VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế của Dabaco sẽ đạt 2.127 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước và cao hơn 129% so với kế hoạch của công ty.
Năm 2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (DBC) dự kiến sẽ đạt 12.100 tỷ đồng doanh thu (chưa tính doanh thu nội bộ) và LNTT đạt 928 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ) trên cơ sở sản lượng heo hơi đạt 71.800 tấn (tăng 52% so với năm trước) và giá heo hơi trung bình ở mức 50.800 đồng/kg (giảm 31% so với năm trước).
VDSC đánh giá kế hoạch của công ty có phần thận trọng do giá bán heo hơi có thể ở mức cao hơn. Cụ thể, với giả định giá bán tối đa là 70.000 đồng/kg theo quy định của Chính phủ và giá heo hơi cuối năm sẽ về tầm 60.000 đồng/kg, như vậy giá bán trung bình cả năm sẽ vào khoảng 67.500 đồng/kg, chỉ giảm 8,5% so với cùng kỳ.
Về sản lượng, DBC hoàn toàn có khả năng tăng sản lượng bán hàng khi nguồn cung thịt heo trên thị trường hiện vẫn còn thấp hơn mức trước dịch 14%.
Thực tế, quý I/2021, Dabaco đạt doanh thu 4.193 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 407 tỷ đồng, lần lượt tăng 70% và 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng với việc thực hiện 27% kế hoạch doanh thu và 44% mục tiêu năm.
Song, theo báo cáo mới cập nhật từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), công ty này nhận định Trung Quốc đang đẩy mạnh tái đàn heo khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi toàn cầu tăng mạnh và dự kiến neo ở mức cao trong thời gian tới.
Dù nguồn cung heo hơi tại Việt Nam đang tăng nhanh, chi phí chăn nuôi tăng theo giá thức ăn có thể khiến giá heo hơi năm 2021 không giảm nhiều.
"Tình hình này sẽ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn tự chủ về con giống như Dabaco tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận nhờ mở rộng nguồn cung", chuyên viên phân tích VDSC nhận xét.
Giá heo hơi sẽ giảm nhưng không nhiều
VDSC cho biết, việc Trung Quốc đẩy mạnh tái đàn heo khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi toàn cầu tăng mạnh và dự kiến neo ở mức cao trong thời gian tới. Dù nguồn cung heo hơi tại Việt Nam đang tăng nhanh, chi phí chăn nuôi tăng theo giá thức ăn có thể khiến giá heo hơi năm 2021 không giảm nhiều.
Hiện giá các loại nông sản nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi như đậu tương, lúa mì và ngô tăng mạnh trong quý I/2021 với lần lượt tăng 56% (lên 1.390 USD/giạ), 18% (lên 647 USD/giạ) và 29% (lên 217 USD/tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Giá nông sản bắt đầu tăng nhanh từ tháng 10 năm 2020 với những lo ngại về việc nguồn cung sụt giảm do (1) hạn hán ở Nam Mỹ nơi Brazil và Argentina là vựa nông sản hàng đầu thế giới và (2) mưa nhiều tại Malaysia và Indonesia cũng ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất trồng trọt của hai quốc gia này. Tuy vậy, nhu cầu nhập khẩu tăng cao của Trung Quốc được xem là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến việc giá nông sản tăng.
Theo AgroVoz, Trung Quốc lên kế hoạch tăng nhập khẩu ngô lên gấp ba lần, lúa mì lên gấp 2 lần, khoảng 10 triệu tấn và 100 triệu tấn đậu tương, là quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.
Trung Quốc tăng nhập khẩu nông sản để phục vụ việc chế biến thức ăn chăn nuôi khi hoạt động tái đàn heo tại nước này đang được triển khai rất tốt. Cụ thể, năm 2019, dịch tả châu Phi đã làm tổng đàn heo của Trung Quốc sụt giảm 28% yoy, xuống còn 310,4 triệu con. Tuy nhiên, hiện tại dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát giúp hoạt động tái đàn diễn ra “trơn tru”, nên tổng đàn heo nước này đã về mức 406,5 triệu con (tương đương 95% mức trước dịch).
Giá thức ăn chăn nuôi và sự tái xuất hiện dịch tả lợn châu Phi gây lo ngại nguồn cung có thể sụt giảm nên trong Q1-2021, giá heo hơi Việt Nam chỉ giảm 3,4% yoy (xuống 79.000 đồng/kg) dù cho việc tái đàn heo được đẩy mạnh và tổng đàn heo hiện đã đạt 27,3 triệu con (+14% yoy, tương đương 88% mức trước dịch).
VDSC cho biết, hiện tổng đàn heo của Trung Quốc đã về mức 95% so với trước dịch nên dự kiến nhu cầu nông sản để sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung khi tình hình thời tiết vẫn chưa thực sự thuận lợi ở khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á có thể khiến giá nông sản duy trì ở mức cao.
Với mức giá nông sản hiện tại, động lực để giá heo hơi Việt Nam giảm giá chủ yếu đến từ việc giảm giá con giống. Hiện số lượng con giống đã dồi dào hơn so với năm 2020 nên ước tính giá heo giống đã giảm khoảng 500.000 đồng/con (từ mức 3-3,5 triệu đồng/con năm 2020 xuống 2,5-3 triệu đồng/con). Giá con giống giảm sẽ giúp giá bán heo hơi giảm về mức 60.000 đồng/kg (mức chi phí sản xuất của các hộ nông dân nhỏ lẻ) vào cuối năm nay – thời điểm dự kiến tổng đàn heo sẽ phục hồi về mức trước dịch.
Với mức giá dự kiến này, VDSC dự báo lợi nhuận sau thuế của Dabaco sẽ đạt 2.127 tỷ đồng, tăng 37% so với 2020 và cao hơn 129% so với kế hoạch của công ty.
Tạ Thành
Theo KTDU