Sự kiện hot
4 năm trước

VDSC: Dự báo LNTT của VietinBank có thể đạt đạt 24.802 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước

VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank - mã CTG) năm nay có thể đạt đạt 24.802 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo cập nhật mới đây của CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) có thể đạt 6.265 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2021, VietinBank đạt mức tăng trưởng vượt trội nhờ ghi nhận hệ số CIR, chi phí tín dụng và chi phí lãi giảm mạnh. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 171% so với cùng kỳ chủ yếu do chi phí trích lập dự phòng giảm giảm 69% so với cùng kỳ.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, VietinBank tăng dư nợ tín dụng khoảng 3% so với đầu năm trong khi tăng trưởng huy động nhỉnh hơn. Đây là một kết quả tích cực so với việc không tăng trưởng dư nợ tín dụng trong quý I/2021.

VDSC cho rằng dư địa hạn chế trong việc cải thiện hệ số LDR đang gây áp lực lên tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh cơ sở huy động mở rộng tương đối chậm và mức trần tỉ lệ LDR sắp được áp vào cuối năm 2021. VietinBank đang xin dãn lộ trình áp mức trần LDR, hiện sẽ giảm về mức 85% sau năm 2021. Tỉ lệ LDR của VietinBank ở mức 85,3% cuối quý I/2021. Do đó, VDSC cho rằng ngân hàng có thể phải tập trung ưu tiên cho vay ngắn hạn để đẩy nhanh việc thu hồi nợ.

Ngoài ra, VDSC kỳ vọng biên lãi ròng (NIM) của VietinBank mở rộng sẽ tiếp tục là chất xúc tác trong quý II/2021 do nền so sánh thấp, sự phục hồi của tỉ lệ CASA và đà giảm của lãi suất bình quân tiền gửi có kỳ hạn.

Kết hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, VDSC dự báo thu nhập lãi thuần sẽ đạt 10.258 tỷ đồng (tăng 32%), chủ yếu do chi phí lãi vay giảm mạnh (giảm 17%). NIM theo năm sẽ giảm nhẹ xuống mức 3,2% dựa trên các yếu tố lợi suất đầu tư thu hẹp, phát hành nợ dài hạn và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thấp hơn. VDSC kỳ vọng xu hướng giảm của lợi suất bình quân tiền gửi có kỳ hạn sẽ yếu đi sau khi hiệu ứng tái cơ cấu danh mục kết thúc và chuyển sang đi ngang trong những tháng tới. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân dự kiến không biến động nhiều. Do vậy, biên NIM dồn 12 tháng sẽ duy trì xu hướng tăng kể từ quý III/2020.

VDSC cũng kỳ vọng sự bùng phát của đại dịch sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức đến mảng tài trợ thương mại, vốn là động lực chính cho thu nhập từ dịch vụ kể từ đầu năm 2021 do phân khúc khách hàng FDI dẫn dắt. Thu nhập dịch vụ ròng dự kiến sẽ tăng 18% với kì vọng thu nhập ngoài lãi khác sẽ tăng mạnh khi doanh số ngoại hối phục hồi và nền so sánh trong quý II khá tích cực. Tổng thu nhập hoạt động được dự báo đạt 13.168 tỷ đồng (tăng 32%).

Ngoài ra, VDSC cho hay VietinBank đang kỳ vọng việc chuyển nhóm lên các nhóm nợ cao hơn của các khoản nợ xấu sẽ diễn ra tương tự so với quý I, giúp tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu ròng và giảm áp lực chi phí tín dụng. Chi phí trích lập dự phòng ước tính tăng 16%.

Trong báo cáo của VDSC có nêu, “Trong trường hợp thương vụ M&A giữa Manulife và Aviva Việt Nam được chấp thuận bởi Bộ Tài chính trong tháng 6 như ngân hàng kì vọng, CTG sẽ có khả năng ghi nhận khoản phí trả trước vốn sẽ đẩy tăng trưởng lợi nhuận rất cao. Hiện tại, CTG vẫn kì vọng nhận được phê duyệt trễ nhất là đầu quý III. CTG vẫn đang phân phối sản phẩm bảo hiểm của Aviva.”

Đánh giá chung, VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế của VietinBank năm nay có thể đạt đạt 24.802 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước.

Nhận định này được đưa ra dựa trên cơ sở VDSC kỳ vọng chi phí huy động vốn được cải thiện tốt hơn dự kiến, chủ yếu là do tiền gửi có kỳ hạn bình quân giảm và áp lực chi phí tín dụng thấp nhờ diễn biến chuyển nhóm tích cực của nợ xấu là trợ lực cho ngân hàng.

Mặt khác, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của lợi nhuận cho giai đoạn 2022 -  2024 được ước tính giảm từ 18% xuống 14%.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: