Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VCSC nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) thêm 25,4% đạt 25.700 đồng/cổ phiếu nhưng duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho VIB khi giá cổ phiếu đã tăng 49,7% trong 3 tháng qua.
Giá mục tiêu cao hơn của VCSC được dẫn dắt bởi: Mức giảm trong chi phí vốn CSH của VCSC và hiệu ứng tích cực từ cập nhật mô hình định giá đến cuối 2021; Mức tăng trung bình 12,5% trong dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) sau lợi ích cổ đông thiểu số (CĐTS) 2020-2023; Áp dụng mức P/B dự phóng cao hơn đạt 1,25 lần so với 1,19 báo cáo trước đây.
Mức tăng trong dự phóng lợi nhuận giai đoạn 2021-23 của VCSC là nhờ mức tăng trung bình 12% trong dự báo thu nhập lãi ròng (NII) phần nào bị ảnh hưởng bởi mức tăng trung bình 8,1% trong dự phóng chi phí dự phòng.
Trong năm 2020, VCSC điều chỉnh tăng trưởng tín dụng dự báo lên 24% từ 20% ở báo cáo trước, cùng với mức tăng 15 điểm cơ bản trong giả định NIM dẫn đến mức tăng 7,4% trong dự phóng lợi nhuận lãi thuần. Ngoài ra, chi phí dự phòng thấp hơn 28,4% sau khi các khoản vay tái cơ cấu theo TT01 thấp hơn dự kiến giúp hỗ trợ mức tăng 18,7% trong LNST sau lợi ích CĐTS.
ROE và ROA dự phóng 2021 của VCSC đạt lần lượt 25,1% và 2,0% so với trung vị ngành đạt lần lượt 17,2% và 1,9%. Tuy nhiên, VCSC cho rằng định giá của VIB hiện đang khá phù hợp với P/B 2021 đạt 1,4 so với trung vị ngành là 1,1 lần.
Rủi ro được VCSC đưa ra đến từ: Tăng vốn là cần thiết để duy trì tăng trưởng cho vay trong dài hạn, tạo ra rủi ro pha loãng; Cạnh tranh gia tăng có thể tạo ra áp lực với lên NIM; Các yếu tố vĩ mô tiêu cực nếu có sẽ tạo ra áp lực lên khả năng dự phòng của VIB trong bối cảnh tỷ lệ LLR thấp và dư nợ vay ôtô cao.
Tăng trưởng tập khách hàng cá nhân ổn định cải thiện cho lợi suất tài sản trong 9 tháng 2020 và sẽ tiếp tục trong 2021. VIB và TCB là 2 ngân hàng duy nhất trong danh mục theo dõi của VCSC ghi nhận mức tăng lợi suất tài sản sinh lãi (IEA) trong 9 tháng 2020.
Mức tăng 6 điểm cơ bản YoY trong 9 tháng 2020 giúp lợi suất IEA của VIB vượt dự báo trước đây của VCSC, được dẫn dắt bởi tăng trưởng mạnh mẽ 26,8% YoY trong cho vay bán lẻ trong 9 tháng 2020, chiếm 82,2% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.
Kết quả cho thấy các bằng chứng mạnh mẽ rằng nhu cầu tín dụng bán lẻ của VIB là khả ổn định, bất chấp các tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Tuy nhiên, VCSC kỳ vọng lợi suất quý 4 sẽ không diễn biến tích cực trong quý 4 như được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019 khi tăng trưởng tín dụng mới trong quý 4 năm 2020 sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi.
VCSC kỳ vọng lợi suất IEA sẽ chỉ bắt đầu tăng tốc trở lại trong năm 2021 khi phần lớn các các biện pháp hỗ trợ khách hàng kết thúc. Do đó, VCSC duy trì lợi suất dự báo IEA 8,74% trong năm 2020 và dự báo lợi suất IEA 2021 đạt 8,8%.
Cạnh tranh gia tăng trong mảng bancasurrance trong năm 2021. Thị phần của VIB đã tăng từ 4,3% lên 11% trong giai đoạn 2017 – 6 tháng 2020 (theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam), dẫn đến phí phân phối bancasurrance của ngân hàng tăng mạnh với tăng trưởng kép đạt 171,9% trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, với các đối thủ cạnh tranh lớn (như VCB và ACB) hiện đang gia tăng sự tập trung vào mảng phân phối bancasurrance tương tự VIB, VCSC cho rằng sự cạnh tranh sẽ gia tăng và qua đó làm giảm khả năng tăng trưởng của mảng này cho VIB. Dù VCSC kỳ vọng phí bancasurrance sẽ vẫn đóng góp chính cho thu nhập phí thuần (NFI) của VIB, VCSC dự báo tăng trưởng này sẽ chững lại còn 15% YoY trong năm 2021.
VCSC điều chỉnh giảm giả định các khoản vay được cơ cấu theo TT01 từ 0,5% còn 0,3% trong năm 2020. Theo giả định của VCSC rằng 60% các khoản vay tái cơ cấu sẽ không chuyển thành nợ xấu, VCSC điều chỉnh giảm tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ xử lý nợ/khoản vay gộp còn 2,10% từ 2,21% và còn 0,25% từ 0,5% trong năm 2020. Trong khi đó, VCSC duy trì tỷ lệ nợ xấu 2021 đạt 2,1% và tỷ lệ xử lý nợ 0,5%.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành
Theo KTDU