Sự kiện hot
13 năm trước

Vào mùa kinh doanh hàng điện lạnh: hàng ít, giá tăng

Mới bước vào mùa nắng nóng, nhóm sản phẩm máy lạnh inverter đã khan hiếm, không phải do sức mua, mà do thua lỗ trong năm 2011, nên năm nay nhiều hãng sản xuất đã giảm lượng hàng, như: Reetech, Kamachi, TCL, Haier…

Mới bước vào mùa nắng nóng, nhóm sản phẩm máy lạnh inverter đã khan hiếm, không phải do sức mua, mà do thua lỗ trong năm 2011, nên năm nay nhiều hãng sản xuất đã giảm lượng hàng, như: Reetech, Kamachi, TCL, Haier…

Trời nóng vài ngày qua đang hâm nóng thị trường máy lạnh. Ảnh: Hồng Thái

Ông Nguyễn Trung Dũng, giám đốc thương mại của công ty Intimex, nhận xét: “Theo tôi, mùa nóng năm nay sẽ ít hàng máy lạnh. Nhiều nhóm hàng như máy lạnh tích hợp công nghệ inverter (có chức năng tiết kiệm điện) sẽ có số lượng khá hạn chế và nhiều nhãn hàng sẽ không còn xuất hiện trên thị trường. Vì thua lỗ ở năm 2011 nên bước sang năm 2012, nhiều nhà sản xuất và nhà bán lẻ hàng điện lạnh đã thận trọng hơn khi sản xuất và nhập hàng”.

Giá tăng

Các nhà sản xuất linh kiện và lắp ráp máy lạnh tại Thái Lan, theo đánh giá của các hãng bảo hiểm, do ảnh hưởng từ trận lụt năm ngoái nên sản xuất cầm chừng. Nhiều chi tiết quan trọng của máy lạnh đang thiếu trầm trọng, trong đó có chip cảm biến inverter cho các dòng máy lạnh 1HP. Quan sát trên thị trường, dòng máy lạnh thường (non-inverter) còn khá nhiều hàng với nhiều thương hiệu khác nhau, như: Toshiba, Panasonic, Daikin, Sanyo, Sharp… Trong khi đó, dòng máy lạnh inverter chỉ còn hàng của một vài hãng như Daikin, Mitsubishi, LG, Samsung…

Năm 2011, nhiều nhà bán lẻ hàng điện máy và nhà sản xuất hàng điện lạnh trong và ngoài nước ồ ạt trữ hàng, tung sản phẩm. Nhưng mùa mưa đến sớm, kinh tế khó khăn khiến sản phẩm tồn kho. Theo số liệu thống kê của hãng nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, năm 2011, lượng hàng máy lạnh bán ra là 824.000 chiếc, giảm khoảng 200.000 chiếc so với năm 2010.

Giá nhóm hàng máy lạnh, tủ lạnh của năm 2012 được dự báo tăng mạnh, từ 10 – 15% so với khung giá năm 2011. Việc tăng giá nhóm hàng này, theo các nhà bán lẻ sẽ được tăng thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là hiện nay nhóm hàng này đã tăng từ 8 – 12%. “Vào lúc cao điểm (dự kiến là giữa tháng 4 cho đến giữa tháng 5), nhóm hàng này sẽ tăng thêm từ 2 – 3%, vì lúc đó hàng khan hiếm”, một nhà bán lẻ tiết lộ. Theo nhà bán lẻ này, việc tăng giá phải chia thành hai kỳ là chiêu thức kinh doanh để bán được hàng, không muốn tạo sức ép lên người tiêu dùng với những phản ứng tiêu cực trên thị trường.

Khó bán hàng

Ông Liên An Thạch, giám đốc kinh doanh của hệ thống điện máy Chợ Lớn cho biết, cuối tháng 3, đầu tháng 4.2011, thị trường máy lạnh mới bắt đầu chuyển động. Nhưng năm nay, từ đầu tháng 3, các nhà bán lẻ đã bắt đầu làm chương trình bán hàng. “Năm ngoái mùa mưa đến sớm, còn năm nay mùa nắng đến sớm nên hy vọng bán được máy lạnh”, ông Thạch hy vọng.

Năm nay giá điện tăng, cung điện không đủ, là những nguyên nhân để người tiêu dùng cân nhắc có nên mua hàng điện lạnh hay không. Ảnh: Trần Việt Đức

Nắng nóng đến, có dấu hiệu bán được hàng, các nhà bán lẻ tung hàng ngay. Lượng hàng này, một phần là hàng tồn từ năm ngoái, một phần được các nhà bán lẻ nhập về cách đây hai tháng. Ông Tôn Thọ Hiển Minh, phụ trách ngành hàng của Dienmay.com cho biết, từ đầu tháng 3 cho tới nay, mỗi ngày toàn hệ thống bán được khoảng 50 bộ máy lạnh, chủ yếu có công suất từ 1 – 1,5HP (ngựa) và khoảng 30 chiếc tủ lạnh (dung tích từ 200 lít trở xuống). Cũng theo lời ông Minh, sức mua như vậy chưa phản ánh nhu cầu thực tế của thị trường, nhưng đó là dấu hiệu cho mùa mua sắm các “sản phẩm giải nhiệt” của năm 2012. Nhân viên bán hàng của công ty điện lạnh Ánh Hồng (quận 4, TP.HCM) cũng xác nhận, từ đầu tháng 3 cho tới nay bán được nhiều hàng, chủ yếu là nhóm hàng máy lạnh có công suất từ 1 – 1,5HP. Không tiết lộ số lượng nhưng theo nhân viên này, lượng hàng bán ra trong khoảng thời gian trên nhiều hơn dịp mua sắm cuối năm.

Nhưng những cảm xúc thị trường trên, theo ông Dũng đánh giá, “chỉ là nhu cầu của những hộ gia đình có thu nhập thấp, không chịu nổi cái nóng nên lần đầu tiên mua sắm máy lạnh hoặc nhu cầu thay đổi những sản phẩm tiết kiệm điện của những hộ gia đình có thu nhập khá trở lên”. Ông Dũng cho rằng, năm nay giá điện tăng, cung điện không đủ, là những nguyên nhân để người tiêu dùng cân nhắc có nên mua máy lạnh hoặc tủ lạnh hay không. Bà Thanh Dung, phụ trách ngành hàng điện lạnh của iDeas cũng cho rằng sức mua năm nay sẽ không cao vì kinh tế khó khăn, thu nhập người dân thấp, trong khi giá sản phẩm tăng mạnh.

Thời tiết nắng nóng gây khó cho tiểu thương

Theo quan sát tại một số chợ bán lẻ, nắng nóng khiến cho tỷ lệ hàng hoá thực phẩm, nhất là đối với hàng tươi sống bày bán hư hỏng nhanh và nhiều hơn. Người tiêu dùng cũng ngại lui tới chợ mà chọn siêu thị, cửa hàng để tránh… nóng.

Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương bán rau ở chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình than: “Tuần trước, có ngày tôi lấy 100kg nhưng phải đổ bỏ hơn 20kg rau các loại. Sang tuần này, tôi phải giảm lượng hàng xuống, nhưng khách càng vắng hơn, như chiều ngày 12.3 gần như phải bán rẻ rúng vì nếu để lại thì rau héo hết”.

Sáng ngày 13.3, đoạn đường Bùi Hữu Nghĩa (bên hông chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh) vốn thường xảy ra kẹt xe do người bán bày hàng tràn ra lề đường, nay người dân có thể chạy xe khá thoải mái vì vắng bóng tiểu thương bán hàng rong. Chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ, tiểu thương bán rau ở đây cho biết, trước đây, mỗi phiên chợ vẫn có cả trăm người bán rau như chị ở đoạn đường này. Nhưng vài tuần gần đây chỉ còn lèo tèo vài người. “Nắng nóng, bụi bặm, hàng dọn ra chưa bán kịp đã khô héo làm cho khách hàng chê tới chê lui. Ai cũng nghỉ bán hết cả rồi chú ơi”, chị Thuỷ phàn nàn.

“Thịt ôi rất nhanh. Đến 10 giờ sáng mà người đứng bán còn nghe mùi, không muốn ăn chứ đừng nói gì đến người đi mua”, chị Thuỷ, tiểu thương chợ Tân Định rầu rĩ nói.

B.N – H.B

Gia Vinh
Theo SGTT   

Từ khóa: