Theo chân “vàng tặc”
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp theo chân anh Nguyễn Văn N cùng nhóm đào đãi vàng xóm Phượng Sồ (xã Tân Thành huyện Lương Sơn, Hòa Bình) đến khu suối đồi Ấm. Đường vào suối rất khó đi với những ụ đá mấp mô, những đống cát, sỏi đồ sộ và bao chiếc hố sâu hoắm (hậu quả của việc khai thác vàng để lại). Điểm khai thác của nhóm anh N chạy dọc theo con suối khoảng 1km, đang được đào dở, xung quanh là những đoạn suối với vô khối đá sỏi lổm nhổm do các vàng tặc để lại.
Công trường khai thác của công ty TNHH Lộc Thành Hưng
Cách đó không xa cũng có vài ba nhóm thợ khác đang hì hục đào bới. Mỗi nhóm có từ 3-7 người tùy theo hố đào nông hay sâu, rộng hay hẹp. Họ ngăn suối thành từng đoạn, chuyển hướng dòng nước để việc khai thác được dễ dàng hơn. Theo anh N, việc khai thác trên suối cũng chỉ thực hiện được khi mùa mưa chưa tới. Dụng cụ khai thác vàng khá lỉnh kỉnh, bao gồm: máy nổ dùng để hút nước, cuốc, xẻng, xà beng, máng gỗ, gầu hót chuyên dụng dùng để chuyền đất, máy phát điện.
Sau khi đổ bộ đến đồi Ấm, nhóm người của anh N bắt đầu dựng lán trại, rồi đào xuyên sâu vào lòng đất, lấy đất, đá ra, gạn đãi dưới lòng suối rồi phân kim. Khu vực Đồi ấm bỗng chốc biến thành công trường đào đãi vàng với ngổn ngang đất đá, hầm hào, lán trại, tiếng máy nổ gầm rú. Tận mắt chứng kiến cảnh dòng suối trong xanh bỗng chốc trở nên đỏ quạch và sự cày, xéo của từng đoàn người vẫn ngày đêm đào bới tìm kiếm vận may, tôi chợt nghĩ đằng sau những cơn sốt đào đãi vàng là hiểm họa ập đến trong đời sống sản xuất của cư dân địa phương khi rừng bị tàn phá, tình trạng xói mòn, sạt lở núi sẽ xảy ra khi mùa mưa lũ đến. Đó là chưa kể đến việc những nhóm đào đãi vàng sử dụng hóa chất để phân kim gây ô nhiễm môi trường nước và đất trong khu vực.
“Vàng tặc" núp bóng doanh nghiệp?
Qua làm việc với PV Người đưa tin, đại diện Phòng TN&MT huyện Lương Sơn và lãnh đạo UBND xã Tân Thành chúng tôi được biết, trên địa bàn huyện có một số công ty đã được cấp phép khai thác và thăm dò khoáng sản. Tuy nhiên, từ sau khi có nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 8/9/2011 của Chính Phủ, yêu cầu các địa phương tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước thì UBND tỉnh Hòa Bình chưa chính thức cấp phép cho doanh nghiệp nào khai thác mỏ, khoáng sản tại đây. Theo ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch xã Tân Thành) thì UBND huyện thường xuyên phối hợp với UBND xã tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát tình hình thực tế các công ty khai thác tài nguyên trên địa bàn và không thấy có dấu hiệu vi phạm.
Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Phòng TN&MT huyện Lương Sơn và lãnh đạo UBND xã đến Công ty TNHH Lộc Thành Hưng (xã Tân Thành). Ông Đinh Mạnh Đông (Phó phòng TNMT huyện Lương Sơn) cho biết: Công ty này được cấp phép khai thác vàng từ năm 2007, với hình thức khai thác theo phương pháp hầm mỏ nhưng do công ty thực hiện phương pháp khai thác lộ thiên và chưa đáp ứng được những quy định đảm bảo an toàn trong việc bảo vệ môi trường nên chính quyền yêu cầu công ty dừng hoạt động. Chúng tôi không thể liên lạc được với người đứng đầu công ty vì lý do lãnh đạo đi công tác xa.
Người duy nhất chúng tôi có thể gặp tại Công ty TNHH Lộc Thành Hưng ở đây là ông Nguyễn Văn Phước (nhân viên thủ kho) . Ông Phước cho biết: Công ty TNHH Lộc Thành Hưng được cấp phép khai thác vàng trên diện tích 17 ha, hệ thống dây chuyền tuyển quặng nhập từ Trung Quốc đã được lắp ráp, cơ sở vật chất đã được xây dựng nhưng vì chưa có nước, chưa có điện nên không thể làm việc. Hiện công ty đã tạm dừng hoạt động một năm nay và đang chờ cấp phép chuyển quặng đến một địa điểm khác để tuyển quặng. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế, khu vực khai thác của công ty nằm ngay cạnh dòng suối Đồi Ấm.
Điều đáng chú ý là công ty chỉ được khai thác theo phương pháp hầm mỏ và đang chờ cấp phép nhưng hệ thống máy của công ty vẫn đang hoạt động. Tiếng máy xúc, máy ủi ầm ầm nổ, từng lớp đất đồi được múc ra (chờ ngày được cấp phép và tuyển quặng?). Vấn đề khó giải thích hơn nữa là hàng ngày các công nhân của công ty vẫn làm việc, các máy xúc vẫn hoạt động hết công suất và theo quan sát của chúng tôi, diện tích đất đã khai thác không hề nhỏ nhưng số vật liệu tập kết lại tuyệt nhiên không thấy. Không hiểu hàng trăm m3 đất đá được xúc ra đã có cánh bay đi đâu?
Trần Hải
theo Người đưa tin