắc chắn chúng tôi sẽ không có lãi. Còn người trồng vải, ai trả cao thì họ bán”, anh Tuế cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Tuế, mặc dù trả giá cao nhưng các lái buôn Trung Quốc lại rất khắt khe khi chọn vải. Vải họ mua luôn phải to, mọng, chín đều, hình thức đẹp. Còn nếu gặp lô vải nào mãn nhãn, họ sẵn sàng chào mua với giá lên tới 30.000 đồng/kg. Chính cách làm này khiến lái buôn Việt Nam không chỉ thua thiệt về nguồn hàng thu mua mà chất lượng vải cũng bị ảnh hưởng. Anh Tuế cho hay, điểm thu mua của gia đình anh tại phố Kim luôn đạt gần 25 – 30 tấn/ngày và ngày nào cũng xuất được 2 xe tải trọng lớn đi tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam. Sang vụ vải năm nay, sản lượng giảm đến hơn 1/3. Và phải mất chừng hai ngày thì gia đình anh mới gom đủ hàng để xuất đi một lần, không những thế chất lượng vải cũng kém hơn mọi năm.

Còn tại trung tâm thị trấn Kim (huyện Lục Ngạn), một cửa hàng treo biển hiệu “Đại lý L.H” được một thương nhân Trung Quốc thuê là nơi thu mua vải thiều thì lúc nào cũng đông nghịt người ra vào. Trong cửa hiệu, một đống vải lớn đang được đóng gói vào thùng xốp để đưa vào kho đông lạnh. Ngay bên cạnh, “Đại lý D.T” của một lái buôn vải người Việt lại gần như không hoạt động. Anh Tuyên, nhân viên thu mua vải của “Đại lý D.T” cho biết, cơ sở của anh phải ngừng hoạt động hai ngày vì không có vải để mua. Hiện cơ sở này phải “lách” sang mua vải rụng và vải sấy để có hàng xuất đi, tuy nhiên lượng vải mua được cũng không đáng kể. “Chúng tôi duy trì hoạt động thêm khoảng một tuần nữa. Nếu không có gì khả quan thì sẽ đóng cửa, thôi không thu mua nữa”, anh Tuyên khẳng định.

Những chiêu trò “ép giá”


Vải thiều Lục Ngạn được làm sạch rồi đóng gói nilon có đá, trước khi vận chuyển.

Khi chúng tôi đang chụp hình cảnh mua bán vải ở một cơ sở của thương lái Trung Quốc tại một cửa hàng ở trung tâm thị trấn Chũ, thì một thanh niên từ cửa hàng này chạy ra giục: “Chụp gì thì chụp nhanh lên. Một lúc nữa mà họ ngừng mua lại không có gì chụp đâu”. Hoá ra đó là một lao động người Việt được lái buôn Trung Quốc thuê để cân vải. Anh này cho biết, “ông chủ” Trung Quốc chỉ đạo chỉ thu mua vải đến gần 11g trưa. Chúng tôi hỏi nguyên nhân tại sao thì anh này lí nhí, nói cụt ngủn: “Cứ đợi thêm 15 phút nữa là biết”. Chúng tôi quyết định chọn quán nước gần đó chờ xem diễn biến mới.

Quả thật, khi đổng hồ chỉ đúng 11 giờ trưa, một phụ nữ người Việt từ trong cửa hàng chạy ra thông báo “Ngừng mua vải”. Hàng chục chủ vườn với những chiếc sọt chở cả tạ vải thiều đang đợi trước cửa hàng sững sờ. Phía lái buôn Trung Quốc giải thích rằng lượng vải họ thu mua từ sáng đã đủ và họ phải dừng mua để đóng gói lô vải trong cửa hàng cho vào kho lạnh bảo quản. Vừa nghe thông báo, anh Trần Văn Nhân, người xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn) đem vải đi bán, bức xúc nói với chúng tôi: “Làm ăn kiểu này thì bằng giết người à. Đợi gần tiếng đồng hồ, sắp tới lượt được cân vải rồi thì lại nói không mua nữa là sao. Trưa nắng thế này chi cần đôi tiếng đồng hồ nữa là vải héo hết”. Chứng kiến cảnh tượng này, nhóm người mua vải cũng nhao nhao lên. Và họ quyết định đợi thêm với hy vọng lái buôn Trung Quốc sẽ mua thêm.

11 giờ 30 phút, vẫn người phụ nữ lúc trước chạy ra thông báo sẽ đồng ý mua thêm vải với điều kiện người bán vải phải giảm giá. Mức giá mà phía lái buôn Trung Quốc đưa ra là 18.000 đồng/kg (trong khi đó, mức giá thu mua vải cũng của cửa hàng này vào buổi sáng là từ 21 – 25.000 đồng/kg). Thấy vậy, nhiều người dân bán vải bức xúc hỏi lý do giảm giá, thì phía lái buôn trả lời rằng: “Kho chứa hết chỗ, số vải mua thêm sẽ không có chỗ bảo quản nên chất lượng sẽ bị giảm. Do vậy mà giá mua vải cũng phải giảm theo”.

11 giờ 50 phút, trước cửa hàng vẫn còn gần 20 xe vải xếp hàng dài đứng đợi… Sợ vải bị hỏng, một số chủ vườn quyết định bán toàn bộ số vải thiều này với giá 18.000 đồng/kg. Còn một số người sau khi chạy đi tìm chỗ thu mua khác không có kết quả cũng quyết định quay lại bán cho lái buôn Trung Quốc này. “Tôi chạy đi mấy chỗ khác nhưng họ cũng bảo chỉ mua với giá 16 – 17.000 đồng/kg thôi. Còn các lái buôn Việt Nam thì vẫn chê đắt đành bán đại cho xong”, một người đàn ông chở xe vải ngất ngưởng vừa chạy tới cửa hàng phàn nàn.

Ông Đặng Trung Thành, chủ vườn vải rộng 8 hecta tại làng Trại 1, xã Phương Sơn cho biết, chuyện các thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua để ép giá, vốn xảy ra như “cơm bữa” ở thị trấn Chũ. Cũng theo ông Thành, lý do mà thương lái Trung Quốc đưa ra để lý giải cho việc ngừng mua vải đột ngột, là mua đủ hàng hoặc hết chỗ chứa hàng chỉ đúng một phần. Có nhiều nơi dù vẫn có thể mua thêm nhưng khi nhận được “tín hiệu” ngừng mua cũng lập tức dừng. “Một số người ở xa, không hiểu được chiêu trò này nên đành phải chấp nhận bán với giá thấp. Chúng tôi ở gần và cũng “dính” nhiều lần nên cũng biết được “quy luật” của họ. Thường thì cứ 2 – 3 hôm họ lại “giở trò” một lần. Hoặc nếu hôm nào họ mua ồ ạt, với giá cao thì chắc chắn sang ngày hôm sau họ sẽ ngừng mua sớm. Vì họ biết tâm lý của người nông dân, thấy giá cao sẽ thi nhau vặt vải đi bán cho được giá. Lúc đó họ sẽ ép giá. Mà khi vải thiều đã hái xuống rồi thì, đắt rẻ bằng giá nào cũng phải bán trong ngày, nếu không muốn đem đổ ra sông”, ông Thành tiết lộ.

Đối với ông Thành, ông chọn cách đi bền vững hơn là bán vải cho những mối quen, giữ uy tín và đảm bảo đầu ra an toàn. “Bán cho lái buôn Trung Quốc được giá nhưng không bền vững. Họ luôn có nhiều chiêu trò để ép giá. Nếu không tỉnh táo thì nông dân mình vẫn là người thiệt thòi nhất”, ông Thành tâm sự.

Hồ Giám.

Từ khóa: