Doanh thu quý I/2021 của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) đạt 1.717 tỷ đồng, tăng trưởng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó dịch vụ vận tải ghi nhận 1.230 tỷ đồng, tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ với đóng góp chính đến từ mảng vận chuyển xăng dầu sản phẩm và LPG.
Theo báo cáo cập nhật mới đây của CTCK Rồng Việt (VDSC) được biết, biên lợi nhuận gộp PVT có sự cải thiện từ 14,3% lên 15% khi hoạt động vận tải ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận gộp quý I/2021 đạt 258 tỷ đồng, tăng trưởng 14,1% so với cùng kỳ.
Đối với mảng dầu thô, doanh thu đạt 299 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ. Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ từ 20,7% trong quý I/2020 xuống còn 19%, chủ yếu do ảnh hưởng của mảng vận tải quốc tế khi PVT ký các hợp đồng mới trong đầu quý I/2021. Cụ thể, PVT đã ký các hợp đồng T/C mới cho các tàu hoạt động ở tuyến quốc tế với giá cước mới giảm khoảng 20% so với trước đó theo ước tính của VDSC.
Trong khi đó mảng vận tải dầu thô trong nước – chủ yếu cho Bình Sơn ghi nhận sự phục hồi với sản lượng vận tải khoảng 1,3 triệu tấn so với 1 triệu tấn cùng kỳ.
Đối với mảng dầu thành phẩm, doanh thu đạt 342 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ khi PVT nhận thêm 2 tàu mới PVT Azura, PVT Dawn trong quý I/2021 và tàu PVT Venus cũng đóng góp vào hoạt động từ cuối 2020. Với sự bổ sung các tàu mới – chủ yếu vận chuyển hóa chất, biên lợi nhuận của mảng dầu thành phẩm có sự cải thiện đáng kể từ 5,4% lên 12,3%.
Đối với mảng LPG, doanh thu đạt 493 tỷ đồng, tăng trưởng 34,8% chủ yếu nhờ sản lượng vận chuyển tăng trong khi giá cước được duy trì ổn định cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 9% lên 13,3%.
VDSC cũng cho biết, PVT thực hiện thanh lý tàu PVT Sealion với trọng tải 16.187 DWT và thu về 39 tỷ đồng trong quý I/2021. Nếu so với 97 tỷ lợi nhuận từ việc thanh lý tàu Hercules (trọng tải 96.174 DWT) trong năm 2018, lợi nhuận thanh lý của PVT Sealion là khá cao nhờ giá sắt thép đang thuận lợi trong giai đoạn này. Nhờ khoản tiền thu được từ thanh lý tàu, LNST công ty mẹ PVT trong quý I/2021 ghi nhận 136 tỷ đồng, tăng trưởng 102,1% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, PVT cũng sẽ tiếp tục thanh lý PVT Athena và dự kiến sẽ ghi nhận mức lợi nhuận đáng kể ~ 100 tỷ đồng trong năm nay.
Cũng theo VDSC, PVT luôn có xu hướng đặt kế hoạch thận trọng trước mỗi kỳ kinh doanh. Chính vì thế cũng không có gì ngạc nhiên với kế hoạch năm nay của PVT cho dù vẫn còn những ảnh hưởng của Covid lên hoạt động kinh doanh.
“Theo quan điểm của chúng tôi, PVT sẽ dễ dàng hoàn thành kế hoạch với lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi của PVT cải thiện so với năm trước” VDSC cho biết.
Theo đó, VDSC đưa ra các yếu tố hỗ trợ: Nhà máy Bình Sơn không còn bảo dưỡng tổng thể giúp khôi phục nhu cầu vận chuyển sản lượng. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của BSR nhiều khả năng tốt trong năm nay giúp giá cước vận chuyển cho nhà máy được duy trì một biên lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ; Mảng vận tải xăng dầu/hóa chất tăng trưởng nhờ đóng góp các tàu mới; Hoạt động thanh lý tàu Sealion và Athena mang lại lợi nhuận đột biến; Đóng góp thêm từ hoạt động O&M cho CPP Sao Vàng”.
Theo đó, doanh thu và LNST cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 7.563 tỷ đồng và 845 tỷ đồng. Trong đó VDSC kỳ vọng hoạt động thanh lý tàu Sealion và Athena có thể mang về 140 tỷ đồng cho PVT.
VDSC cho biết, PVT dự kiến chi 7.621 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong năm nay (bao gồm công ty mẹ và các công ty con), trong đó 64% sẽ được tài trợ bằng vay nợ. Số tiền này chủ yếu sẽ được dùng để đầu tư các tàu mới vốn đã bị ngưng một phần trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Với mức đầu tư lớn, PVT dự kiến không chia cổ tức trong năm nay. Tuy nhiên, VDSC cho rằng khả năng hoàn thành 100% kế hoạch đầu tư của PVT là khá thấp do trong quá khứ, hiếm khi nào công ty hoàn thành kế hoạch đầu tư của mình đề ra từ đầu năm.
Tạ Thành
Theo KTDU