Sự kiện hot
13 năm trước

Vàng vẫn là “vịnh tránh bão” của giới đầu tư

Phiên giao dịch đêm qua (7/12), giá vàng giao sau trên thị trường thế giới tăng gần 1%, khi nhà đầu tư xem đây là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh những lo ngại về Khu vực đồng Euro ngày một dâng cao.

Phiên giao dịch đêm qua (7/12), giá vàng giao sau trên thị trường thế giới tăng gần 1%, khi nhà đầu tư xem đây là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh những lo ngại về Khu vực đồng Euro ngày một dâng cao.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới bấp bênh như hiện tại.

Cụ thể, giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex ở New York tăng 13 USD/ounce, tương ứng 0,8%, lên 1.744,80 USD/ounce. Biên độ giao dịch trong ngày từ 1.723,6 – 1.747 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng 11 USD/ounce.

Kênh đầu tư an toàn

Việc vàng tăng giá trở lại sau vài phiên liên tiếp sụt giảm, cho thấy nhà đầu tư bắt đầu trở lại với niềm tin rằng đây là kênh đầu tư an toàn trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang bấp bênh trước những tin tức bất lợi từ châu Âu.

Hãng tin CNBC dẫn số liệu của Birinyi Associates cho biết, nhà đầu tư Mỹ đã đổ khoản tiền trị giá lên tới 3,6 tỷ USD vào các quỹ ETF vàng trong tháng 11, cao gấp 4 lần so với số tiền 813 triệu USD đầu tư trong tháng 10.

Theo Michael Block thuộc Phoenix Partners Group, “vàng sắp trở thành tài sản rất phổ biến, bởi nếu châu Âu được cứu, ECB sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp in tiền và các giao dịch dựa trên tình hình lạm phát sẽ xuất hiện trở lại”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Brian Stutland tại Stutland Equities cho rằng, “mọi người đang chuộng vàng vì đó là niềm tin và cũng có thể là sự thật rằng biện pháp duy nhất để giải quyết tình hình tài chính toàn cầu là in thêm tiền”.

Còn theo nhà đầu tư Philip Pearlman của StockTwits.com, “nhà đầu tư đang thích vàng vì các đồng tiền toàn cầu mất giá nghiêm trọng và vàng đã đem lại phần thưởng xứng đáng cho nhà đầu tư với 10 năm tăng giá liên tiếp”.

Trước đó, Lin Che Wei, Công ty tư vấn và nghiên cứu tài chính độc lập (IRAI) của Indonesia, cũng cho rằng, vàng vẫn là công cụ đầu tư phổ biến nhất, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bấp bênh như hiện nay.

Ông Wei cho rằng, vàng sẽ trở thành công cụ đầu tư thuận lợi nhất, giá của nó tiếp tục xu hướng đi lên. Ông dự đoán giá vàng sẽ ở mức 1.700 USD/ ounce trong quý 1/2012, trước khi tăng lên 2.000 USD/ounce trong quý sau đó.

Không giống như cổ phiếu hoặc trái phiếu, sự giảm giá vàng thường diễn ra dần dần, cho phép các nhà đầu tư có nhiều thời gian để cắt lỗ, trong khi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu còn phải mất một khoảng thời gian dài.

Cắt giảm viện trợ

Hôm qua, Cao ủy phụ trách phát triển của Liên minh châu Âu, Andris Piebalgs cho hay, Ủy ban châu Âu quyết định kể từ năm 2014 sẽ cắt viện trợ cho 19 nền kinh tế đang phát triển, trong đó bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
 
Ông Andris Piebalgs nói quyết định này nhằm mang lại "một sự thay đổi trong quan hệ giữa chúng tôi với các nước đang phát triển và cho thấy sự tập trung viện trợ cho các quốc gia nghèo nhất" trong thời gian từ 2014 đến 2020.
 
Liên minh châu Âu hiện là đối tác tài trợ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% tổng số vốn tài trợ toàn cầu đạt tới 53,8 tỷ Euro (72 tỷ USD) trong năm ngoái. Ủy ban châu Âu quản lý khoảng 20% số tài trợ này, khoảng 11 tỷ Euro.
 
Hạ bậc EU, giữ nguyên Trung Quốc

Hôm qua, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đưa xếp hạng tín nhiệm dài hạn AAA của Liên minh châu Âu (EU) vào diện xem xét hạ bậc. S&P cho biết, điều này có thể xảy ra nếu 1 thành viên EU bị rơi khỏi bậc AAA.

Bên cạnh đó, S&P cũng đưa xếp hạng tín nhiệm của một loạt nhà băng như BNP Paribas, Commerzbank, Societe Generale, Credit Agricole, Deutsche Bank và nhiều ngân hàng châu Âu khác vào “tầm ngắm” xem xét hạ bậc tín dụng.

Khác với châu Âu, S&P có vẻ ưu ái hơn với Trung Quốc. Tổ chức này trước đó một ngày tuyên bố giữ nguyên mức đánh giá đối với Trung Quốc. Động thái được cho là củng cố thêm sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo S&P, nhân tố chính giúp Trung Quốc là "triển vọng tăng trưởng khác thường" cùng "nợ chính phủ thấp". Các bậc dài hạn "AA-" và ngắn hạn "A-1+" hiện của Trung Quốc chỉ còn kém mỗi thứ hạng cao nhất "AAA" của S&P.

Tuy nhiên, bất chấp việc S&P giữ nguyên mức đánh giá tín dụng đối với Trung Quốc, song các lãnh đạo hàng đầu và chuyên gia kinh tế đang ngày càng lo ngại rằng cường quốc kinh tế châu Á này đang mất dần động lực tăng trưởng.

Lớn nhất Đông Nam Á

Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) Ito Warsito cho biết, IDX đặt mục tiêu tăng gấp đôi giá trị vốn hóa thị trường của mình để trở thành thị trường chứng khoán lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2015.

Theo kế hoạch, IDX sẽ nâng vốn hóa thị trường của mình, từ mức mục tiêu 380 tỷ USD năm 2011 lên 750 tỷ USD vào năm 2015. Ông Ito nói rằng, vốn hóa lớn hơn sẽ giúp Indonesia dễ dàng thu hút nhiều hơn các nhà quản lý quỹ toàn cầu.

Hiện IDX có mức vốn hóa thị trường 371 tỷ USD, đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau hai thị trường chứng khoán Singapore và Malaysia với các mức tương ứng là 478 tỷ USD và 388 tỷ USD.

Cũng liên quan tới Indonesia, chính phủ nước này đồng ý đề xuất của ngân hàng trung ương về việc loại bỏ bớt ba số không trong hệ thống các loại mệnh giá tiền rupiah (Rp) hiện hành, song giá trị thanh toán vẫn được giữ nguyên.

Theo đó, chẳng hạn loại tiền có ghi mệnh giá 1.000 Rp sẽ trở thành 1 Rp, nhưng giá trị vẫn là 1.000 Rp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia cho biết, sang năm 2012 chính phủ sẽ trình một dự thảo luật lên Hạ viện về vấn đề nói trên.

Dự thảo luật mà Ngân hàng Trung ương Indonesia xây dựng, khi được chính thức thông qua, sẽ mất 10 năm để triển khai gồm 4 giai đoạn khác nhau, nhằm mục tiêu giảm thiểu các rối loạn có thể xảy ra trong xã hội nước này.

Hồng Ngọc
Theo VnEconomy

Từ khóa: