Sự kiện hot
12 năm trước

Vàng... non ai phân xử?

Vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thế nhưng đến nay mặt hàng này vẫn chưa được quản lý chặt chẽ.

Vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, thế nhưng đến nay mặt hàng này vẫn chưa được quản lý chặt chẽ.

Đây chính là kẽ hở để các đơn vị kinh doanh vàng nữ trang lợi dụng buôn bán vàng kém chất lượng. Khi người tiêu dùng phát hiện, khiếu kiện lại không nơi nào nhận giải quyết.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cho biết, chị N.M.L ngụ tại quận 9, TP. Hồ Chí Minh, có đơn nhờ Hội bảo vệ quyền lợi khi phát hiện mình mua vàng trang sức có thương hiệu Charmés của Công ty TNHH IVI tại Dimond Plaza. Theo trình bày của chị N.M.L, là một người mê sưu tầm nữ trang, tính từ năm 2009 đến nay, chị đã sưu tập gần 40 món trang sức của IVI trị giá gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, chị thấy một số món hàng đeo vào được thời gian là bị xỉn màu và gây ngứa khi sử dụng. Đem đi xi lại, các sản phẩm này vẫn bị đen.

Chị N.M.L đã mang 34 mẫu sản phẩm nữ trang đã mua của Công ty IVI đi kiểm định ở ACB Gold theo phương pháp huỳnh quang tia X để xác định hàm lượng vàng. Điều bất ngờ, hầu hết những mẫu trang sức này đều kém chất lượng và không đủ tuổi, mất đến từ 4 - 34% hàm lượng vàng, thậm chí đồng nhiều hơn vàng.

Trước đó, chị cũng đã mang số nữ trang này đi kiểm định tại Công ty TNHH nữ trang Như Lam (quận 5) và cũng cho kết quả tương tự. Bức xúc vì đơn vị kinh doanh gian lận, chị đã yêu cầu Công ty IVI thu hồi toàn bộ sản phẩm và hoàn trả lại tiền. Tuy nhiên, đơn vị này đã không đồng ý.

Theo đó, chị đã gửi đơn khiếu nại lên UBND TP. Hồ Chí Minh và Sở Khoa học & Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, nhưng cả 2 nơi này đều không thể giải quyết vụ việc dù tháng 3 vừa qua, UBND thành phố đã có cuộc họp khẩn đề nghị Sở KH&CN vào cuộc


Kinh doanh vàng trang sức phải có giấy phép đăng ký

Luật gia Phan Thị Việt Thu cho hay, Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã 3 lần gửi thư mời cho Công ty IVI đến gặp người tiêu dùng để hòa giải, nhưng cả 3 lần Công ty IVI từ chối với nhiều lý do. Trước sự không thiện chí và bất hợp tác của đơn vị này, ngày 23/5, Hội đã hướng dẫn chị N.M.L tiến hành khởi kiện vụ việc ra tòa theo quy định của pháp luật.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh nhận được đơn khiếu nại về vàng nữ trang kém chất lượng. Tuy nhiên, theo luật gia Phan Thị Việt Thu, hầu hết vụ việc khiếu nại tương tự  đều không thể giải quyết được.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Dưng thừa nhận: Tình trạng thả nổi quản lý chất lượng vàng nữ trang, vàng trang sức kém chất lượng được đưa ra thị trường ngày càng nhiều, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nguyên nhân chính theo ông Dưng, để cạnh tranh nhau, các đơn vị kinh doanh vàng cho ra những sản phẩm kém chất lượng, bị hạ tuổi vàng, bị độn lót bên trong để lừa dối người tiêu dùng.

Cũng theo ông Dưng, giá của một món trang sức tại thị trường Việt Nam được tính dựa trên các yếu tố: Tuổi vàng, trọng lượng, tiền công thợ và một số chi phí hao hụt trong pha chế, chế tác và phụ liệu. Vì vậy, mỗi nơi bán ra một sản phẩm trang sức tự hạch toán phần hao phí này mỗi khác, làm cho người tiêu dùng rất mơ hồ và nghi vấn.

Để người dân không phải mua các sản phẩm vàng kém chất lượng, cần thiết phải có một trung tâm kiểm định thứ ba kiểm định chất lượng vàng. Đây là cơ sở để tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua vàng nữ trang, dựa trên căn cứ tất cả các sản phẩm nữ trang đưa ra thị trường được công ty kiểm định vàng độc lập kiểm định và đóng dấu.

Được biết, đến nay cả nước vẫn chưa có đơn vị nào được chỉ định chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng vàng nữ trang. Khi xảy ra tình trạng vàng nữ trang kém chất lượng, cần kiểm định lại như trường hợp của chị N.M.L, không đơn vị quản lý nào có thẩm quyền giải quyết. Đây là điều khá bất ngờ và gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012, về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012 quy định vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.

Mặt khác, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp được thực hiện gia công cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và phải có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, kinh doanh vàng nữ trang là ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các mặt hàng lưu thông đều phải đăng ký chất lượng và theo đó, doanh nghiệp (DN) vàng phải hoàn tất việc xin lại giấy phép đăng ký doanh do Ngân hàng Nhà nước địa phương cấp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, mới chỉ có khoảng 40/3.000 DN vàng được cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất vàng nữ trang. Số các DN vàng chưa hoàn tất việc xin lại giấy phép đăng ký doanh cũng đưa ra lý do chưa đổi giấy phép kinh doanh do ngại gặp rắc rối về thủ tục. Liệu đây có là lý do chính đáng khi mà Nghị định 24 có hiệu lực đã một năm. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng cần có biện pháp trong trường hợp này. Bởi chậm một ngày rất có thể thêm nhiều người khác trở thành nạn nhân của vàng… non.

Được biết, các lý do vì sao DN vàng chậm đổi lại giấy phép kinh doanh đã được NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh kiến nghị vấn đề này lên NHNN, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Vì vậy NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này vẫn tiếp tục yêu cầu các các quận, huyện, Sở Kế hoạch - Đầu tư và các Hiệp hội ngành nghề hối thúc các DN, tiệm vàng nhanh chóng làm thủ tục chuyển đổi giấy phép kinh doanh. Nếu trong quá trình thanh kiểm tra, phát hiện các DN, tiệm vàng không xin giấy phép của NHNN mà vẫn tiếp tục sản xuất sẽ bị xử phạt theo quy định.

Hải Yến
theo Thanh tra

Từ khóa: